Đầu tư điện mặt trời mái nhà: Ồ ạt đăng ký, coi chừng rủi ro

Lê Kiến Thứ ba, ngày 07/07/2020 10:28 AM (GMT+7)
Để bán điện giá cao và ổn định trong 20 năm, các dự án điện mặt trời áp mái nhà phải hoàn thành, phát điện trước ngày 31/12/2020 nên người dân, doanh nghiệp đang ồ ạt đăng ký đầu tư. Tuy nhiên quá trình thực hiện đã gặp không ít vướng mắc, thậm chí tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bình luận 0

Vướng từ thủ tục đất đai 

Chỉ một thời gian ngắn sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020), người dân và các doanh nghiệp đã ồ ạt nộp hồ sơ đến các Công ty Điện lực đăng ký đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái nhà (ĐMTMN).

Dự án điện mặt trời mái nhà: Dân ồ ạt đăng ký nhưng chưa có thông tư - Ảnh 1.

Nhiều chủ đầu tư và địa phương lúng túng do chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 13 về phát triển điện mặt trời áp mái.

Riêng tại Gia Lai, ông Nguyễn Mậu Trinh, Trưởng phòng Kinh Doanh Công ty Điện lực Gia Lai, cho biết: "Đến thời điểm này, công ty đã nhận gần 600 hồ sơ đăng ký đấu nối ĐMTMN (loại có công suất dưới 1 MWp). Công ty đã duyệt 476 hồ sơ với tổng công suất 476 MWp, hơn 100 hồ sơ còn lại chưa ký kết do hạ tầng truyền tải điện không đáp ứng được".

Theo ngành điện, nguyên nhân hồ sơ đấu nối ĐMTMN tăng đột biến là do quyết định 13 ưu đãi về giá mua điện, nhưng chỉ áp dụng với các dự án vận hành phát điện trước ngày 31/12/2020. Cụ thể giá mua ĐMTMN là 8,38 Uscent/KWh (tương đương với 1.943 đồng), thời hạn áp dụng đến 20 năm, trong khi giá mua điện đối với dự án điện mặt trời lắp đặt dưới mặt đất chỉ 7,09 Uscent/kWh (tương đương 1.644 đồng). Vì vậy xuất hiện một cuộc đua đăng ký, đầu tư, hoàn thành nước rút trước 31/12 năm nay. 

Các dự án ĐMTMN có công suất dưới 1 MWp sẽ được đấu nối vào lưới điện hạ áp hoặc trung áp dưới 35KV, góp phần giảm truyền tải điện đi xa, giảm áp lực cung cấp điện vào cao điểm, xã hội hóa đầu tư phát triển nguồn điện. Về phía chủ đầu tư, ngoài việc tự sản xuất điện cho sản xuất, sinh hoạt còn bán điện cho ngành điện, sau một thời gian sẽ thu hồi vốn.

Ông Thái Dương Tú, Giám đốc Công ty Thái Hoàng Gia Lai (huyện Phú Thiện, Gia Lai) cho biết: "Mỗi tháng công ty chi phí hơn 300 triệu đồng tiền điện, do vậy sau khi Chính phủ có cơ chế khuyến khích, tôi đã đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMTMN trên diện tích nhà xưởng sẵn có với công suất 1 MWp. Dự kiến đầu tư khoảng 15 tỷ đồng, doanh thu bán điện khoảng 3 tỷ đồng/năm, chỉ cần 5 -6 năm là thu hồi vốn".

Dự án điện mặt trời mái nhà: Dân ồ ạt đăng ký nhưng chưa có thông tư - Ảnh 2.

Lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, vừa giảm áp lực truyền tải ngành điện mùa cao điểm, người dân vừa có điện tiêu thụ và bán điện được giá cao.

Trong khi đó, các ngân hàng cũng nhanh chóng vào cuộc, với nhiều ưu đãi cho khách hàng đầu tư ĐMTMN, trong đó Chi nhánh HDBank Gia Lai cho vay đến 70%, thời hạn cho vay 7-10 năm. 

Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi giá bán điện theo Quyết định 13, nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình đã gặp không ít vướng mắc, nhất là chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất trang trại hoặc đất phi nông nghiệp khác. Theo quy định, ngoài quy hoạch sử dụng đất có tính ổn định, thì ngay từ đầu năm các huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh phải đăng ký kế hoạch sử dụng đất. Trong năm không thể chuyển mục đích sử dụng đất ngoài kế hoạch này, trong khi Quyết định 13 có hiệu lực từ giữa tháng 5/2020.

Ông Trịnh Đình Vấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuân Vấn (huyện Đức Cơ, Gia Lai) lo lắng: "Tôi đã có phương án, đất đai đầy đủ, một số ngân hàng đã liên hệ cho vay vốn nhưng chưa chuyển mục đích sử dụng đất được. Để được hưởng ưu đãi theo Quyết định 13, tôi chỉ có 7 tháng để hoàn thành nên rất khó, còn kéo dài sang năm sau thì giá bán điện sẽ thấp hơn".

Tiềm ẩn rủi ro

Ngoài vướng mắc về thủ tục đất đai, hiện Bộ Công Thương chưa có thông tư hướng thực hiện Quyết định 13 nên nhiều địa phương lúng túng, thậm chí áp dụng tùy tiện. Tại huyện Chư Sê (Gia Lai), UBND huyện đề nghị Công ty Điện lực Gia Lai chỉ cho các tổ chức, cá nhân lắp đặt công trình điện mặt trời áp mái nhà đấu nối vào lưới điện khi có ý kiến cho phép của UBND huyện Chư Sê. Huyện cho rằng nếu lắp đặt tùy tiện sẽ ô nhiễm môi trường, cháy nổ, làm mất cảnh quan đô thị. 

Dự án điện mặt trời mái nhà: Dân ồ ạt đăng ký nhưng chưa có thông tư - Ảnh 3.

Có nơi đề nghị ngành điện chỉ chấp thuận đấu nối ĐMTMN khi được sự chấp thuận của chính quyền địa phương

Theo ông Nguyễn Duy Lộc, Phó giám đốc Sở Công Thương Gia Lai, Quyết định 13 rất thuận lợi, hấp dẫn các tổ chức, cá nhân đầu tư hệ thống ĐMTMN. Tuy nhiên việc triển khai còn một số tồn tại, bất cập do Bộ Công Thương chưa ban hành thông tư quy định về phát triển dự án, mẫu hợp đồng mua bán điện... Một số cá nhân, tổ chức đã mua đất, vay vốn trong khi chưa đảm bảo hồ sơ thiết kế của công trình nên tiềm ẩn rủi ro. Các ngân hàng đã ký kết hợp đồng cho vay vốn vì thế cũng dễ gây nợ xấu.

Dự án điện mặt trời mái nhà: Dân ồ ạt đăng ký nhưng chưa có thông tư - Ảnh 4.

Quyết định 13 mang lại nhiều ưu đãi cho các chủ đầu tư, song việc triển khai còn gặp nhiều vướng mắc

Nhằm khắc phục một số tồn tại, Sở Công Thương đã có văn bản hướng dẫn gửi đến các địa phương và ngành chức năng.

Những địa phương không đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất năm 2020 thì không được phép đăng ký biến động. Điều này khiến cho việc thực hiện các dự án nông nghiệp kết hợp ĐMTMN bị ách tắc. Sở đang tham khảo một số tỉnh khác để tháo gỡ vấn đề này. Ông Nguyễn Văn Thư, Trưởng phòng Quy hoạch - Đo đạc (Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem