ĐBQH: Câu chuyện giá - lương -tiền, cái nào đứng trước để có lợi cho người lao động

Lương Kết - Thành An Thứ năm, ngày 27/10/2022 11:10 AM (GMT+7)
ĐBQH Nguyễn Huy Thái cho biết, hiện nay cử tri đang rất lo lắng khi về tình trạng lương chưa tăng, chỉ mới rục rịch tăng thì giá cả nhanh chân chạy trước. Câu chuyện giá –lương- tiền, cái nào đứng trước cái nào để có lợi nhất cho người lao động luôn là câu chuyện người lao động tha thiết quan tâm.
Bình luận 0

Đề xuất thực hiện tăng lương cơ sở sớm hơn 6 tháng

Sáng 27/10, phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế -xã hội của Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) đã đề cập vấn đề tiền lương.

Theo ông, ngay sau khi Chính phủ trình Quốc hội trình phương án tăng mức lương cơ sở cho cán bộ công chức, viên chức và người lao động, thông tin này đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và người dân. Lần tăng lương cơ sở gần nhất là 1/7/2019, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên vẫn giữ nguyên đến nay. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của cán bộ công chức, viên chức và người lao động, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả công việc, thậm chí dẫn đến tình trạng nghỉ việc, chuyển việc như trong thời gian vừa qua.

Đại biểu Quốc hội: "Lương mới chỉ rục rịch tăng thì giá cả nhanh chân chạy trước" - Ảnh 1.

Ngày 27/10, Quốc hội thảo luận về kinh tế -xã hội. Ảnh ttbcqh

Vẫn theo ĐB Thái, nước ta đang trên đà phục hồi kinh tế sau gần 3 năm tập trung toàn lực chống dịch, cử tri, nhân dân và những người làm công ăn lương thấu hiểu sâu sắc rằng, gánh nặng ngân sách không thể gồng gánh khoản chi phí khổng lồ cho việc tăng lương hằng năm trong giai đoạn dịch dã. Vì vậy việc tăng lương cơ sở lần này là nỗ lực lớn lao của Chính phủ, bởi ước tính rằng để tăng thêm 20,8% mức lương cơ sở khoản chi mà Chính phủ phải cân đối là khoảng 44 nghìn tỷ đồng.

Đất nước vừa tạm yên đại dịch, việc tăng mức lương cơ sở là thấu tình, đạt lý trong sức chống chịu của nền kinh tế và sức chịu đựng của ngân sách.

"Tuy nhiên để cho niềm vui của người làm công ăn lương chọn vẹn hơn và nhanh chóng bù đắp những trượt giá trầm trọng của đồng lương eo hẹp lâu nay, từ những kiến nghị của rất nhiều cử tri, tôi xin trân trọng đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng lương cơ sở sớm hơn dự định 6 tháng, nghĩa là thực hiện tăng từ 1/1/2023 thay vì 1/7/2023. Chắn chắn đây sẽ là món quà vô cùng ý nghĩa dành cho những người làm công ăn lương đã gần 3 năm qua gồng mình chống chọi và nguồn sống bị bào mòn bởi đại dịch toàn cầu. Cử tri rất trông mong đề xuất này được Quốc hội, Chính phủ chấp nhận", ĐBQH Nguyễn Huy Thái nói.

Ông đề cập thêm câu chuyên liên quan, đó là lương cơ sở tăng có giữ chân được công chức, viên chức ở khu vực công hay không? Nhiều ý kiến cho rằng lương tăng là tín hiệu đáng mừng nhưng không phải là giải pháp dài hơi để công chức, viên chức gắn bó với nghề trong khu vực công mà đẩy nhanh tiến độ cải cách chính sách tiền lương mới thực sự là giải pháp căn cơ, điều mà lẽ ra nếu không phải quay quắt để phòng chống dịch thì được thực hiện từ năm 2021.

"Lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng thì tiền lương của cán bộ công chức, viên chức và người lao động sẽ được cải thiện đáng kể. Người làm công ăn lương có thêm điều kiện lo cho cuộc sống. Tuy nhiên với mức tăng đó trong điều kiện không thể cao hơn ở thời điểm hiện tại vẫn chưa đáp ứng đời sống của người làm công ăn lương. Cán bộ công chức, viên chức và người lao động nhận đồng lương thấp sẽ không phản ánh đúng giá trị sức lao động mà mình đóng góp, bên cạnh đó tiền lương thấp không đủ để bù đắp cho quá trình tái sản xuất giản đơn, chưa nói tới tái sản xuất mở rộng, chưa thể bù đắp được quá trình đào tạo, tự đào tạo của cán bộ công chức, viên chức để toàn tâm, toàn ý với công việc được giao.

Đại biểu Quốc hội: "Lương mới chỉ rục rịch tăng thì giá cả nhanh chân chạy trước" - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái: "Lương mới chỉ rục rịch tăng thì giá cả nhanh chân chạy trước". Ảnh ttbcqh

Tại kỳ họp này Chính phủ đề xuất Quốc hội chưa cải cách tiền lương trong năm 2023, nếu năm 2023 đất nước phát triển kinh tế -xã hội tốt và tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, không chịu tác động của các yếu tố khách quan như trong 3 năm qua thì có thể triển khai chính sách cải cách tiền lương.

Cử tri đang rất quan tâm đến lộ trình cải cách tiền lương và trông mong đề án này được thực hiện. Bởi vì cải cách tiền lương là vấn đề vô cùng cấp thiết, mức lương cơ sở Chính phủ đề xuất với Quốc hội là rất quý ở thời điểm hiện tại" ĐB Thái nói.

Lương luôn bị rớt lại phía sau trong cuộc đua với giá cả thì trường

ĐBQH Nguyễn Huy Thái dẫn số liệu, trong 2 năm rưỡi dịch dã vừa qua đã có gần 40 nghìn cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc , bình quân mỗi năm có khoảng 15.800 người chuyển việc và nghỉ việc. Số nghỉ việc và chuyển việc trong ngành giáo dục hơn 16.400 người, trong ngành Y tế hơn 12 nghìn người, đây là vấn đề xã hội rất đáng được quan tâm.

"Trong xã hội Việt Nam chúng ta không có nhiều nghề mà người làm nghề được gọi là thầy, vậy mà trong 2 năm rưỡi vừa qua số lượng thầy giáo và thầy thuốc nghỉ việc và chuyển việc ra khỏi khu vực công chiếm số lượng rất lớn trong số những người nghỉ việc và chuyển việc.

Điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương mà một trong những giải pháp cơ bản cùng với những giải pháp căn cơ khác nữa để khắc phục tình trạng cán bộ công chức, viên chức, người lao động từ khu vực công nghỉ việc và từ khu vực công sang khu vực tư. Khi thị trường kinh tế lao động phát triển thì giữa khu vực công và khu vực tư sẽ có sự tương tác, liên thông và cạnh tranh để cùng phát triển. Chấp nhận sự điều tiết của thị trường lao động thì đồng thời phải cạnh tranh, phải giữ chân những người tài, người có năng lực, những người có tâm huyết ở khu vực công bằng chính sách tiền lương phù hợp.

Lương đủ sống, cán bộ công chức, viên chức và người lao động sẽ làm việc theo đúng giá trị của tiền lương mà họ được trả và cử tri rất mong chờ điều đó sớm được thực hiện thông qua cải cách tiền lương", ĐB Thái cho biết.

Chốt lại bài phát biểu, ĐBQH Nguyễn Huy Thái cho biết, hiện nay cử tri đang rất lo lắng khi về tình trạng lương chưa tăng, chỉ mới rục rịch tăng thì giá cả nhanh chân chạy trước. Câu chuyện giá –lương- tiền, cái nào đứng trước cái nào để có lợi nhất cho người lao động luôn là câu chuyện người lao động tha thiết quan tâm.

"Lương bổng luôn bị rớt lại phía sau trong cuộc đua với giá cả thị trường, giá xăng tăng, giá thực phẩm tăng, phí dịch vụ tăng, phí đại học tăng…tất cả đã dồn gánh nặng lên đôi vai người lao động chen chân vào và chi phối từng bữa cơm hằng ngày của gia đình họ. Cho nên tăng lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương chỉ thực sự có giá trị đối với người lao động khi Chính phủ thực hiện thành công các giải pháp bình ổn giá cả thị trường", ĐB Thái góp ý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem