Phát triển vùng Đông Nam bộ xứng tầm - Bài cuối: Để lợi ích kinh tế không bị chi phối bởi địa giới hành chính

Quốc Hải Thứ ba, ngày 28/03/2023 14:36 PM (GMT+7)
TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ vừa ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển trong giai đoạn 2023 - 2025 với nhiều nội dung, trong đó tập trung vào 7 lĩnh vực trọng yếu.
Bình luận 0

Thay đổi mô hình tăng trưởng 

Ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, TP và một số địa phương trong vùng đã thỏa thuận hợp tác phát triển giữa các địa phương giai đoạn 2023 - 2025 với nhiều nội dung. Trong đó, tập trung vào 7 lĩnh vực trọng yếu, gồm: Công tác quy hoạch; Cơ chế điều phối phát triển vùng; Kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, đầu tư; Kết nối hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ; Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Hợp tác về y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số.

Phát triển vùng Đông Nam Bộ (bài cuối): Không để lợi ích kinh tế bị chi phối bởi địa giới hành chính - Ảnh 1.

Đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra các dự án giao thông kết nối các vùng trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bình Dương cuối năm 2022. Ảnh: Nguyên Vỹ

"Đây là bước khởi đầu của việc hiện thực hóa, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết 24 và đề nghị chính quyền các địa phương phải xem đây là cam kết chính trị quan trọng. Từ đó, thống nhất cơ chế giám sát, định kỳ tổ chức giao ban, thường xuyên chia sẻ, trao đổi thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tập trung hoàn thành tốt các nội dung, thỏa thuận hợp tác đã được thống nhất ký kết", ông Nên nói.

Cũng theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, 7 lĩnh vực này sẽ là tiền đề quan trọng để phấn đấu đến năm 2030 đưa Đông Nam bộ trở thành vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; là trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế.

Phát triển vùng Đông Nam Bộ (bài cuối): Không để lợi ích kinh tế bị chi phối bởi địa giới hành chính - Ảnh 2.

Cơ cấu kinh tế tại các địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ. Nguồn: ĐH Kinh tế TP.HCM

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh châu Á nhận định, giai đoạn từ 2022 trở về trước, vùng Đông Nam bộ phát triển chủ yếu dựa trên thâm dụng các yếu tố đầu vào như lao động ít kỹ năng, thâm dụng vốn, thâm dụng năng lượng, và thâm dụng tài nguyên đất. Nói khác đi là tăng trưởng hiện trạng chủ yếu từ các yếu tố đầu vào mặc dù tạo ra thu nhập bình quân đầu người cao hơn 40% so với mức trung bình cả nước và hiện đang ở mức xấp xỉ hơn 6.000 USD/người (thời điểm 2022).

Tuy nhiên, để phát triển bền vững, vùng Đông Nam bộ phải lấy động lực phát triển là các ngành kinh tế hướng đến hiệu quả và đổi mới sáng tạo tập trung và thâm dụng công nghệ, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao tính hiệu quả quản trị vùng.

Không để lợi ích kinh tế bị chi phối bởi địa giới hành chính

Cuối năm 2022 tại TP. Vũng Tàu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và xúc tiến đầu tư vùng.

Sau hội nghị này, các địa phương đã tổ chức nhiều cuộc xúc tiến hợp tác, thương mại với nhau. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, mối liên kết giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, còn hình thức, liên kết nội vùng và liên vùng chưa có tính chiến lược, lâu dài để nâng cao năng lực cạnh tranh vùng.

Phát triển vùng Đông Nam Bộ (bài cuối): Không để lợi ích kinh tế bị chi phối bởi địa giới hành chính - Ảnh 3.

Tỷ lệ đầu tư R&D trên GRDP tại vùng Đông Nam bộ. Nguồn: Tính toán từ dữ liệu GSO

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ đã phát triển mạnh mẽ, vươn lên là đầu tàu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển ấy chưa xứng tầm, chưa khai thác được hết tiềm năng, thế mạnh của cả vùng do thiếu sự kết nối giữa các địa phương.

"Mỗi tỉnh, thành phố trong vùng đang phát triển theo thế mạnh riêng, nhất là hạ tầng giao thông. Chính điều này đã kìm hãm sự phát triển của vùng nói chung và các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ nói riêng", ông Thiên nói.

Phát triển vùng Đông Nam Bộ (bài cuối): Không để lợi ích kinh tế bị chi phối bởi địa giới hành chính - Ảnh 4.

Kết nối vùng cũng sẽ giúp tiêu thụ nông sản các tỉnh, thành với nhau phát triển. Ảnh: Quốc Hải

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng thừa nhận, trong những năm qua, TP.HCM chỉ mới ký kết hợp tác với ba tỉnh vùng Đông Nam bộ, còn lại chưa ký kết hợp tác cụ thể với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Do đó, dù các địa phương đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn còn các mặt tồn tại, hạn chế ở nhiều lĩnh vực.

"Để phát triển vùng trong thời gian tới, ngoài 7 nội dung cần đẩy mạnh như hợp tác quy hoạch, kết nối cung cầu, giao thông hạ tầng..., cần xem xét việc có nên lập tổ chức Hội đồng vùng hay không, tổ chức thế nào, điều phối hoạt động ra sao, có nên thành lập quỹ cho việc phát triển hạ tầng giao thông vùng", ông Mãi đề xuất.

Phát triển vùng Đông Nam bộ xứng tầm - Bài cuối: Để lợi ích kinh tế không bị chi phối bởi địa giới hành chính - Ảnh 5.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát các dự án giao thông kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, năm 2022. Ảnh; TTXVN

GS.TS Võ Thanh Thu - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM kiến nghị, để đẩy mạnh phát triển toàn diện vùng Đông Nam bộ, cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng. Ban chỉ đạo Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chủ động đề xuất xây dựng chiến lược phát triển khoa học - công nghệ toàn vùng.

"Việc hoàn thiện cơ chế chính sách lương để thu hút nhân tài. Đổi mới cơ chế chính sách về thuế, tín dụng và chế độ tài chính để khuyến khích mạnh mẽ các hoạt động R&D, sáng tạo công nghệ… là những việc cần phải làm ngay và luôn", bà Thu đề xuất.

Còn theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, trong lúc chờ hoàn thiện thể chế và thành lập Hội đồng điều phối vùng, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, tổ chức hội nghị, hội thảo, gặp gỡ trao đổi nội dung liên kết.

"Toàn vùng phải có kế hoạch phân công, điều phối liên kết hiệu quả, không để lợi ích kinh tế bị chi phối bởi địa giới hành chính. Lĩnh vực nào là lợi thế tối ưu, cần ưu tiên phát triển ở đâu phải rất rõ ràng, bảo đảm sự tập trung nguồn lực và không làm triệt tiêu lợi thế chung của toàn vùng", ông Nên nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem