Sau hơn hai năm bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở ngoài nước đang từng bước phục hồi, nhiều quốc gia đã mở cửa tiếp nhận lại lao động nước ngoài. Trong bối cảnh đó, việc soạn thảo và ban hành bộ quy chuẩn về công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho lao động di cư đang rất cấp thiết.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi tập huấn hướng dẫn áp dụng Bộ quy chuẩn về công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho lao động di cư do Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) vừa tổ chức ngày 22/4.

Bà Yun Doyen, Giám đốc Chương trình và Quan hệ đối tác, IOM Việt Nam cho rằng với việc mở cửa lại biên giới, xu hướng đi lao động nước ngoài của người Việt Nam cũng sẽ gia tăng. Những thông tin chính thống và đáng tin cậy về di cư an toàn càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, khi các quy định về đi lại và kiểm soát y tế cho người nước ngoài thay đổi thường xuyên và phức tạp do diễn biến của dịch COVID-19.

Ông Đặng Sĩ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết nhu cầu của  người lao động Việt nam ra nước ngoài làm việc ngày càng tăng lên ở nhiều địa phương với nhiều ngành nghề, nhiều lứa tuổi…

“Bên cạnh những người di cư lao động thành công, vẫn còn nhiều người lao động bị thiệt hại vì đi cư trái phép do dựa vào các thông tin không chính thống, nhiễu loạn, tin giả… Vì vậy,  công tác thông tin tuyên truyền phổ biến pháp luật về di cư lao động quốc tế của các cơ quan, đơn vị nhà nước cần được chú trọng và tăng cường hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho người lao động để lựa chọn con đường an toàn, hợp pháp,” ông Đặng Sĩ Dũng nói.

Bộ Quy chuẩn về công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho lao động di cư cung cấp các khái niệm và phương thức truyền thông cộng đồng, truyền thông thay đổi hành vi, các cách lập kế hoạch và xây dựng chiến lược và hoạt động truyền thông phù hợp với tình hình của từng địa phương. Bộ quy chuẩn cũng đưa ra các bài học kinh nghiệm từ chiến dịch truyền thông thúc đẩy di cư an toàn và phòng chống mua bán người của IOM trong thời gian vừa qua.

Theo ông Đặng Sĩ Dũng, bộ quy chuẩn được biên soạn theo thể thức đơn giản, rõ ràng, ngắn gọn để có thể tra cứu được và áp dụng trong việc lập kế hoạch truyền thông và tổ chức thực hiện ở các cấp hàng năm. Tài liệu cũng giới thiệu các công cụ, ví dụ mẫu điển hình phù hợp với tình hình thực tế chung ở địa phương để tiện sử dụng cho việc đào tạo rộng rãi, xây dựng mạng lưới cán bộ truyền thông cơ sở...

Bộ quy chuẩn được kỳ vọng sẽ trở thành cuốn cẩm nang dành cho các cán bộ làm công tác hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài của các đơn vị trực thuộc cơ quan lao động địa phương. Dự kiến, vàp tháng Năm tới, bộ quy chuẩn sẽ được chính thức được ban hành.

Các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các Trung tâm Dịch vụ việc làm cấp tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan có thể sử dụng bộ quy chuẩn trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch truyền thông cộng đồng, nhằm mục đích nâng cao nhận thức cho người lao động, giúp đưa ra những quyết định sáng suốt khi lựa chọn cong đường di cư quốc tế an toàn, hợp pháp.

Đại diện Cơ quan Di cư Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Yun Doyen khẳng định IOM coi trọng cơ hội hợp tác với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để đẩy mạnh những nỗ lực chung nhằm thúc đẩy di cư an toàn, hợp pháp và bảo vệ tốt hơn người lao động di cư.

Tài liệu được biên soạn dành cho các cán bộ làm công tác hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài của các đơn vị trực thuộc cơ quan lao động địa phương. Do đó, bà Yun Doyen bày tỏ mong muốn những đóng góp và kiến nghị từ các tỉnh thành sẽ giúp hoàn thiện tài liệu phù hợp với nhu cầu tại địa phương, thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi bộ quy chuẩn.