Đây là lý do tín dụng đen dù ngăn chặn vẫn "lây lan"
Đó là nhận của PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tại hội thảo: Hạn chế tín dụng đen tại Việt Nam, được tổ chức ngày 20/12.
"Cơ hội" của tín dụng đen
Theo PGS.TS Đặng Ngọc Đức – Viện trưởng viện Ngân hàng – Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân), hiện tín dụng đen ở Việt nam đã phát triển và trở thành một vấn nạn Quốc gia. Trong đó, những hành vi cho vay, tạo ra những cạm bẫy đối với người đi vay và áp dụng các biện pháp khủng bố để đòi nợ đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cả về an ninh xã hội và đời sống xảy ra hàng ngày ở nhiều địa phương trong cả nước.
Nhiều cá nhân và gia đình của những người đi vay đang phải chịu đựng sự bóc lột, lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản và đặc biệt là sự xâm hại thân thể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.
Trong thời gian qua, dù Chính phủ và ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp, những quyết sách ngăn chặn tín dụng đen, song theo ông Đức những giải pháp này mới chỉ tiếp cận dưới góc độ nhà quản lý. Trong khi đó, tín dụng đen lại có thể nảy sinh, tồn tại và phát triển dựa trên cả giác độ pháp lý và trên cơ sở thị trường hay nói cách khác là cung – cầu về vốn.
- Người vay biết một số rủi ro khi vay từ tín dụng đen nhưng vẫn vay vì không còn lựa chọn nào khác (38% biết lãi suất cao, 27% biết không có chính quyền làm chứng, 28% không biết cách tính lãi; 33% biết phải cung cấp thông tin về thân nhân; 25% vì mục tiêu sử dụng vốn phi pháp – không thể vay được ở đâu khác)
"Chừng nào các ngân hàng thương mại hay các tổ chức tài chính chính thức chưa đủ pháp triển và đáp ứng nhu cầu vốn cũng như nhu cầu tài chính, sinh hoạt hàng ngày của người dân, đặc biệt là người nghèo thì vẫn còn cơ hội cho tín dụng đen phát triển", ông Đặng Ngọc Đức nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank chia sẻ thêm, tín dụng đen là hoạt động không chính thống, và có thể coi là hoạt động ngầm của giới cho vay lãi nặng. Thời gian qua, đặc biệt là Bộ Công an đã có nhiều giải pháp nhưng tín dụng đen vẫn tồn tại được, đó là do nhu cầu của người dân cần khoản vay nhanh, phục vụ cuộc sống gia đình, ốm đâu hay các nhu cầu tiêu dùng rất gấp.
Trong khi đó, hệ thống ngân hàng chính thống của mình vì về mặt địa lý, về mặt thời gian hành chính và quy trình thủ tục cần có sự đảm bảo an toàn, chặt chẽ. Chính vì những yếu tố này nên ngân hàng chưa chưa đáp ứng được nhu cầu vay nhanh, vay "nóng" của người dân vào thời điểm ngoài giờ hành chính không phục vụ.
"Đây là khe hở để tín dụng đen lách vào vùng sâu vùng xa, vào những gia đình có nhu cầu vay vốn gấp như vậy", ông Thắng cho hay.
Ngoài ra, theo ông Thắng hiện nay khâu tuyên truyền của Việt Nam chưa mạnh để người dân chưa hiểu được tín dụng đen ảnh hưởng như thế nào đến đời sống, hiểu biết của người dân về tín dụng đen cũng chưa cao. Vì vậy dẫn đến mắc bẫy chưa xem kỹ điều kiện và những ràng buộc khi vay vốn.
Một số trường hợp có thể kể đến như, người dân không hề đọc hợp đồng, không tìm hiểu kỹ các điều kiện vay, họ nói một đường và sau đưa ra một điều kiện mà người dân không biết … để ràng buộc hoặc trễ hạn, ban đầu có thể mức lãi, phí thấp nhưng sau đó có thể lên đến rất cao. Khi bước vào tín dụng đen như vậy, theo ông Thắng, rất khó có thể thoát ra.
Vấn nạn quốc gia, cần có chương trình quốc gia để ngăn chặn
PGS.TS Đặng Ngọc Đức cho rằng, để thực sự đẩy lùi được tín dụng đen, điều quan trọng nhất hiện nay là phải đáp ứng tốt nhất nhu cầu vay vốn chính đáng, tạo điều kiện cho người dân sử dụng được tài chính chính thống.
Ông Đức cho rằng, từ phía các ngân hàng thương mại, hiện các ngân hàng thương mại muốn cho vay, muốn làm các dịch vụ công đồng để làm thế nào đẩy lùi tín dụng đen đảm bảo an ninh chính trị… đặc biệt là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn.Tuy nhiên, ngân hàng thương mại vẫn vướng bởi các chuẩn cho vay. Hiện tại, các ngân hàng đang phải phấn đấu theo tiêu chuẩn an toàn quốc tế và các quy định của Ngân hàng Nhà nước như Thông tư 41 có hiệu lực vào tháng 1 tới đây.
"Trong bối cảnh đó, họ không thể tiếp cận với các khoản vay không đạt tiêu chuẩn, không có thông tin đầy đủ, tài sản thế chấp hay các điều kiện khác nằm trong quy định để đảm bảo rằng đó là khoản vay hiệu quả, an toàn. Rõ ràng, ngân hàng dù muốn cũng không thể làm được", ông Đức cho hay.
Vị chuyên gia này khuyến nghị, Chính phủ và ngân hàng Nhà nước cần có chương trình đặc biệt bởi tín dụng đen là vấn nạn quốc gia, cần có chương trình hành động mang tính quốc gia để ngăn chặn và loại bỏ tín dụng đen, xem như các chương trình xóa đối giảm nghèo; chống trồng cây thuốc phiện; hay như chương trình phát triển đánh bắt xa bờ…
"Có những chương trình như vậy cho dù các ngân hàng không được bao cấp về vốn nhưng cũng khuyến khích ngân hàng tạo điều kiện để cho vay dưới chuẩn, cho vay với những khoản vay chưa đạt tiêu chuẩn", ông Đức nhấn mạnh thêm.
Dưới góc độ của ngân hàng, ông Thắng cho rằng, để triệt tình trạng tín dụng đen cần có sự vào cuộc đồng bộ các giải pháp như cần có chính sách hỗ trợ của nhà nước cùng với các ngân hàng thương mại tạo ra sản phẩm cho vay nhanh, tín chấp cho người dân; pháp luật cần có sự răn đe quyết liệt hơn; tuyên truyền cho người dân tránh cạm bãy vào tín dụng đen.
Bản thân các ngân hàng cũng đang tích cực tìm giải pháp đáp ứng nhu cầu tốt nhất cho khách hàng. Chẳng hạn, LienVietPostBank có giải pháp xây dựng ứng dụng online phục vụ 24/7, cùng với đó người dân có nhu cầu vay chính đáng và có khả năng trả nợ sẽ được cấp hạn mức tín dụng nhất định, như việc ngân hàng đang cấp thẻ tín dụng cho khách hàng tiêu trước trả sau. Như vậy, người dân có nhu cầu vay vốn sẽ đáp ứng được nhu cầu được vay 24/7 và sẽ không còn cửa sống cho tín dụng đen.