Đẻ ít thì khỏe, thì giàu...

Minh Ngọc Thứ hai, ngày 01/09/2014 09:39 AM (GMT+7)
Là địa bàn có nhiều dân tộc chung sống rải rác ở 17 bản; trong đó có những dân tộc đặc biệt khó khăn như: Kháng, Khơ Mú, La Ha nên công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) ở xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, Sơn La, gặp những khó khăn không nhỏ.
Bình luận 0

Một trong những khó khăn lớn nhất đó là trình độ dân trí của người dân vùng sâu, vùng xa và hiểu biết về công tác DS-KHHGĐ. Cái quan niệm “ta đẻ thì ta nuôi, nhà đông người mới mạnh” từng ăn sâu trong ý thức hệ của rất nhiều người. Để thay đổi nhận thức của người dân, cả hệ thống chính trị của xã đã vào cuộc rất tích cực, phối hợp tổ chức tốt nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, giải thích, tư vấn hỗ trợ và thực hiện dịch vụ về công tác DS-KHHGĐ tại xã, các cụm bản; thông qua các tổ chức: Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội phụ nữ...

Ông Quàng Văn Thương - Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong năm vừa qua chúng tôi đã phối hợp trung tâm y tế huyện tuyên truyền cho các cặp vợ chồng về những tác động không tốt của việc sinh con thứ 3, sinh con một bề làm mất cân bằng giới tính. Vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ cũng được quan tâm khích lệ để tạo hiệu quả cao trong hoạt động này.

Anh Lò Văn Thân, 28 tuổi, dân bản Tạng Phát, tâm sự: Ngày trước các gia đình đẻ nhiều con bởi một số người muốn lấy người làm nương, làm ruộng; một số người thì cũng chẳng biết làm thế nào để tránh có con khi quan hệ vợ chồng. Nay thì chúng tôi hiểu rồi, nếu đẻ nhiều mà không biết cách làm ăn thì chỉ làm khổ con, khổ cháu và khổ cả chính mình, đói nghèo cứ thế đeo đuổi. Vợ chồng tôi tuy còn trẻ, con út cũng đã hơn 4 tuổi nhưng chúng tôi quyết tâm dừng lại ở 2 con để gây dựng cuộc sống cho mình.

Bên chân ruộng lúa sắp gặt bên bản Nà Ta, chị Quàng Thị Thuận, 25 tuổi, cho biết: Chiềng Pha tuy toàn bộ dân sống bằng nông nghiệp nhưng không có nhiều đất ruộng, đất nương như những xã khác. Bởi thế, nếu cứ đẻ nhiều thì không có sức để đi làm, không có tiền để mua giống tốt, phân bón tốt cho cây trồng. Như thế là thu nhập thấp, là lại đói ăn, lại thất học… Cán bộ bảo thế và mình cũng thấy đúng như thế. Chị em phụ nữ trong bản chúng tôi mỗi khi sinh hoạt lại bày cho nhau cách vận động chồng và gia đình chồng cùng thực hiện tốt việc sinh đẻ có kế hoạch, tránh tảo hôn, kết hôn cận huyết. Đó cũng là một cách xoá nghèo của người dân chúng tôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem