Chế thứ nước uống thơm, say của người Cơ Tu, một nông dân Đà Nẵng đổi đời

Trần Hậu Thứ bảy, ngày 27/08/2022 13:04 PM (GMT+7)
Nhắc đến rượu cần Phú Túc là nhớ đến sự cần mẫn và tâm huyết của ông Lê Văn Nghĩa (68 tuổi) trú thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng. Ông là người đã làm sống lại nghề nấu rượu cần của người Cơ Tu và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Bình luận 0

Đặc sản của núi rừng

Về thăm Phú Túc vào những ngày hè cuối tháng 8, nhưng chúng tôi lại cảm thấy thật thư giãn khi được hòa mình vào bức tranh thiên nhiên yên bình, say mình trong hương rượu cần tỏa ra từ lò rượu ngay đầu làng. 

Đà Nẵng: Chế biến thức uống quý của người Cơ Tu, một lão nông vươn lên đổi đời - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Nghĩa, thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng - một trong số hộ ít ỏi còn lưu giữ được thương hiệu rượu cần Phú Túc. Ảnh: Trần Hậu.

Đà Nẵng: Chế biến thức uống quý của người Cơ Tu, một lão nông vươn lên đổi đời - Ảnh 2.

Rượu cần Phú Túc, nét văn hóa độc đáo là đặc sản của người Cơ Tu. Ảnh: Trần Hậu


Là cơ sở duy nhất tại thôn Phú Túc sản xuất rượu cần truyền thống, nên ông Lê Văn Nghĩa luôn bận rộn với các công đoạn chế biến. Ông Nghĩa vui vẻ nói: "Để xây dựng và duy trì cơ sở sản xuất rượu cần được như hôm nay, thì tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức và thất bại không ít lần. Nhưng chính dòng máu Cơ Tu đang chảy trong người đã thôi thúc tôi không ngừng cố gắng để gìn giữ và khôi phục lại nghề nấu rượu cần truyền thống của dân tộc".

Đà Nẵng: Chế biến thức uống quý của người Cơ Tu, một lão nông vươn lên đổi đời - Ảnh 4.

Rượu cần Phú Túc được chế biến từ hạt nếp trồng trên rẫy của người Cơ Tu và một số lá cây bản địa, ngoài ra sử dụng nguồn nước suối trong lành, tinh khiết nên có mùi thơm rất đặc trưng. Ảnh: Trần Hậu.

Với người Cơ Tu, rượu cần là sản vật mà núi rừng thiêng liêng đã ban tặng cho họ, là thứ không thể thiếu trong các lễ hội đặc trưng, những dịp quan trọng. Thế nhưng, trải qua những thăng trầm của lịch sử và sự xuất hiện của nhiều sản phẩm đồ uống công nghiệp đã khiến phương thức chế biến rượu cần bị mai một dần, có nguy cơ thất truyền.

Đà Nẵng: Chế biến thức uống quý của người Cơ Tu, một lão nông vươn lên đổi đời - Ảnh 5.

Nếp, trấu phải được rửa thật kĩ trước khi ủ. Ảnh: Trần Hậu.

Trăn trở với điều đó, ông Nghĩa đã nung nấu ý định khởi nghiệp với nghề nấu rượu cần truyền thống. Tuy không phải là người được cử đi học nghề nấu rượu theo Đề án khôi phục văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, nhưng ông đã miệt mài học hỏi, hăng hái trao dồi thêm kinh nghiệm.

Ông Nghĩa chia sẻ, từ xưa, người Cơ Tu nấu rượu cần theo kiểu ban sơ, không có một công thức rõ ràng, nên chất lượng sản phẩm chưa đạt chuẩn. Ông đã phải đổ bỏ nhiều mẻ rượu mới hoàn thiện được quy trình nấu rượu cần thơm ngon, đúng chất của người Cơ Tu và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đà Nẵng: Chế biến thức uống quý của người Cơ Tu, một lão nông vươn lên đổi đời - Ảnh 6.

Du khách rất thích thú khi thưởng thức rượu cần Phú Túc. Ảnh: Trần Hậu.

Để có được một ché rượu cần ngon thì đòi hỏi sự công phu từ khâu chọn nguyên liệu, chế biến đến cả khâu thưởng thức. Từ hạt nếp trồng trên rẫy của người Cơ Tu, ông Nghĩa rửa sạch và ngâm nếp từ 8-12 tiếng, sau đó vớt ra trộn nếp hong với vỏ trấu sạch. Đem hỗn hợp này trộn với men, ủ từ 12-24 tiếng, sau đó cho vào ché ủ tiếp ít nhất 3-18 tháng mới dùng được.

Ché rượu cần thành phẩm sẽ có mùi thơm lừng và hương vị cay nồng khiến nhiều du khách khó quên.

Đà Nẵng: Chế biến thức uống quý của người Cơ Tu, một lão nông vươn lên đổi đời - Ảnh 7.

Ông Nghĩa đang đưa cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm rượu cần, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống. Ảnh: Trần Hậu.

Theo ông Nghĩa, làm rượu cần không khó nhưng muốn rượu cần ngon thì phải có bí quyết riêng. Khác với nhiều loại rượu thông thường, rượu cần không trải qua quá trình chưng cất mà được ủ men trong ché. Men nấu rượu cần là loại men lá được làm theo cách gia truyền của người đồng bào Cơ Tu. Điều này tạo nên hương vị đặc trưng riêng cho rượu cần Phú Túc.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Cơ Tu

Rượu cần không chỉ là thức uống quý thường được dùng trong các dịp lễ tế thần linh, những ngày hội làng hay dành để đãi khách, mà còn là một nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời được người Cơ Tu gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Ông Nghĩa tâm sự: "Có thể nói rằng, rượu cần là một phần linh hồn của người Cơ Tu. Khi có dịp hội họp, mọi người cùng nhau ngồi lại trò chuyện bên ché rượu cần, say sưa trong tiếng cồng chiêng, hòa mình vào điệu múa tung tung da dá. Vì thế, rượu cần được xem như là chất xúc tác quý giá mà rừng thiêng đã ban tặng để gắn kết tình đoàn kết của dân tộc".

Đà Nẵng: Chế biến thức uống quý của người Cơ Tu, một lão nông vươn lên đổi đời - Ảnh 7.

Để rượu ngon, người nấu phải ủ từ 3 tháng trở lên. Ảnh: Trần Hậu.

Cách thưởng thức rượu cần cũng rất độc đáo, thể hiện rõ nét văn hóa của người dân tộc Cơ Tu. Họ thường giữ rất kỹ các ché đựng rượu, lưu truyền từ đời này sang đời khác. Khi đem ra uống thì dùng ống cần làm bằng tre hoặc trúc đục thông lỗ để hút rượu.

Hiện nay, cơ sở sản xuất rượu cần Phú Túc của ông Nghĩa sử dụng ché rượu mua ở làng gốm Bát Tràng (TP.Hà Nội), giỏ đựng ché mua từ tỉnh Đắk Lắk, ống cần được đặt mua từ vùng cao phía Bắc.

Đà Nẵng: Chế biến thức uống quý của người Cơ Tu, một lão nông vươn lên đổi đời - Ảnh 8.

Rượu cần Phú Túc trong Lễ hội Văn hóa của người Cơ Tu. Ảnh: Tiên Sa.

Rượu cần Phú Túc là đặc sản được du khách trong và ngoài nước tìm mua khi đến với Đà Nẵng. Với lợi thế nằm ngay trên quốc lộ 14G, cạnh các khu du lịch sinh thái như Hòa Phú Thành, Núi Thần Tài, Ngầm Đôi nên cơ sở sản xuất rượu cần của ông Nghĩa luôn thu hút du khách đến tham quan và thưởng thức.

Trung bình mỗi ché rượu cần có giá từ 300.000-500.000 đồng (tùy theo thể tích 4-6 lít). Nhờ hoạt động sản xuất rượu cần truyền thống của người Cơ Tu, mà ông Nghĩa có thu nhập ổn định, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động nông nhàn.

"Hiện nay, tôi đã cơ giới hóa được một số công đoạn như rửa trấu, sấy trấu, trộn men giúp tăng cao năng suất. Dự định trở lại sau đại dịch Covid-19, cơ sở sẽ tăng cường quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ đó, tạo tiền đề để khôi phục lại làng nghề truyền thống, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cơ Tu…", ông Nghĩa cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Bửu – Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết, thời gian qua địa phương đã tạo điều kiện để ông Lê Văn Nghĩa đưa sản phẩm rượu cần ở thôn Phú Túc tham gia các hội chợ triển lãm, quảng bá thương hiệu. Bên cạnh đó còn hỗ trợ thiết bị ủ rượu để giúp cho ông Nghĩa có thể cơ giới hóa, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

"Hiện chúng tôi tiếp tục tạo điều kiện, để sản phẩm rượu cần phát triển bền vững, nhằm góp phần gìn giữ và phát triển thức uống đặc sản của người dân tộc Cơ Tu…", ông Bửu nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem