ĐBQH Phạm Văn Hoà: Một số lãnh đạo còn "tham quyền cố vị", chưa có văn hoá từ chức

Quỳnh Nguyễn Thứ ba, ngày 23/05/2023 13:24 PM (GMT+7)
ĐBQH Phạm Văn Hoà nhìn nhận, hiện nay một số cán bộ lãnh đạo còn "tham quyền cố vị", tuy đã vi phạm kỷ luật, mất uy tín, năng lực kém, sức khoẻ yếu nhưng vẫn bám giữ chức vụ.
Bình luận 0

Theo chương trình kỳ họp, ngày 30/5 tới, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo Nguyễn Thị Thanh sẽ trình bày Tờ trình trước Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Dự thảo Nghị quyết này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 23. Mục đích, yêu cầu của việc sửa đổi Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã được xác định trong các văn kiện của Đảng và pháp luật; bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ.

Đồng thời, bảo đảm tính kế thừa, tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất đồng bộ trong các văn bản về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị quyết số 85/2014/QH13, tập trung sửa đổi, bổ sung, làm rõ hơn những điều, khoản chưa phù hợp, rõ ràng, chặt chẽ...

Về bố cục, dự thảo Nghị quyết giữ nguyên kết cấu 18 điều như Nghị quyết số 85, trong đó sửa đổi, bổ sung 13/18 điều và bổ sung 3 biểu mẫu mới.

Đáng chú ý, theo dự thảo Nghị quyết, các chức danh được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "không tín nhiệm" thì xin từ chức. Trường hợp không từ chức, cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó tại kỳ họp gần nhất.

Trao đổi với Dân Việt bên hành lang kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) chia sẻ, ông rất tâm đắc với phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lần tiếp xúc cử tri mới đây: ""Trung ương không xuống làm hộ. Anh nào, địa phương nào không làm được thì xử lý, thay thế. Đã không xứng đáng thì thôi, từ chức đi, đó là nhân đạo, nhân ái, nhân tình". Theo đại biểu Hoà, văn hóa từ chức cần được phổ biến rộng rãi hơn, thay vì chỉ "đếm trên đầu ngón tay" như hiện tại.

ĐBQH Phạm Văn Hoà: Một số người "tham quyền cố vị", chưa có văn hóa từ chức - Ảnh 2.

Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp). Ảnh: Quốc hội

Ông đánh giá văn hóa từ chức hiện nay như thế nào?

- Văn hóa từ chức mang tính nhân văn. Tuy nhiên, thực tế đa phần là chỉ khi các cấp có thẩm quyền lên tiếng thì những người có tì vết hoặc năng lực yếu kém mới chịu thôi, còn số trường hợp tự giác chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Văn hóa từ chức cần có sự nhận thức cao của mỗi con người, nhất là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Khi anh cảm thấy vị trí công tác không đảm đương được, năng lực còn yếu kém, vi phạm, mất uy tín... thì nên tự giác xin thôi chức vụ, từ chức, không để đến khi các cấp có thẩm quyền "động đến" tới viết đơn thì không hay.

Như vậy, văn hóa từ chức hiện nay vẫn chưa thực sự phổ biến, theo ông nguyên nhân do đâu?

- Nói là văn hóa từ chức nhưng thực tế đối với cán bộ, đảng viên do cấp có thẩm quyền quản lý trong công tác cán bộ, họ muốn từ chức cũng phải báo cáo các cấp có thẩm quyền cho phép mới được.

Mặt khác, thực tế một số người còn "tham quyền cố vị", đã vi phạm kỷ luật, mất uy tín, năng lực kém, sức khỏe yếu mà vẫn bám víu vào công việc, chức vụ, như vậy nhận thức, ý thức của những người đó chưa cao.

Theo ông làm thế nào để thay đổi điều đó?

- Muốn thay đổi thì trước tiên đó là từ nhận thức của mỗi người, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo. Việc từ chức đã có văn bản, hướng dẫn cụ thể hết rồi, nếu cán bộ lãnh đạo cảm thấy mình không xứng đáng thì tự giác xin từ chức.

Tất cả từ con người mà ra, do ý thức, nhận thức, đừng có nghĩ mình bám víu vào cái ghế đó, chức vụ đó thì được này, được kia. Cán bộ lãnh đạo ở ví trị đó mà không làm được việc thì có lỗi với tổ chức và người dân. Cán bộ đang giữ chức vụ đó mà mất uy tín, làm không năng suất thì hiệu quả công việc của cơ quan, đơn vị đó không cao, ảnh hưởng đến cái chung.

Vậy nên, theo tôi cán bộ lãnh đạo hãy suy nghĩ, nếu thấy ở vị trí công tác đó mình không làm được, thấy không phù hợp thì làm đơn xin nghỉ, thôi chức vụ. Đây là hành động rất nhân văn, được những người khác kính trọng bởi đó là những người rất tự giác.

Việc làm của mình chưa đúng hoặc uy tín của mình trong thời gian qua chưa đảm bảo thì việc từ chức còn để lại chút uy tín cho bản thân. Còn nếu mình không tự giác mà để cơ quan, các cấp có thẩm quyền buộc nghỉ, buộc thôi việc thì đến lúc đó không những muộn mà còn không được hay lắm.

Xin cảm ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem