Đầu tư chứng khoán vào ngành nào nếu lạm phát tăng?

Quốc Hải Thứ tư, ngày 23/06/2021 16:21 PM (GMT+7)
Một trong những nhân tố hỗ trợ chính cho thị trường chứng khoán thăng hoa thời gian qua là mức lạm phát và lãi suất đang ở mức rất thấp. Vì thế, khi lạm phát có dấu hiệu tăng nóng thời gian gần đây, một vấn đề được giới đầu tư quan tâm nên “rót tiền” vào đâu nếu lạm phát tăng?
Bình luận 0

Tại Việt Nam, lạm phát bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất 6 năm, CPI tháng 5/2021 chỉ tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2020, vẫn trong tầm kiểm soát.

Đầu tư chứng khoán vào ngành nào nếu lạm phát tăng nóng? - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán có mối quan hệ chặt chẽ với chỉ số lạm phát (Ảnh: cafef.vn)

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế và chứng khoán, với nền kinh tế mở và chịu tác động nhiều từ giá hàng hóa thế giới như Việt Nam thì áp lực lạm phát giai đoạn tới vẫn hiện hữu. Việc chuẩn bị trước kịch bản xây dựng danh mục khi lạm phát tăng cao sẽ giúp nhà đầu tư chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của nền kinh tế.

Lạm phát sẽ tăng, nhưng tăng bao nhiêu?

Trong một báo cáo mới công bố gần đây của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research), cho hay, hiện có những lo ngại về giá xăng dầu và vật liệu xây dựng tăng cao, bên cạnh việc nhu cầu hồi phục sẽ đẩy mặt bằng lạm phát lên tầm cao mới trong nửa cuối năm.  Cụ thể, Agriseco Research đánh giá, lạm phát mặc dù có thể tăng, tuy nhiên trong trường hợp tăng vượt mục tiêu 4% của Chính Phủ thì tại vùng đệm 4%-8% vẫn là mức thuận lợi cho thị trường chứng khoán, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng.

Dẫn chứng cho quan điểm của mình, Agriseco Research đưa ra số liệu, kể từ khi thành lập thị trường chứng khoán tới nay, kinh tế Việt Nam đã trải qua 106 tháng có mức CPI so với cùng kỳ nhỏ hơn 4%, khi đó chỉ số Vn-Index tăng trưởng trung bình tới 2,73%/tháng trong các tháng này, cao vượt trội so với mặt bằng chung.

Trong khi đó, lịch sử cho thấy trong 77 tháng có mức lạm phát trong khoảng 4% tới 8%, tỷ suất trung bình VN-Index trong các tháng này vẫn đạt 2,0%, cũng là mức khả quan.

Dù vậy, sẽ rất nguy hiểm nếu lạm phát vọt lên trên vùng 2 chữ số, chứng khoán thường lao dốc rất mạnh và thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Thống kê cho thấy VN-Index đã trải qua 37 tháng có mức lạm phát cao hơn 10%. Tỷ suất thị trường giai đoạn này sụt giảm tới 2,83%/tháng. Đặc biệt hơn có những tháng giảm khủng khiếp trên 20%/tháng như các tháng trong giai đoạn 2008-2009. Do hệ lụy của nới lỏng tiền tệ, tài khóa quá mức, lạm phát đã tăng vượt 10% từ cuối 2017 và tăng liên tục, tạo đỉnh giữa 2018 với mức gần 30%, chỉ số VN-Index đã sụt tới… 70% trong giai đoạn này.

Bước sang giai đoạn 2011, khi lạm phát duy trì trong ngưỡng 12 - 23% suốt cả năm (chủ yếu do kích thích tài khóa không hiệu quả), chứng khoán đã sụt giảm gần như cả năm với mức sụt giảm lên tới 30%.

Số liệu trên cho thấy lạm phát và thị trường chứng khoán có mối quan hệ khá chặt chẽ với nhau. Vấn đề là trong bối cảnh giá cả đang tăng mạnh thời gian gần đây, liệu chỉ số lạm phát năm nay sẽ là bao nhiêu?

Đầu tư chứng khoán vào ngành nào nếu lạm phát tăng nóng? - Ảnh 3.

Lạm phát của Việt Nam dự kiến sẽ quanh ngưỡng 3-5% trong năm nay (Ảnh: cafef.vn)

Theo dự báo của các tổ chức lớn như ADB, IMF, World Bank,… dự báo lạm phát Việt Nam giai đoạn 2021-2022 sẽ vẫn quanh ngưỡng 3 - 5%. Điều này cho thấy thị trường chứng khoán vẫn trong "vùng đệm" thuận lợi để phát triển.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính, cũng nhận định, lạm phát năm nay sẽ tăng. "Nếu may mắn thì lạm phát của Việt Nam năm nay sẽ vào khoảng 4%, nhưng theo tôi quan sát và dự báo thì có thể sẽ là 5%", ông Hiếu nói.

Nên "rót tiền" vào ngành nào nếu CPI tăng?

Ông Trương Hiền Phương, giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, cho hay, trong bối cảnh này, nhà đầu tư nên cân nhắc với các cổ phiếu của các công ty chứng khoán.

Lý do là vì, ngành chứng khoán hiện tại đang được hưởng lợi rất nhiều: Thứ nhất, giá trị giao dịch trên toàn thị trường tăng đột biến, hiện đang duy trì trên 1 tỷ USD, có nghĩa trung bình từ 23.000 - 25.000 tỷ đồng. So với giá trị giao dịch của những năm trước đã tăng… vài lần. Chẳng hạn, chỉ tính riêng trong những tháng cuối năm 2019 - đầu năm 2020 (giá trị giao dịch toàn thị trường chỉ 4.000 – 5.000 tỷ đồng) thì giá trị giao dịch hiện tại đã tăng gấp 4-5 lần. Giá trị giao dịch tăng lên mạnh như thế khiến cho thu nhập từ phí giao dịch của các công ty chứng khoán từ nhà đầu tư tăng mạnh.

Thứ 2, bên cạnh đó, hoạt động cho vay margin của các công ty chứng khoán cũng mang lại lợi nhuận rất nhiều, đây cũng là lĩnh vực đóng góp rất nhiều vào biên lợi nhuận của các công ty chứng khoán.

Đầu tư chứng khoán vào ngành nào nếu lạm phát tăng nóng? - Ảnh 4.

Ông Trương Hiền Phương (Ảnh: NVCC)

Và một yếu tố cũng khá quan trọng, là trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, rất nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng liên tục nhưng ngành chứng khoán có thể nói là không bị ảnh hưởng nhiều, nhà đầu tư cũng ngày càng gia tăng, dẫn đến ngành chứng khoán thậm chí còn thăng hoa hơn.

"Tất cả những nguyên nhân trên khiến cho cổ phiếu các công ty chứng khoán được khuyến nghị nhiều, thậm chí là trong bối cảnh CPI tăng mạnh thì đây cũng là ngành được dự báo sẽ hưởng lợi", ông Phương nói thêm.

Ngành thứ 2 được khuyến nghị là ngành ngân hàng, theo ông Phương, ngành ngân hàng hiện vẫn đang duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Nguyên nhân là vì ngành ngân hàng vẫn là xương sống của nền kinh tế, đồng thời ngành ngân hàng hiện nay cũng cho thấy có các bước phát triển, tỷ suất lợi nhuận vẫn rất tốt, tốc độ tăng trưởng về mặt tín dụng vẫn rất ấn tượng.

"Vừa rồi, các ngân hàng đã nộp đơn với NHNN xin mở thêm room tín dụng tăng trưởng trong năm 2021, chứng tỏ họ đang có tốc độ tăng trưởng rất tốt nên mới xin thêm để tăng trưởng thêm", ông Phương nói.

Ngành thứ 3, thì hơi có tính thời vụ, nhưng có tiềm năng và dấu hiệu tăng trưởng tốt là ngành dầu khí. Hiện giá dầu đang giữ ở mức ổn định quanh ngưỡng 70 USD/thùng và đang có khuynh hướng tịnh tiến tăng thêm.

"Các nền kinh tế phát triển đang dần tăng tốc phát triển trở lại do đã khống chế tốt dịch Covid-19, khi đó, tốc độ giao thương sẽ phát triển mạnh và tất nhiên các ngành nghề liên quan đến dầu khí cũng sẽ hưởng lợi", ông Phương khuyến nghị.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem