Đây là lý do khiến doanh nghiệp phân bón vẫn lãi đậm

Quốc Hải Thứ hai, ngày 17/05/2021 06:00 AM (GMT+7)
Giá phân bón các loại đều đang tăng “phi mã” giúp các doanh nghiệp (DN) phân bón lãi đậm dù phải “kìm” xuất khẩu để phục vụ thị trường nội địa.
Bình luận 0
“Kìm” xuất khẩu để phục vụ thị trường nội địa, doanh nghiệp phân bón vẫn lãi đậm vì lý do này - Ảnh 1.

Sản phẩm NPK sản xuất tại DPM

So với cùng kỳ năm trước, giá phân bón các loại đều tăng "phi mã" như giá Kali hiện nay đắt hơn 17%, ure đắt hơn 33%, DAP đắt hơn 52%...

Cuối quý 1/2021, giá tất cả các loại phân bón như DAP, Urea, NPK… tại các thị trường đều tăng khoảng 40.000 - 100.000 đồng/bao (50 kg) so với cuối tháng 2, đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Nguyên nhân khiến các loại phân bón tăng giá được lý giải là do ảnh hưởng bởi giá phân bón trên thế giới tăng và các chi phí sản xuất đầu vào.

Thêm vào đó là hoạt động vận chuyển khó khăn do dịch Covid-19 gây tốn kém chi phí vận chuyển (giá cước tàu, container rỗng…), khiến giá phân bón càng được đà tăng mạnh.

Doanh nghiệp phân bón lãi đậm dù phải… "kìm" xuất khẩu

Kết thúc quý 1/2021, Đạm Cà Mau (DCM) đạt 1.873 tỷ đồng doanh thu, tăng 39% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 152 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chính do sản lượng và giá ure đều tăng mạnh đã giúp lợi nhuận DCM đạt kết quả khả quan. Cụ thể, nhờ giá ure bình quân trên thế giới tăng 44% so với cùng kỳ, DCM đã tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu (đặc biệt thị trường Campuchia). Nhờ đó, doanh thu xuất khẩu trong quý của mảng ure tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, đạt 1.531 tỷ đồng, chiếm 79% tổng doanh thu cả quý.

Với kết quả này, DCM đã hoàn thành 24% kế hoạch doanh thu và gần 77% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm (mục tiêu đạt 7.839 tỷ đồng doanh thu và 197,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế).

Trong khi đó, "ông lớn" phân đạm khác là Đạm Phú Mỹ (DPM) cũng ghi nhận doanh thu quý 1 đạt 2.004 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Nhờ giá bán phân bón tăng, nên lợi nhuận sau thuế đạt 179 tỷ đồng, tăng 68,4% so với quý 1/2020.

Theo chia sẻ của lãnh đạo DPM, do phải tiến hành bảo dưỡng định kỳ hơn 1 tháng nên từ cuối năm 2020, doanh nghiệp này đã "cắt" các đơn hàng xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung phân bón trong nước.

“Kìm” xuất khẩu để phục vụ thị trường nội địa, doanh nghiệp phân bón vẫn lãi đậm vì lý do này - Ảnh 2.

Sản xuất phâm đạm tại Đạm Phú Mỹ (DPM)

Tuy nhiên, có kết quả kinh doanh ấn tượng nhất ở nhóm các DN phân bón trong quý 1/2021 là Phân bón Bình Điền (BFC). Quý 1 vừa qua Bình Điền đạt 1.766 tỷ đồng doanh thu, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ giá bán cao, chi phí tiết giảm tối đa nên lợi nhuận sau thuế quý 1 của thương hiệu phân bón Đầu Trâu đạt trên 68 tỷ đồng, gấp 15 lần lợi nhuận đạt được quý 1/2020.

Một loạt các doanh nghiệp phân bón khác cũng có kết quả kinh doanh khả quan trong quý 1/2021 nhờ giá phân bón tăng, như Hóa chất Lâm Thao (LAS) báo lãi 24,2 tỷ đồng, gấp 6 lần quý 1/2020; DAP Vinachem (DDV) cũng chuyển từ lỗ 6,2 tỷ đồng quý 1/2020 sang lãi lớn 35,5 tỷ đồng quý 1 vừa qua. Đây cũng là quý thứ 2 liên tiếp công ty lãi lớn sau 3 quý liên tiếp thua lỗ trước đó.

Cá biệt, Đạm Hà Bắc (DHB) là DN duy nhất ngành phân bón gặp lỗ trong quý 1/2021. Cụ thể, doanh thu của Đạm Hà Bắc trong quý vẫn đạt hơn 994 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ, nhưng gánh nặng chi phí khiến cho Đạm Hà Bắc tiếp tục lỗ 249 tỷ đồng.

Trái ngược với niềm vui của các doanh nghiệp phân bón, là nỗi lo của người nông dân, đặc biệt là nông dân trồng lúa ở khu vực ĐBSCL khi sản xuất vụ Hè Thu 2021 đang diễn ra.

Ông Nguyễn Minh Thành, kinh doanh vật tư nông nghiệp ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An cho biết, hiện nay hầu hết các loại phân bón đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, phân DAP (Philippines) hiện dao động từ 730 - 750 nghìn đồng/bao (50kg) tăng 130 nghìn đồng/bao; ure đang bán ra 525 nghìn đồng/bao (50kg), tăng 200 ngàn đồng/bao và Kali có giá 365 nghìn đồng/bao, tăng 60 - 70 nghìn đồng/bao.

Nguồn cung tăng trở lại, dự báo giá phân bón sẽ hạ nhiệt

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, đến khoảng trung tuần tháng 5/2021 giá phân bón trong nước khả năng sẽ hạ nhiệt khi hai nhà máy ure đang bảo dưỡng cho sản phẩm trở lại.

Cụ thể, theo lịch trình thì ngày 15/5, Đạm Hà Bắc sẽ bắt đầu có sản phẩm trở lại sau thời gian bảo dưỡng định kỳ với sản lượng khoảng 1.000 tấn urea/ngày. Song song đó, Nhà máy Đạm Phú Mỹ dự kiến cũng sẽ bắt đầu cho ra sản phẩm trở lại ngày 18/5 tới đây với công suất khoảng 2.400 tấn ure/ngày.

Như vậy, cùng với Nhà máy Đạm Cà Mau công suất trên 2.000 tấn/ngày, Nhà máy Đạm Ninh Bình công suất 1.000 tấn/ngày, nguồn cung mặt hàng ure từ 4 nhà máy ure lớn trong nước sẽ dồi dào hơn, nên giá ure nhiều khả năng sẽ hạ nhiệt nếu giá dầu khí thế giới không biến động quá lớn.

“Kìm” xuất khẩu để phục vụ thị trường nội địa, doanh nghiệp phân bón vẫn lãi đậm vì lý do này - Ảnh 4.

Giá các loại phân bón tăng mạnh thời gian qua...

Trong khi đó, với mặt hàng NPK, Công ty phân bón Bình Điền (BFC) cũng dự kiến sẽ tăng mạnh nguồn cung trong thời gian tới, Theo chia sẻ của ông Ngô Văn Đông – Tổng Giám đốc BFC, trong năm 2021 sẽ đưa sản lượng sản xuất đạt 602.000 tấn; sản lượng tiêu thụ đạt 602.000 tấn, tăng trưởng so với năm 2020 là 103,6%.

"Thời gian qua, dù giá phân bón tăng nhưng với thương hiệu Đầu Trâu, chúng tôi vẫn cố gắng bình ổn giá. Thêm vào đó là công tác chăm sóc khách hàng nhằm giải quyết hài hòa lợi ích và thắt chặt mối quan hệ giữa công ty với đại lý và bà con nông dân; tổ chức các chương trình hướng dẫn canh tác trên sóng truyền hình, mạng xã hội, Fanpage.... Tôi nghĩ đó là cách hỗ trợ thiết thực nhất trong bối cảnh giá phân bón tăng chóng mặt từng ngày", ông Đông nói.

Riêng với mặt hàng DAP, theo World bank dự báo, giá DAP năm 2021 sẽ tăng 44%. Vì thế, giá phân DAP dự báo có thể sẽ tiếp tục tăng cho đến khi có nguồn cung mới bổ sung từ Maroc, Saudi Arabia và các nơi khác…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem