Đề nghị điều tra bác sĩ nhận hoa hồng

Thứ sáu, ngày 09/04/2010 08:13 AM (GMT+7)
NTNN - Ông Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh giải pháp này nhằm kiểm soát các vi phạm về tăng giá thuốc, chi hoa hồng cao.
Bình luận 0
img
Giá nhập khẩu thuốc chưa được kiểm soát nên đến tay người tiêu dùng thường bị đội lên rất cao (ảnh minh họa).

Thuốc chữa bệnh là mặt hàng liên tục tăng giá, trong đó vấn đề hoa hồng cho bác sĩ được dư luận lên tiếng nhiều nhưng vì sao vẫn chưa thể kiểm soát được, thưa ông?

- Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa họp với các chuyên gia về vấn đề giá thuốc, hoa hồng. Với những mặt hàng khác, chẳng hạn như xăng dầu chỉ có vài loại nên dễ dàng nhìn ra ngay, nhưng thuốc thì có đến 22.000 loại đang sử dụng ở VN, trong đó thuốc sản xuất tại VN chiếm 43%, số còn lại phải nhập khẩu.

Trong 43% thuốc sản xuất tại VN đó thì 90% nguyên liệu lại nhập khẩu. Do đó, giá thuốc sẽ bị ảnh hưởng bởi giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá điện… nhưng tác động giá thuốc tăng bao nhiêu, tăng như thế nào là hợp lý thì chưa ai nghiên cứu, chưa ai đánh giá được. Chắc chắn sẽ có tình trạng té nước theo mưa.

Khi phân tích tôi thấy loại thuốc bị ăn hoa hồng nhiều nhất là biệt dược. Các loại thuốc độc quyền của các công ty, chúng ta không biết được là họ sản xuất, nhập vào giá bao nhiêu nên kiểm soát rất khó khăn.

img Theo tôi, việc kiểm soát hiện tượng chi “hoa hồng” của các đại lý thuốc là rất khó vì thủ đoạn của họ rất tinh vi và núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau. Hiện việc đánh thuế chỉ có thể thực hiện được với các công ty thuốc với hợp đồng cụ thể, còn các cửa hàng thuốc nhỏ lẻ chỉ có thể áp thuế khoán. Mỗi ngày, họ bán ra một vài vỉ thuốc thì rất khó để định tính. img

Ông Vũ Văn Trường - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính)

Nhiều chuyên gia trong ngành thừa nhận việc chỉ mặt, điểm tên bác sĩ nhận hoa hồng là rất khó. Ông nhận định thế nào về tình trạng này?

- Trong Luật Khám chữa bệnh của VN, phần y đức, cấm bác sĩ không được nhận hoa hồng. Tuy nhiên trên thực tế, hoa hồng có muôn hình vạn trạng. Ngoài tiền mặt, hội thảo... còn có hình thức như bán 10 hộp cho 2 hộp nên rất khó kiểm soát.

Hơn nữa, nếu bác sĩ kê đơn ở nhà thì không ai kiểm soát được. Do vậy vấn đề đầu tiên phải là tuyên truyền về y đức. Một giải pháp quan trọng nữa, theo tôi, là chúng ta phải kiểm soát được giá nhập khẩu của các mặt hàng thuốc thông qua giá trần.

Cụ thể, khi công ty nhập vào VN giá mặt hàng này là 1 triệu đồng, thì cho phép anh được bán 1,2 triệu. Tuy nhiên, vì hiện nay chúng ta chưa có quy định đó nên có tình trạng thuốc lòng vòng qua hàng chục công ty rồi mới đến tay người tiêu dùng.

Xin ông nói cụ thể hơn về cách hạn chế tối đa tình trạng thuốc đi lòng vòng?

- Để thuốc không bị đi lòng vòng, phải ấn định cố định 1 mức thặng dư. Ví dụ Nhà nước, Chính phủ quy định thặng dư là 20-30% thì tự nhiên sẽ mất các công ty trung gian đi. Cách này thực tế ở nước ngoài có hiệu quả, họ có rất ít các công ty trung gian.

Giá trị thặng dư chỉ có 20% mà qua nhiều công ty, tự dưng lợi nhuận bị chia sẻ, bị giảm, vậy là các công ty trung gian tự dưng biến mất và giá thuốc sẽ đi đường thẳng ra thị trường.

Liên quan tới hoa hồng chi trực tiếp cho bác sĩ, ông có đề xuất gì với Bộ Y tế ?

- Thực tế không có nhiều bác sĩ nhận hoa hồng. Chỉ một bộ phận bác sĩ phòng khám, chẳng hạn như ngoại khoa, sản khoa, tim... là dễ va chạm đến thuốc, đến hoa hồng thuốc. Để "chỉ mặt" được bác sĩ nhận hoa hồng, theo kinh nghiệm của Trung Quốc, công an phải vào cuộc. Chúng tôi nhớ khi đi thăm bệnh viện Thanh Hải (Trung Quốc), họ đã đưa lực lượng công an vào bắt một vài vụ thì hiện tượng này mới tự động dẹp. Tôi nghĩ rằng, lực lượng công an của ta cũng phải vào cuộc, có như vậy mới giảm được tình trạng này.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem