Dầu tăng, xăng giảm, dân ngán ngẩm

Mai Hương Thứ ba, ngày 16/02/2016 17:59 PM (GMT+7)
Giá xăng dầu kỳ điều hành tới (dự kiến ngày 18.2, đúng theo chu kỳ 15 ngày) được các doanh nghiệp dự báo sẽ tăng ở dầu và giảm ở xăng…
Bình luận 0

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chiều nay (16.2) cho biết, việc điều hành giá xăng dầu sẽ diễn ra đúng ngày 18.2 tới theo đúng quy định của Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, tức 15 ngày tính cả các ngày nghỉ lễ Tết nguyên đán vừa qua.

img

Doanh nghiệp dự báo giá xăng giảm 500 đồng/lít, dầu tăng 200-300 đồng/lít

Dân có “thoát” đóng quỹ?

Trước kỳ điều chỉnh giá xăng dầu hai ngày, giá dầu Brent tại châu Á đã tăng nhanh trở lại, vượt qua mức 34 USD/thùng. Giá dầu tăng sau khi có thông tin các cường quốc dầu mỏ, trong đó có Nga và Saudi Arabia, có thể đạt một thỏa thuận chung nhằm ổn định thị trường “vàng đen” tại cuộc gặp ở Doha (Qatar) chiều nay (16.2).

Đến trưa nay (theo giờ Hà Nội), giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 4 tại thị trường Singapore đã tăng 1,30 USD, tương đương 3,89%, lên mức 34,69 USD/thùng. Tương tự giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 3 cũng tăng 1,30 USD, tương đương 4,42%, lên 30,74 USD/thùng. Giá dầu đã nối tiếp đà tăng hơn 12% (ở khoảng 29,76 USD/thùng) của phiên cuối tuần trước tại thị trường New York. Tính chung, kể từ thời điểm điều hành giá xăng dầu ngày 3.2 đến hôm nay, giá xăng dầu trên thế giới có phiên giảm, phiên tăng, một vài phiên chững lại.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt chiều nay, ông Trần Minh Hà, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty TNHH một thành viên dầu khí TP Hồ Chí Minh (Sài Gòn Petro) cho biết, với biến động giá xăng dầu thế giới hiện nay, kỳ điều hành giá xăng dầu tới dự báo có cả tăng và giảm. Theo ông Hà, giá xăng có thể giảm tiếp 500 đồng/lít nhưng giá dầu sẽ có sự điều chỉnh tăng 200-300 đồng/lít. Bởi, giá dầu thế giới tăng giảm những ngày qua khá trái chiều, với chu kỳ giảm của xăng sâu hơn còn dầu lại nhích lên.

Đại diện một doanh nghiệp xăng dầu cũng đồng tình và khẳng định, đây chỉ là dự báo của doanh nghiệp chúng tôi bởi giá xăng dầu điều hành kỳ tới còn phụ thuộc vào mức thuế phí, trích quỹ bình ổn xăng dầu có sự thay đổi nào hay không. “Có thể thấy quỹ bình ổn giá xăng dầu đang có số dư lớn, cơ quan Nhà nước sẽ không thực hiện trích quỹ kỳ điều hành tới đây nữa. Đây chỉ là giả thiết của tôi còn việc trích hay không trích quỹ hoàn toàn do Bộ Tài chính quyết định và điều hành, tôi không bình luận. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi không bị ảnh hưởng gì từ việc trích lập quỹ này. Quỹ là tiền của người tiêu dùng đóng góp vào để bình ổn giá xăng dầu. Doanh nghiệp xăng dầu không được sử dụng cho mục đích kinh doanh và tiền quỹ được đặt tách riêng”-vị đại diện doanh nghiệp này nói.

Xăng giảm mà dân vẫn cám cảnh!

“Thực tế, giá xăng dầu đã giảm liên tiếp 3 lần trong năm 2016 nhưng người dân vẫn thấy cám cảnh”-chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng nói. Thứ nhất, theo ông Thắng, kể từ tháng 6.2014 đến nay giá dầu thế giới đã giảm khoảng hơn 70% song giá xăng dầu trong nước chỉ giảm khoảng hơn 30%. Doanh nghiệp xăng dầu, đại lý xăng dầu đều công bố lãi lớn suốt năm qua. Giá xăng dầu giảm ít còn tiền trích quỹ bình ổn người dân vẫn phải đóng là điều họ không mong muốn. Hiện mức trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu của các doanh nghiệp đối với các mặt hàng xăng, dầu (trừ xăng E5) là 300 đồng/lít (kg). Do mức trích vẫn giữ như trên trong khi giá xăng dầu liên tiếp giảm nên số dư quỹ được Bộ Tài chính công bố hết năm 2015 còn tới gần 4.000 tỷ đồng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lại nhận định rằng, xăng dầu giảm giá liên tiếp nhưng tác động đến nền kinh tế rất hạn chế. Vin vào giá xăng dầu giảm ít, các hãng taxi, hàng không vẫn giữ giá cước cao ngất đi cùng với lãi lớn của các ngành này chẳng khác gì lãi của ngành xăng dầu. “Chúng ta đã không có một hệ thống quản lý giá tốt để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Các hãng hàng không, taxi, vận tải không giảm hoặc giảm không tương xứng giá cước đều được “bao bọc” bởi các lý do rất mơ hồ, họ không chịu thua kém ngành xăng dầu, chỉ có người tiêu dùng là chịu thiệt”-ông Long nói.

Dự báo của nhiều chuyên gia năm nay, giá dầu có thể sẽ còn xuống thấp, ít nhất là trong 6 tháng đầu năm. OPEC quyết định không giảm sản lượng, đồng USD tăng giá, một số nền kinh tế lớn đà tăng trưởng không mạnh như trước… Đó là những yếu tố khiến cho khả năng tiêu thụ giảm đi và làm cho giá dầu sẽ giảm sâu. "Nếu giá dầu tiếp tục giảm sâu, các cơ quan Nhà nước cần mạnh dạn tính tới việc để cho người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều hơn. Cụ thể lợi ở đây là giá xăng dầu trong nước phải rẻ, doanh nghiệp được hưởng chi phí đầu vào thấp, từ đó kéo theo mặt bằng giá cả trong nước thấp, tạo cơ hội cho điều hành tỷ giá, lãi suất. Các doanh nghiệp đều đang mong một mặt bằng lãi suất thấp hơn do tác động của giá dầu giảm để họ có cơ hội phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh tốt hơn"-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam kiến nghị.

Trong lần điều chỉnh gần đây nhất vào 3.2, giá bán lẻ xăng trong nước giảm 496-729 đồng/lít, xuống 14.713 đồng/lít xăng RON92 và 14.263 đồng/lít xăng E5.

Giá dầu diesel hạ 627 đồng/lít, còn tối đa 9.580 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm 483 đồng/lít, xuống mức không cao hơn 8.905 đồng/lít; giá dầu mazut giảm nhẹ hơn nhiều, chỉ hạ 20 đồng/kg, còn tối đa 7.225 đồng/kg.

Nếu ngày 18.2 giá xăng tiếp tục được điều chỉnh thì đây sẽ là lần giảm thứ 4 liên tiếp của mặt hàng này trong năm 2016.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem