Đầu ra bấp bênh, nông dân chưa dám đầu tư lớn

Thuận Hải Thứ ba, ngày 05/08/2014 10:00 AM (GMT+7)
Ngành nông nghiệp huyện Hóc Môn (TP.HCM) đang khuyến khích chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất mới, hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, đầu ra nhiều sản phẩm chưa ổn định, nông dân do đó vẫn ngại đầu tư lớn.
Bình luận 0

Trong khi đó, cùng với sự hợp tác chặt chẽ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) chi nhánh Hóc Môn, nhiều hộ nông dân đã “dám nghĩ dám làm”, và thành công.

Thiếu vốn, nông dân không dám liều

Là nông dân nuôi bò sữa, chị Nguyễn Thị Hường (ngụ ấp Thới Tây 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM) hiểu rằng, giá thức ăn chăn nuôi luôn chiếm 70 – 80% giá thành sản phẩm. Trong khi đó, thời gian qua, giá thức ăn liên tục tăng cao càng khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.

Nhờ quen biết với một số nhà cung cấp thức ăn bò sữa, chị Hường nhận được lời đề nghị làm đại diện cho các hộ chăn nuôi trong vùng để mua sản phẩm với số lượng lớn. Nhờ đó, nông dân có thể giảm được một phần giá thành từ giá thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, vấn đề lớn lúc này là nhà máy yêu cầu thanh toán tiền ngay khi nhận sản phẩm, trong khi giao sản phẩm đến tay hộ chăn nuôi, phải 10 – 15 ngày sau nông dân mới trả tiền cho chị Hường.

Theo tính toán của chị, mỗi nông dân thường phải “gối đầu” ít nhất 100 bao cám trong vòng 10 – 15 ngày, tức khoảng 20 – 21 triệu đồng/hộ. Do đó, số vốn đầu tư ban đầu không hề nhỏ.

“Ban đầu, không có tiền nên tui không dám nhận lời làm đại lý cho bà con. Biết là lấy thức ăn trực tiếp từ nhà máy sẽ giảm được khá nhiều vốn đầu tư nhưng nông dân như tui làm gì có số vốn lớn vậy”, chị Hường phân trần. “Cuối cùng sau đó, có người giới thiệu đến Agribank vay vốn ưu đãi nên tôi thử. Ai ngờ, cán bộ ở Agribank nhiệt tình hướng dẫn nên mọi việc thuận lợi”, chị Hường tiếp lời.

Đến nay, mỗi tháng, chị Hường vừa chăm nuôi hơn 45 con bò sữa, vừa cung cấp khoảng 200 tấn thức ăn các loại cho 70 hộ chăn nuôi trong vùng. Tiếng là đại lý cấp 1 nhưng chị Hường cũng giao lại hàng cho nông dân theo giá nhà máy, nhờ đó, mỗi bao thức ăn, nông dân có thể giảm được từ 3.000 – 4.000 đồng tùy loại so với việc mua ngoài thị trường.

Trong khi đó, tại ấp 3 xã Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn, TPHCM), nông dân Trần Văn Xê được nhiều người biết đến như một “ông thầy cấy mô giống lan” của cả vùng. Ở tuổi 66, ông Xê vẫn ngày ngày miệt mài bên những “ống thủy tinh”, dùng để nuôi dưỡng những cây giống lan vừa mới cấy.

 Năm 2013, tỉ lệ cho vay phát triển nông nghiệp ở Agribank Hóc Môn đạt 63%, tức khoảng 1.400 tỷ đồng trong tổng số dư nợ 2.197 tỷ đồng.

Ông Xê cho biết, những năm 2009 – 2010, nhu cầu giống lan để mở rộng diện tích ở các tỉnh phía Nam rất lớn, việc nhập khẩu cũng như chiết cành không đáp ứng đủ. Thời điểm này, việc mở phòng cấy mô để nhân giống lan cũng chưa được nhiều người nghĩ đến.

“Lúc đó, vốn không nhiều, kinh nghiệm cũng không bao nhiêu, cầm cái kéo cắt mô mà tay run cầm cập, dẫu vậy, đón trước nhu cầu thị trường, tui phải vay hơn 1,5 tỷ đồng, đầu tư phòng cấy mô và hơn 3.000m2 vườn trồng lan sau khi cấy mô”, ông Xê chia sẻ.

img

Ông Trần Văn Xê là một trong những nông dân đầu tiên mạnh dạn vay vốn xây dựng phòng cấy mô nhân giống hoa lan các loại. (Ảnh: Thuận Hải)

Đến nay, nhờ “dạn tay” cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ nông nghiệp trong vùng, ông Xê trở thành một trong những nông dân tỷ phú ở huyện Hóc Môn. Ông cũng đã đầu tư, truyền nghề cho nhiều sinh viên trẻ trong việc cấy mô giống lan, phục vụ bà con nông dân các tỉnh.

Ông Xê cho rằng, chỉ cần cấy mô rồi nuôi dưỡng thành công 100.000 cây giống tốt là đủ khả năng trả nợ ngân hàng. Thế nhưng, cái khó là tìm được chỗ cho vay với lãi suất hợp lí.

Cần sự hỗ trợ từ ngân hàng

Không chỉ nông dân nhỏ lẻ, một số doanh nghiệp nông nghiệp lớn hiện nay cũng dễ dàng rơi vào tình trạng khốn đốn vì tình trạng thị trường không ổn định.

Ông Trương Văn Tốt – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển nông nghiệp Thanh niên xung phong (ADECO) minh chứng: Đơn cử như thời điểm 4 tháng đầu năm 2014, tình hình dịch bệnh trên gia cầm đã khiến hoạt động của doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn.

Ông Tốt cho biết, thời điểm tháng 5, UBND TP có chính sách cho vay ưu đãi để tạm trữ sản phẩm và duy trì đàn gia cầm, ADECO cũng có tiêu chuẩn vay 10 tỷ ở một ngân hàng cổ phần trong chương trình này. Tuy nhiên, do thủ tục có phần khó khăn, ADECO đã xin cơ chế để được vay ưu đãi ở Agribank Hóc Môn, là đơn vị đã hợp tác với ADECO từ nhiều năm trước.

img

Phát triển hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi ở ADECO với sự hợp tác vốn vay từ Agribank Hóc Môn. (Ảnh: Thuận Hải)

Theo ông Lê Trung Hậu – Phó Giám đốc Ngân hàng Agribank chi nhánh Hóc Môn (TP.HCM), nông nghiệp là ngành có tỉ suất lợi nhuận thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định nên thường ảnh hưởng tới việc trả lãi cũng như vốn vay cho ngân hàng. Hơn nữa, rất nhiều nông dân có nhu cầu vay vốn sản xuất nhưng lại không có tài sản thế chấp, gây khó khăn cho ngân hàng. Ví dụ như hiện nay, dư nợ không tài sản đảm bảo của Agribank chi nhánh Hóc Môn khoảng 200 tỷ thì phần lớn là rơi vào lĩnh vực cho vay sản xuất nông nghiệp.

Mặc dầu vậy, nông nghiệp luôn là lĩnh vực được ưu tiên ở Agribank, ngân hàng này cũng là đơn vị đứng đầu khu vực trong việc cho vay để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn huyện Hóc Môn hiện nay, chiếm hơn 70% tổng dư nợ.

Theo đó, các dự án cho vay chủ yếu gồm phát triển chăn nuôi như bò sữa, heo, các loại động vật hoang dã, trồng lan, cây kiểng và một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn khác. Hoạt động cho vay để chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp cũng được Agribank tích cực hỗ trợ trong 6 tháng đầu năm 2014.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem