Đây là một ấp nông thôn mới của Kiên Giang đã hết hộ nghèo, số hộ khá, hộ giàu đang tăng lên

Chúc Ly - Ngọc Quyên Thứ tư, ngày 15/03/2023 07:04 AM (GMT+7)
Từ chỗ là địa phương có xuất phát thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, hiện nay ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Hưng (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) đã không còn hộ nghèo, số hộ khá, hộ giàu đang tăng lên.
Bình luận 0

Những mô hình kinh tế hiệu quả, đời sống bà con nâng lên, con đường nông thôn xanh sạch đẹp chắc chắn sẽ để lại ấn tượng đẹp cho du khách khi đến với ấp Thạnh Trung bây giờ. Có được thành quả đó là nhờ vào sự nỗ lực không ngừng của chính quyền và nhân dân địa phương.

Đến cuối năm 2022, ấp Thạnh Trung không còn hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo. Với phương châm "an cư mới lạc nghiệp", bình quân mỗi năm ấp vận động 1-2 căn nhà đại đoàn kết hỗ trợ người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và đặc biệt khó khăn.

Về Thạnh Trung nghe chuyện xóa trắng hộ nghèo - Ảnh 1.

Đến cuối năm 2022, ấp Thạnh Trung không còn hộ nghèo. Trong ảnh: Nhờ được hỗ trợ vốn khôi phục nghề làm bánh tráng truyền thống và chăn nuôi heo, gia đình chị Hà Kim Ngân đã thoát nghèo. Ảnh: NQ.

Bên cạnh đó, những hộ mới thoát nghèo, cận nghèo sẽ được bảo lãnh vay tín chấp vốn ưu đãi sản xuất, kinh doanh để không phải tái nghèo. Dư nợ hiện nay lên đến 2 tỷ đồng.

Có mặt tại nhà chị Hà Kim Ngân từ sáng sớm, chúng tôi được chị dẫn đi xem các công đoạn làm bánh tráng. Gia đình chị Ngân là một trong 3 hộ nghèo của ấp đã thoát nghèo trong năm 2020.

Chị Ngân cho biết, làm bánh tráng là nghề gia truyền của gia đình chồng, đến khi chị Ngân về làm dâu, chị tiếp quản công việc này. Mẹ chồng bệnh nan y, chồng chị bị đau dạ dày nặng nên nhiều năm nay gia cảnh lâm vào khó khăn, nghề làm bánh tráng cũng có lúc gián đoạn. Cả nhà 5 nhân khẩu chỉ dựa vào công việc làm thuê bấp bênh của chị Ngân.

Về Thạnh Trung nghe chuyện xóa trắng hộ nghèo - Ảnh 2.

Lao động nữ được tạo việc làm tại cơ sở sản xuất bánh tráng truyền thống. Ảnh: NQ.

2 năm trở lại đây, được địa phương giới thiệu, con trai lớn chị Ngân đi làm tại Phú Quốc với thu nhập trên 8 triệu đồng/tháng.

"Thấy nhà tôi dột nát mà không có tiền cất lại, ấp đã hỗ trợ xây mới căn nhà đại đoàn kết. Tôi còn được hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 20 triệu đồng. Từ số vốn này tôi đầu tư nuôi heo, đầu tư sửa lại lò tráng bánh thủ công. Hiện tại, cuộc sống gia đình xem như tạm ổn", chị Ngân chia sẻ.

Giúp vốn, hỗ trợ nhà, tư vấn, giới thiệu việc làm… là 3 trong nhiều giải pháp được ấp Thạnh Trung chọn tập trung thực hiện giúp dân thoát cảnh khó khăn. Hiện toàn ấp Thạnh Trung có 800 lao động đang làm việc tại khu công nghiệp, nhà máy trong và ngoài tỉnh.

Ông Danh Hùng là một trong những trường hợp thoát nghèo nhờ được giới thiệu làm công nhân. Sau 4 năm xa xứ làm lụng vất vả, năm 2022, vợ chồng ông Hùng và hai người con trở về quê dùng số tiền làm công nhân tích lũy được để xây dựng căn nhà tươm tất.

Về Thạnh Trung nghe chuyện xóa trắng hộ nghèo - Ảnh 3.

Đường giao thông ở ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Hưng (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) được người dân trồng cây xanh tạo cảnh quan. Ảnh: NQ.

Cũng là hộ thoát nghèo nhờ được ấp giới thiệu làm công nhân, sau Tết Nguyên đán 2023, ông Nguyễn Văn Cường về quê để hoàn tất thủ tục mua căn nhà tại Bình Dương để an cư lạc nghiệp.

Để hỗ trợ người dân tăng thu nhập, năm 2022, ấp Thạnh Trung mở rộng thêm 20 lô, sạp tại chợ xã Thạnh Hưng phục vụ người dân mua bán.

Điểm nổi bật trong phong trào hỗ trợ người dân thoát nghèo tại địa phương là ấp luôn vận dụng phương châm chủ động vào nội lực. Cấp ủy, chính quyền ấp Thạnh Trung vận động người dân cải tạo vườn tạp, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển sản xuất. Ngoài 200ha sản xuất lúa 2-3 vụ/năm, ấp trắng hộ nghèo này còn có 15ha đất trồng rau màu, cây ăn trái như sầu riêng, ổi, mít…

Theo ông Nguyễn Như Mạnh - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Thạnh Trung, nhiều năm nay, vào thời điểm tháng đầu tiên của năm, cấp ủy, chính quyền ấp sẽ tiến hành rà soát các mặt công tác, từng hộ dân để phân công đảng viên phụ trách. Toàn ấp có 36 đảng viên, trong đó 13 đảng viên đi làm ăn xa, còn lại 16 đảng viên được phân công theo dõi 57 hộ.

"Những hộ được theo dõi, kèm cặp, giúp đỡ là hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội, bệnh tật, chưa tham gia bảo hiểm y tế, thiếu vốn… Đảng viên theo dõi có trách nhiệm báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương để có giải pháp giúp đỡ phù hợp, khó chỗ nào "gỡ" chỗ đó", ông Mạnh cho biết.

Cũng theo ông Mạnh, cuộc sống người dân Thạnh Trung bây giờ phát triển hơn trước rất nhiều. Bê tông hóa đường giao thông nông thôn gần như phủ khắp từ sự đóng góp của người dân. 75% hộ trong ấp có mức sống khá giàu; 98% dân số tham gia bảo hiểm y tế, ấp đang phấn đấu năm 2023 đạt 100%; 70% gia đình có con em học lên đại học, cao đẳng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem