Dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn thời 4.0: Đào tạo đa cấp độ, ứng dụng công nghệ cao

Nguyệt Tạ Thứ sáu, ngày 13/11/2020 10:33 AM (GMT+7)
65% tổng số lao động của Việt Nam là làm nông nghiệp, ở nông thôn, tuy nhiên chỉ 1/4 trong số này qua đào tạo. Thực hiện đào tạo đa dạng, linh hoạt, nhiều cấp bậc để lao động nông thôn tăng kỹ năng, phát huy được năng lực để tiếp cận với công nghiệp 4.0 sẽ giúp tăng năng suất lao động, tăng thu nhập.
Bình luận 0

Đây là những vấn đề trọng tâm được các chuyên gia nêu ra và đề xuất tại tọa đàm "Nguồn nhân lực nông thôn ở đâu trong thời 4.0?" do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) tổ chức sáng 12/11.

Chuyển dịch tích cực

Nhiều chuyên gia kinh tế và lao động - việc làm cho rằng, xu thế chuyển dịch lao động nông thôn; chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp; xu hướng đô thị hóa nông thôn đặt ra vấn đề cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn.

Dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn thời 4.0: Đào tạo đa cấp độ, ứng dụng công nghệ cao - Ảnh 1.

Đào tạo nghề trồng cây ăn quả cho nông dân tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Nguyệt Tạ

Kiến nghị mở rộng độ tuổi dạy nghề

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển (Bộ NNPTNT), cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn để xóa bỏ dần khoảng cách kỹ năng nghề của lao động nông thôn và thành thị. Bộ, cục sẽ thực hiện nhiều điều chỉnh để việc dạy nghề phù hợp với thực tiễn; đặc biệt kiến nghị để mở rộng độ tuổi học nghề cho lao động nông thôn. Ngoài đào tạo kỹ năng cũng hướng tới đào tạo toàn diện cho lao động nông thôn theo hướng tổng hợp, từ đào tạo kỹ năng sản xuất tới kỹ năng bảo quản, chế biến, marketing...

Anh Hoàng A Dê - 37 tuổi (ở huyện Mai Châu, Hòa Bình) là nhân vật đại diện cho lao động nông thôn từng làm nông nghiệp đơn thuần vaà có thu nhập thấp. Được tham gia chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, cộng với nỗ lực tận dụng công nghệ thông tin để học thêm tiếng Anh trên mạng, giờ đây anh Dê đã chuyển đổi việc làm thành công. Hiện tại anh là hướng dẫn viên du lịch cho khách quốc tế. Ngoài ra anh còn mở một cửa hàng bán đồ thổ cẩm, tạo việc làm cho mẹ và các thành viên trong thôn, bản.

Một lao động khác, anh Đàm Văn Thực (Thanh Oai, Hà Nội) từng là xe ôm, sau này chuyển sang làm lái xe công nghệ. Công việc chạy xe ôm truyền thống trước đó của anh Thực khá vất vả, thu nhập thấp. Sau khi đăng ký làm lái xe công nghệ, thu nhập của anh cao hơn trước, trung bình được từ 7-10 triệu đồng/tháng, nhưng mức thu nhập cũng không ổn định. Thêm vào đó, anh còn thường xuyên đối mặt với nguy cơ mất việc do dịch bệnh, cạnh tranh của các hãng xe công nghệ...

Hơn 60% số người hưởng trợ cấp thất

nghiệp là lao động giản đơn

"Trong quá trình thực hiện chính sách chi trả bảo hiểm thất nghiệp, chúng tôi thấy có tới trên 60% người hưởng trợ cấp thất nghiệp là lao động giản đơn.

img

Doanh nghiệp "khát" lao động, đặc biệt là lao động qua đào tạo. Mặc dù chúng tôi đã tổ chức giao dịch việc làm đa dạng, từ trực tiếp tới trực tuyến, nhưng vẫn khó khăn tuyển dụng vì thiếu lao động kỹ năng nghề. Cần phải đào tạo lao động nông thôn một cách linh hoạt để họ có thể thích ứng với các cú sốc kinh tế, và chuyển đổi việc làm".

Ông Ngô Xuân Liệu - Giám đốc Quốc gia Trung tâm dịch vụ việc làm (Bộ LĐTBXH)

img

Học nghề, đi xuất khẩu có được tiền tỷ

"Đa phần lao động đi xuất khẩu lao động của chúng tôi là lao động nông thôn. Lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ tích lũy được về kinh tế mà còn tích lũy được về mặt kiến thức. Từ những kiến thức, kinh nghiệm đó nhiều người lúc về quê đã khởi nghiệp trong các lĩnh vực có liên quan. Số khác thì làm cho các công ty vốn đầu tư nước ngoài hoặc cho công ty từng đưa họ đi xuất khẩu lao động.

Công ty chúng tôi cũng đang thực hiện đào tạo và phối hợp đào tạo lao động ngành chăm sóc sức khỏe, giúp việc gia đình, ngành xây dựng... Đa phần đều là lao động nông thôn. Sau đào tạo, số lao động này sẽ được giới thiệu việc làm cho thị trường trong nước và nước ngoài".

Bà Mai Phương - Giám đốc Công ty

Xuất khẩu Lao động Hoàng Long CMS

Một câu hỏi được nhiều chuyên gia đặt ra: Cần làm gì để chuyển đổi việc làm, dạy nghề cho nhóm lao động nông thôn bị mất việc? Để trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Minh Tiến (Vĩnh Phúc) kể câu chuyện về đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại trung tâm. Bà Oanh cho biết, hiện nay nhiều lao động nông thôn không muốn học nghề, có xu hướng dịch chuyển ra thành phố tìm công việc với mức thu nhập cao. Muốn giữ chân họ ở lại các làng quê thì cần phải tư vấn để họ chủ động tham gia học nghề khởi nghiệp. Ngay cả lao động mất việc ở đô thị, khi về nông thôn cũng cần phát huy tính chủ động để họ tự đăng ký học nghề.

"Thực tế nhiều lao động của chúng tôi đã học nghề và về khởi nghiệp thành công. Họ không chỉ có thu nhập cao mà còn tạo ra nhiều công việc cho lao động khác" - bà Oanh nói.

Bà Oanh cho biết: Hiện nay, Trung tâm không chỉ đào tạo nghề mà còn mở xưởng làm thủ công mỹ nghệ và giải quyết việc làm tại chỗ cho 600 lao động, lương cơ bản là 6 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên trong quá trình sản xuất, Trung tâm vẫn luôn cập nhật nhu cầu của thị trường để đào tạo lại cho lao động thích ứng với nhu cầu của thị trường.

Đào tạo lao động làm nông thông minh

Theo ông Đỗ Năng Khánh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH), hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Việt Nam đã tăng lên 65% (năm 2010 chỉ hơn 40%). Mặc dù vậy, tỷ lệ được đào tạo của lao động nông thôn vẫn thấp.

Để nâng cao chất lượng nguồn lực cho lao động nông thôn, thời gian qua Việt Nam đã thực hiện xây dựng đào tạo giáo dục nghề nghiệp đa cấp, đa trình độ. Đã có nhiều chương trình dạy nghề thường xuyên, dạy nghề sơ cấp cho lao động nông thôn để họ có thể làm nông nghiệp tự do, nhỏ lẻ. Ngoài ra có đào tạo trình độ trung cấp để lao động có thể tham gia vào nhà máy, xí nghiệp vào dây chuyền sản xuất. Cuối cùng là đào tạo trình độ trung cấp, nghề nông nghiệp công nghệ cao để có thể chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp 4.0.

"Không chỉ đào tạo nghề cho lao động nông thôn mà phải đào tạo ra một ông chủ là nông dân, để ông ấy chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể điều khiển cả trang trại, nông trại. Muốn vậy cần tăng cường đào tạo cấp trình độ cao hơn như cao đẳng, đại học".

Ông Đồng Văn Ngọc

"Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 nhìn chung đã làm thay đổi cơ bản diện mạo của nông nghiệp, nông thôn. Qua 10 năm đào tạo, hàng triệu lao động đã được học nghề để chuyển đổi việc làm, hoặc làm việc cũ tăng thu nhập so với trước" - ông Khánh đánh giá.

Ông Khánh cũng cho biết, ngoài đào tạo những ngành cũ, tức những ngành nông nghiệp, thời gian qua Tổng cục giáo dục nghề nghiệp cũng đã kết hợp với nhiều đơn vị thực hiện dạy ngành nghề mới. Gần đây nhất, Tổng cục phối hợp với các trường và các công ty ký hợp tác đào tạo nghề trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề cơ điện (Bộ NNPTNN) cho rằng hiện nay Việt Nam đã xây dựng được hệ thống đào tạo nghề đa cấp độ. Chương trình đào tạo nghề theo Đề án 1956 về cơ bản làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng kỹ năng nghề cho lao động nông nghiệp. Tuy nhiên, ông Ngọc cũng cho rằng để nắm bắt xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần làm tốt hơn nữa khâu đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn, giúp họ hướng tới làm nông nghiệp thông minh.

"Đề án 1956 cần phải đào tạo và đào tạo mạnh hơn nữa ở các cấp độ, trong đó ưu tiên đào tạo chuyển đổi việc làm cho lao động nông thôn bị mất việc và chú trọng tới đào tạo hướng tới nông nghiệp công nghệ cao thông minh 4.0"- ông Ngọc kiến nghị. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem