Đẩy nhanh tiến độ đầu tư công để rút ngắn quá trình “dưỡng thương” sau dịch bệnh

Quốc Hải Thứ ba, ngày 19/10/2021 06:24 AM (GMT+7)
Đẩy nhanh đầu tư công được xác định sẽ là “cú đấm” kích cầu cho kinh tế TP.HCM sớm phục hồi. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia kinh tế, khó khăn lúc này của TP là tìm “vốn mồi”…
Bình luận 0

Theo kế hoạch năm 2021, đầu tư công nguồn vốn ngân sách địa phương của TP.HCM là hơn 31.976 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết ngày 1/10, số vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách địa phương của TP.HCM mới chỉ giải ngân được hơn 10.910 tỷ đồng, đạt 34% tổng kế hoạch vốn ngân sách giao trong năm 2021.

TP.HCM: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư công để rút ngắn quá trình “dưỡng thương” sau dịch bệnh - Ảnh 1.

TP.HCM sẽ đẩy nhanh đầu tư công để phục hồi kinh tế sau dịch - Ảnh chụp Xa lộ Hà Nội: Quốc Hải

TP.HCM cần 121.933 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương để "kích" đầu tư công

Giải thích về việc TP.HCM chậm giải ngân đầu tư công thời gian qua, ông Lê Hòa Bình - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay: Có nhiều khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đối với vốn đầu tư trong nước như: Giá nguyên vật liệu tăng cao đột biến làm ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng và thực hiện các hợp đồng xây dựng… Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng thi công còn chậm do tác động của dịch Covid-19…

TP.HCM: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư công để rút ngắn quá trình “dưỡng thương” sau dịch bệnh - Ảnh 2.

Lãnh đạo TP và Sở GTVT đi khảo sát tiến độ công trình cầu Thủ Thiêm 2 - Ảnh: Thaco

Trong khi đó, đối với dự án sử dụng vốn ODA, do tác động của dịch Covid-19, việc nhập khẩu máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát… đều bị ảnh hưởng, làm chậm tiến độ của các dự án ODA.

Các dự án nào được đầu tư hoặc tiếp tục đầu tư trong giai đoạn 2021-2025?

Dự án xây dựng đường sắt đô thị TP.HCM tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) với hơn 6.562 tỷ đồng (trong tổng vốn đầu tư hơn 43.757 tỷ đồng); dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành – Tham Lương) với 500 tỷ đồng (trong tổng số vốn đầu tư hơn 47.890 tỷ đồng)…

Ở lĩnh vực môi trường: Dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 với 2.000 tỷ đồng (trong tổng số vốn đầu tư 11.132 tỷ đồng); dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi – Tẻ giai đoạn 2 với 1.100 tỷ đồng (trong tổng số vốn đầu tư 11.281 tỷ đồng).

Lĩnh vực cấp nước, thoát nước có dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 với hơn 8.882 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025 (trong tổng số vốn đầu tư 9.976 tỷ đồng)…

Vì vậy, để đẩy nhanh tiến tộ giải ngân đầu tư công trong những tháng cuối năm, UBND TP.HCM đề xuất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021, nhằm bổ sung vốn cho các dự án cấp bách, có khả năng giải ngân nhanh, đáp ứng công tác phòng chống dịch Covid-19, góp phần tích cực vào quá trình mở cửa lại và phục hồi kinh tế TPHCM. Cùng với đó, đảm bảo tỷ lệ giải ngân của từng dự án đến hết năm 2021 đạt 95% trở lên.

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, UBND TP.HCM cũng trình HĐND TP.HCM thông qua kế hoạch nguồn vốn ngân sách địa phương của TP.HCM, với tổng số vốn là 121.933 tỷ đồng. 

Trong đó, đối với nguồn vốn từ bội chi ngân sách TP.HCM là hơn 12.555 tỷ đồng; nguồn vốn cân đối ngân sách TP.HCM là hơn 109.378 tỷ đồng.

UBND TP.HCM cũng kiến nghị HĐND TP.HCM thống nhất sử dụng số vốn cân đối ngân sách địa phương là hơn 20.623 tỷ đồng để dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, dự phòng từ nguồn vốn từ bội chi ngân sách TP.HCM là hơn 2.318 tỷ đồng và dự phòng từ nguồn vốn cân đối ngân sách TP.HCM là hơn 18.305 tỷ đồng.

Cần lắm "vốn mồi"…

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính, nhận định, để dự án thi công hoặc đẩy nhanh tiến độ nhằm tăng giải ngân vốn được, phải có công nhân, máy móc, vật liệu, muốn vậy cần sớm cho người dân, hàng hóa lưu thông rộng rãi... Mấu chốt để "gỡ" điều này là nên cân nhắc bỏ ràng buộc trách nhiệm của lãnh đạo địa phương nếu dịch bùng phát.

"Đặc biệt, điều cần nhất để giải ngân vốn đầu tư công không chỉ ở TP.HCM mà còn ở nhiều tỉnh thành khác là phải có vốn mồi kích thích", ông Hiếu chỉ rõ.

Đồng quan điểm, TS Trần Du Lịch, tăng đầu tư công, kích tổng cầu là biện pháp hiệu quả nhất trong giai đoạn hiện nay.

"Cứ 1 đồng đầu tư công tại TP.HCM sẽ kéo theo từ 8-10 đồng đầu tư tư nhân. Đầu tư công cũng sẽ kích tổng cầu như trường hợp nước Anh giai đoạn 1929-1933" - ông Lịch cho biết.

TP.HCM: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư công để rút ngắn quá trình “dưỡng thương” sau dịch bệnh - Ảnh 4.

Cầu Thủ Thiêm 2 - một dự án trọng điểm của TP.HCM - Ảnh: DNCC

Theo ông Lịch, TPHCM cần mạnh dạn đưa tất cả dự án của giai đoạn 2026-2030 vào các gói đầu tư công phục hồi kinh tế. Nếu làm được thì sẽ giúp "cứu nền kinh tế", đồng thời giải quyết được bài toán hạ tầng nhanh hơn, như giao thông, nhà ở, chống ngập, môi trường…

"Vốn mồi của TP.HCM là công cụ quan trọng để tăng đầu tư khôi phục kinh tế. Nếu 4 năm tới (2022-2025) mà chúng ta làm được bằng tổng đầu tư 2011 - 2020, TP sẽ bật dậy mạnh mẽ với một diện mạo hoàn toàn mới" - ông Lịch nhận định.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cũng khẳng định, TP.HCM rất cần vốn mồi để tạo thêm nguồn lực khôi phục kinh tế, xã hội.

Theo ông Ngân, nếu ngân sách TP.HCM có thêm 1 đồng vốn đầu tư - vốn mồi, sẽ huy động được 9-10 đồng vốn đầu tư xã hội. Nếu ngân sách TP chi ra 1 đồng, có thể tạo ra nguồn thu ngân sách 5 đồng.

"Quốc hội cần tăng tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách TP.HCM từ 18% lên 23% và cao hơn. Với 1% để lại tăng thêm, ngân sách TP.HCM có thêm 2.000 tỷ đồng, gọi thêm vốn xã hội được 18.000 - 20.000 tỷ đồng và thậm chí là cả trăm ngàn tỷ đồng nếu tỷ lệ điều tiết lại cho TP.HCM tăng lên 23%. Khi đó, TP.HCM không chỉ sớm phục hồi, lấy lại sức vóc vốn có, trong đó có 12 tỷ USD đã mất đi do đại dịch, mà nguồn thu cho trung ương cũng tăng", ông Ngân nói.

TP.HCM đề xuất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021 ra sao?

Cụ thể, UBND TP.HCM đề nghị điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021 nguồn vốn ngân sách TP.HCM từ 31.976 tỷ đồng xuống còn gần 29.271 tỷ đồng.

Trong đó, điều chỉnh giảm vốn (hơn 6.444 tỷ đồng) đã giao đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, chậm triển khai hoặc gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Đồng thời, điều chỉnh tăng vốn với quy mô 3.794 tỷ đồng cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, bổ sung vốn để quyết toán, dự án đã triển khai đến giai đoạn cuối cần bố trí đủ phần vốn còn lại để hoàn tất, sớm đưa dự án vào sử dụng, tạo hiệu quả kinh tế - xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem