Đây là lý do thực sự khiến Thổ Nhĩ Kỳ quyết liệt "ngáng chân" Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO

Minh Nhật (theo CNN) Thứ sáu, ngày 20/05/2022 07:58 AM (GMT+7)
Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến các đồng minh của mình bất ngờ vì quyết liệt phản đối Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO. Câu hỏi đặt ra là vì sao quốc gia NATO này lại không muốn kết nạp 2 quốc gia Bắc Âu?
Bình luận 0
Đây là lý do thực sự khiến Thổ Nhĩ Kỳ quyết liệt "ngáng chân" Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO - Ảnh 1.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bày tỏ sự phản đối quyết liệt Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO. Ảnh Getty.

Theo CNN, trong một tuyên bố mới nhất, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch từ chối đề nghị gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan khi trước đó ông cáo buộc 2 nước Bắc Âu "giống như nhà nghỉ cho các tổ chức khủng bố".

"Chúng tôi đã nói với những người có liên quan rằng, chúng tôi sẽ nói không với việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO và chúng tôi sẽ tiếp tục con đường như vậy", ông Erdogan nói trong một hội nghị với các sinh viên ở Ankara.

Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn gia nhập NATO hôm thứ Tư 18/5 tại trụ sở của Đồng minh ở Brussels, vì cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Các chuyên gia nhấn mạnh, quyết định này thể hiện một bước thụt lùi đối với Moscow, khi cuộc chiến ở Ukraine lại là nguyên nhân gây ra kiểu mở rộng NATO mà Nga tìm cách ngăn chặn.

Tuy nhiên, việc các quốc gia mới muốn gia nhập liên minh đòi hỏi phải có sự đồng thuận của tất cả các thành viên hiện tại. Và đó là lý do sự phản đối của Ankara là quan trọng.

Thổ Nhĩ Kỳ, gia nhập liên minh NATO ba năm sau khi NATO thành lập vào năm 1949 và có quân đội lớn thứ hai trong liên minh.

Ankara đã tuyên bố sẽ không ủng hộ nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển, Phần Lan và các phái đoàn của nước này không cần đến Thổ Nhĩ Kỳ để thuyết phục họ. Ankara sẽ chỉ cân nhắc lại khi Thụy Điển và Phần Lan đáp ứng các yêu cầu bao gồm gửi trả "những kẻ khủng bố" trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Erdogan đã cáo buộc hai nước Bắc Âu nói trên chứa chấp các thành viên của Đảng Công nhân người Kurd của lực lượng ly khai, còn được gọi là PKK.

Với Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, và Liên minh Châu Âu, PKK bị xem là một tổ chức khủng bố.

Tổng thống Mỹ Joe Biden khi được hỏi rằng, ông sẽ thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển ra nhập NATO như thế nào đã trả lời rằng: "Tôi nghĩ chúng tôi sẽ ổn thôi".

Tuy nhiên, trên thực tế Thổ Nhĩ Kỳ đã có những bất bình âm ỉ từ lâu đối với các quốc gia phương Tây và các đồng minh NATO và đây được cho là cơ hội để Ankara sử dụng vị trí của mình trong liên minh nhằm đòi hỏi các nhượng bộ mà họ muốn.

Thổ Nhĩ Kỳ từng nhiều lần phàn nàn về sự thiếu hỗ trợ của NATO trong cuộc chiến chống lại các tay súng người Kurd, vốn bị Ankara coi là mối đe dọa an ninh quốc gia hàng đầu của họ.

Nước này cáo buộc Thụy Điển chứa chấp các đối thủ của mình và hỗ trợ các tay súng người Kurd ở miền bắc Syria, những người mà Ankara coi là một phần mở rộng của PKK.

Ankara cũng nói rằng hai quốc gia Bắc Âu (Phần Lan và Thụy Điển) cũng đã không trả lời các yêu cầu dẫn độ (những kẻ khủng bố) của Thổ Nhĩ Kỳ.

Các cá nhân bị Thổ Nhĩ Kỳ truy nã bị cáo buộc có liên hệ với PKK cũng như FETO - nhóm mà người đứng đầu là giáo sĩ Fetullah Gulen bị Ankara cho là đứng sau âm mưu đảo chính thất bại năm 2016 (dù ông Gulen bác bỏ).

Ankara cũng yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đã áp dụng đối với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2019 sau cuộc tấn công quân sự của họ ở đông bắc Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động chiến dịch chống lại lực lượng YPG do người Kurd lãnh đạo, nhưng lại là liên minh của Mỹ và các quốc gia phương Tây khác trong cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. Cuộc tấn công của Ankara vào YPG đã dấy lên sự lên án từ Mỹ và EU, đồng thời khiến một số nước châu Âu áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Ankara.

"Chúng tôi sẽ không nói đồng ý cho những nước đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO", ông Erdogan tuyên bố.

Về phần mình, Phần Lan và Thụy Điển đã bày tỏ sự lạc quan rằng, họ sẽ giải quyết được những khúc mắc với Thổ Nhĩ Kỳ.

"Tất nhiên chúng tôi sẽ sử dụng ngoại giao, chúng tôi sẽ làm rõ mọi khúc mắc có thể có", Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển Mikael Damberg tuyên bố.

Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde cũng cho biết Thụy Điển cũng như phần còn lại của EU, coi PKK là một tổ chức khủng bố. Chính phủ Thụy Điển cho biết, họ sẵn sàng giải quyết mọi trở ngại trong các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng quyền phủ quyết của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO có thể được sử dụng như một đòn bẩy để không chỉ chống lại các thành viên tương lai mà còn cả những thành viên hiện tại.

“Tất cả vấn đề có thể không phải là chỉ là Thụy Điển và Phần Lan. Tổng thống (Thổ Nhĩ Kỳ) gần như chắc chắn coi đây là thời điểm để bày tỏ sự bất bình của ông đối với các thành viên NATO hiện tại, đặc biệt là với chính quyền Biden - vốn có quan hệ xa cách với Ankara", ông Asli Aydintasbas, chuyên gia chính sách cấp cao tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu bình luận.

Theo ông Aydintasbas, một vấn đề quan trọng có thể là sự thất vọng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ với chính quyền Mỹ hiện tại khi không thể thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Biden.

Tháng trước, Tổng thống Erdogan phàn nàn với các phóng viên rằng, ông và Tổng thống Biden không có mối quan hệ tốt đẹp như các Tổng thống Trump và Obama

Chuyên gia phân tích Aydintasbas chỉ ra rằng, thực tế đây không phải là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ phản đối các thành viên mới.

"Không rõ ông Erdogan có mục tiêu chính sách cụ thể như vậy hay không, nhưng chắc chắn ông ấy sẽ mong đợi được xoa dịu, thuyết phục và cuối cùng được khen thưởng vì sự hợp tác của mình, như trong quá khứ", ông Aydintasbas bình luận.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem