ĐBSCL: Dân 2 tỉnh khổ vì nhà máy thép

Thứ bảy, ngày 06/04/2013 08:03 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhà máy luyện thép từ phế liệu nằm giữa thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang suốt nhiều năm nay gây ô nhiễm khiến hàng ngàn người dân ở 2 tỉnh giáp ranh là An Giang và Đồng Tháp kêu cứu...
Bình luận 0

Mang bệnh vì ô nhiễm

Theo đơn khiếu nại của 38 hộ dân sống tại thị trấn Chợ Mới, từ ngày Nhà máy thép Miền Tây đi vào hoạt động (năm 2008), cuộc sống của người dân vô cùng khốn khổ. Nhà máy này chuyên mua phế liệu về nấu thép, hoạt động ầm ĩ suốt ngày đêm, khói bụi bay khắp thị trấn, thêm mùi hóa chất luyện thép phát tán vào không khí, vào nguồn nước khiến người dân không chịu nổi.

Mọi vật dụng trong nhà dân đều đóng một lớp bụi sắt đen sì, người dân ngày đêm hít phải bụi sắt nên thường mắc các bệnh ngoài da và hô hấp. Người dân nhiều lần gửi đơn đề nghị di dời nhà máy nấu thép này ra khỏi khu dân cư nhưng không ai giải quyết.

img
Các ghe chở phế liệu chuẩn bị đưa hàng vào lò luyện thép.

Theo anh Nguyễn Quốc Anh, cứ mỗi lần nhà máy hoạt động, con anh là Nguyễn Duy Nhật, mới 12 tháng tuổi lại thở khò khè, khóc ngằn ngặt. Bản thân anh là người lớn cũng không chịu nổi mùi hôi từ nhà máy phát ra. Kề nhà anh Quốc Anh, con trai chị Nguyễn Thị Ngọc Huệ là cháu Nguyễn Tấn Nhân, năm nay 3 tuổi cũng bị khói bụi làm cháu mắc bệnh liên tục. “Mấy tháng trước, con tôi bị viêm mũi, phải điều trị gần 2 tháng mới khỏi. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị dị ứng do khói bụi quá nhiều. Nếu nhà máy không di dời, chắc dân xóm tôi phải treo biển bán nhà rồi đi xứ khác sinh sống” – chị Huệ nói.

Theo thống kê của chính quyền xã Tân Long, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, sau thời điểm nhà máy đi vào hoạt động, khu vực người dân sống đối diện nhà máy có khoảng 15 trường hợp chết vì bệnh ung thư. Nhiều trường hợp khác đang điều trị. Thậm chí, cả gia đình ông Lê Tấn Phát đều đang điều trị bệnh gan và nghi do nhà máy ô nhiễm gây ra.

Ông nói gà, bà nói vịt

Ông Nguyễn Thành Công – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết, xã có gần 500 hộ dân bị ảnh hưởng bởi Nhà máy Thép Miền Tây, kể cả trụ sở làm việc của chính quyền xã cũng bị ảnh hưởng. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị tình trạng này đến các cơ quan chức năng từ huyện lên tỉnh, nhưng do đơn vị gây ô nhiễm đóng ở địa bàn tỉnh khác nên tỉnh Đồng Tháp khó kiểm tra, xử lý”.

Bà Lê Thị Thùy Dương – Phó Văn phòng UBND huyện Chợ Mới cũng cho biết, người dân nhiều lần khiếu nại, các cuộc họp hội đồng nhân dân cũng nêu tình trạng nhà máy này gây ô nhiễm nhưng theo báo cáo của ngành chức năng, nhà máy này không gây ô nhiễm nên người dân khiếu nại kéo dài.

Không chỉ người dân thị trấn Chợ Mới của tỉnh An Giang bức xúc, mà người dân ở tỉnh Đồng Tháp (cách thị trấn Chợ Mới một con sông) cũng đội đơn kêu cứu khắp nơi vì nhà máy này gây ô nhiễm.

Ông Nguyễn Trung Ái – Trưởng phòng TNMT huyện Chợ Mới cho biết, hệ thống xử lý nước thải và khí thải của nhà máy này đang vận hành tốt, theo báo cáo giám sát môi trường của Công ty thép Miền Tây thì khí thải và nước thải đều nằm trong giới hạn cho phép. Văn bản do ông Trần Anh Thư – Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh An Giang trả lời UBND huyện Chợ Mới và Trụ sở Tiếp công dân tỉnh An Giang khẳng định: “Công ty đã rất cố gắng thực hiện tương đối đầy đủ các biện pháp xử lý chất thải phát sinh…”.

Ngày 1.4, PV đến Sở TNMT tỉnh An Giang để làm rõ sự mâu thuẫn giữa người dân và các văn bản trả lời của ngành tài nguyên. Bà Mai Thị Vân Anh – Chánh Văn phòng Sở yêu cầu PV ghi lại nội dung, sau đó photocopy các đơn khiếu nại của người dân để hẹn ngày trả lời nhưng cho đến nay bà không gọi lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem