Đấu tranh với tiêu cực, dối trá (bài 3): Xung quanh câu chuyện xây dựng và gìn giữ lòng tin

TS.Nguyễn Quang Vinh Thứ sáu, ngày 18/06/2021 06:09 AM (GMT+7)
Chuyện nghệ sỹ, người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm để kiếm tiền thì ở đâu, giai đoạn cũng có. Vì thế mà một số người cho rằng "họ có quyền sử dụng thế mạnh của mình để kiếm tiền như việc các nhà sản xuất quảng bá chất lượng sản phẩm của mình để bán hàng mà thôi". Riêng tôi lại nghĩ khác...
Bình luận 0

LTS: Vấn nạn hàng giả hàng nhái, buôn lậu tinh vi không được kiểm soát, xử lý tốt; câu chuyện mua bán bằng cấp, mua danh bán danh, lợi dụng uy tín cá nhân để trục lợi, gây bất ổn xã hội, xói mòn lòng tin trong nhân dân... Thực trạng đó đang ở mức đáng báo động.

Đấu tranh với tiêu cực, dối trá - đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò thực thi công vụ của cán bộ, công chức phải được đặt lên hàng đầu. Nếu như ai cũng "thở dài, buông xuôi" và đổ cho "cơ chế" thì đó sẽ là cái nôi nuôi dưỡng sự giả dối, để cái xấu, cái tiêu cực ngày càng sinh sôi, cản trở sự phát triển của đất nước.

"Đấu tranh với tiêu cực, dối trá" không thể chỉ là "hô khẩu hiệu" mà phải bắt đầu bằng chính những câu chuyện, những vụ việc, những cách xử lý cụ thể. Dân Việt xin giới thiệu loạt 3 bài viết của Đại tá , TS Nguyễn Quang Vinh - Nguyên Phó Tổng Biên tập kênh truyền hình ANTV.

Người nông dân đưa xuất xứ nông sản để thể hiện sản phẩm do họ "một nắng hai sương" làm ra là sạch và thật; người sản xuất chứng minh chất lượng sản phẩm của mình qua thử nghiệm là tốt và bền; người kinh doanh mang hệ thống phân phối ra để thấy năng lực cạnh tranh nên giảm được giá thành…tất cả đều hy vọng lấy được lòng tin của người sử dụng bằng sự trung thực của mình để bán được sản phẩm – đó là "quy trình logic".

Chống hàng giả, hàng nhái - nhiệm vụ không của riêng ai - Ảnh 1.

Tràn lan hình ảnh nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng chữa u nang, u xơ. (Ảnh chụp màn hình)

Người nổi tiếng và nghệ sỹ thì họ vốn đã có sẵn lòng tin của mọi người nên đâu cần phải đi tìm nữa, giờ là họ thụ hưởng "cái sự tin" đó để làm ăn mà thôi – đó là "quy trình tắt". Cũng chẳng có gì đáng phải bàn nếu như họ xứng đáng để được đi con đường tắt đó. Tuy nhiên giai đoạn vừa qua một số khá đông nghệ sỹ, người nổi tiếng đang đánh mất lòng tin của công chúng bằng cái sự không trung thực của mình. Theo tôi có 2 loại thái độ và hành vi của họ:

Thứ nhất, khi họ không tìm hiểu, không có đủ kiến thức hiểu biết, bị mắc bẫy… mà quảng cáo không đúng sự thật làm người dân bị lầm tưởng, bị thiệt hại thì họ là kẻ đáng trách (chứ không đáng thương).

Thứ hai, khi họ cố tình lừa dối người tiêu dùng hay phớt lờ hành vi lừa dối của nơi trả tiền quảng cáo thì họ là kẻ lừa đảo cần phải bị trả giá – đó là cách mà chúng ta đòi lại sự công bằng trước luật pháp, cũng là cách mà khán giả và người hâm mộ thu hồi lại lòng tin đã đặt nhầm vào họ.

Câu chuyện thứ nhất

"Quý bà" Nguyễn Thu Trang, người đã từng được đề cử làm đại diện của Việt Nam tham dự cuộc thi Hoa hậu Quý bà châu Á 2017 (Mrs Asia International 2017) với lý lịch trích ngang "Là một trong 2 nhà lãnh đạo trẻ sáng lập và điều hành tập đoàn kinh doanh online lớn nhất Việt Nam. Mang trong mình hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại: xinh đẹp, tài năng, thành công và tích cực với các hoạt động thiện nguyện, cộng đồng, được kỳ vọng sẽ đem về các danh hiệu giá trị không chỉ cho bản thân mà còn cho mạng lưới Nữ lãnh đạo quốc tế WLIN tại Việt Nam…".

Bất ngờ là Công ty của "Quý bà" Chủ tịch Tập đoàn mỹ phẩm T's Group với 2.500 đại lý tại 25 quốc gia trên thế giới bị kiểm tra, thu giữ 14.000 sản phẩm gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trị giá 11 tỷ đồng đều không có hóa đơn chứng từ, không có nhà cung cấp, số điện thoại thì không liên lạc được. Từ đây "Quý bà" được gắn với cái tên khá đặc biệt "Trùm kem trộn". Điều đáng nói là Tập đoàn của "Trùm kem trộn" khi đó lại đang sở hữu nhiều "Đại sứ thương hiệu" là những nghệ sỹ và người nổi tiếng như Ốc Thanh Vân, Ngọc Trinh, Lã Thanh Huyền, Bảo Thanh, á hậu Tú Anh.

Chống hàng giả, hàng nhái - nhiệm vụ không của riêng ai - Ảnh 2.

Vợ chồng Lê Dương Bảo Lâm và Quỳnh Quỳnh thường xuyên livestream trên Facebook để bán hàng và nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. (Ảnh chụp màn hình).

Câu chuyện thứ hai

Vợ chồng nghệ sĩ hài Lê Dương Bảo Lâm kinh doanh hàng hiệu thời trang tại nhà (xã Long Đức, huyện Long Thành, Đồng Nai) nhưng chủ yếu bán trên mạng xã hội. Đã từng có những "lùm xùm" về chuyện sản phẩm là hàng giả thương hiệu thì nam nghệ sỹ hài lập tức lên mạng livestream: "Em ra thưa anh đi. Em lên Công an em thưa anh để cho Công an bắt anh đi chứ đừng vô đây comment hàng giả phát mệt quá. Đi thưa liền OK không?".

Vậy là "cầu được ước thấy", vừa qua đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai đã tiến hành kiểm tra cửa hàng và phát hiện có 1.118 chai nước hoa là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Chanel, Gucci đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam. Ngoài ra còn hơn 10.300 sản phẩm mỹ phẩm các loại là hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định. Bà Quỳnh Anh (vợ diễn viên hài Lê Dương Bảo Lâm) thừa nhận là mua hàng trôi nổi trên mạng nên không biết nguồn gốc cung cấp.

Câu chuyện thứ ba

Việc Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ 14.000 sản phẩm không nguồn gốc xuất xứ của bà "Trùm kem trộn" hơn 3 năm về trước rầm rĩ báo chí thế mà cũng chỉ xử lý hành chính để rồi hôm nay, báo chí phát hiện bà "Trùm kem trộn" ngày xưa nay đã trở lại "lợi hại hơn xưa" với "bộ ba" Trang – Trinh – Thành và thương hiệu công ty "na ná" tên cũ để tiếp tục sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực này. Còn vụ kinh doanh hàng giả thương hiệu của vợ chồng Lê Dương Bảo Lâm thì ngày 4/6/2021 vừa qua tiếp tục được Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai phạt hành chính…Tại sao luật đã có, những điều khoản đã rõ như vậy mà lại không được áp dụng?

Điều 192 Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13 tội sản xuất, buôn bán hàng giả đã ghi rõ: Hàng giả có giá bán niêm yết từ 20 triệu đến dưới 100 triệu thì bị phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 1 đến 5 năm; Phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, hàng giả có giá bán niêm yết từ 100 triệu đến dưới 200 triệu thì bị phạt tù từ 5 đến 10 năm; Hàng giả có giá bán niêm yết hơn 200 triệu thì bị phạt từ 7 đến 15 năm…

Trở lại chủ đề "lòng tin" tôi đặt ra từ đầu. Thôi thì những vị nghệ sỹ, người nổi tiếng đã bất chấp danh dự, uy tín của mình để kiếm tiến thì không còn xứng với lòng tin của công chúng, công chúng sẽ đòi lại lòng tin đặt nhầm chỗ đó. Còn Quản lý thị trường lại khác – cơ quan thực thi pháp luật nhà nước trên lĩnh vực đấu tranh chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ uy tín đất nước trên thương trường quốc tế thì cần phải "Luật pháp bất vị thân". Hy vọng Tổng Cục Quản lý thị trường gần đây đang có những việc làm được lòng nhân dân sẽ có những quyết định đúng đắn, không thể để bất kỳ ai, lợi dụng bất cứ ảnh hưởng gì có thể "nhờn luật".




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem