Đề nghị xem xét Giám đốc thẩm vụ thi hành án Sân vận động Chi Lăng

Đình Thiên Thứ ba, ngày 07/07/2020 19:18 PM (GMT+7)
Qua nhiều năm, bản án liên quan đến việc thi hành án Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) vẫn chưa thực hiện được.
Bình luận 0

Chiều 7/7, Kỳ họp thứ 15, HĐND TP.Đà Nẵng khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Nhiều câu hỏi về nguyện vọng của người dân và chính quyền TP.Đà Nẵng muốn giữ lại Sân vận động (SVĐ) Chi Lăng có được đáp ứng? Bên cạnh đó, các vướng mắc về việc thi hành các bản án liên quan SVĐ Chi Lăng cũng được nhiều đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng đưa ra.

Trong đó, phần chất vấn của đại biểu Trần Tuấn Lợi rất đáng chú ý khi đề cập thẳng thắn đến các vấn đề "nhạy cảm" xung quanh dự án được "vẽ" trên SVĐ Chi Lăng mà UBND TP.Đà Nẵng đã giao cho Tập đoàn Thiên Thanh nhiều năm trước.

Theo đại biểu Trần Tuấn Lợi, hiện việc thi hành án SVĐ Chi Lăng do Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.Đà Nẵng thụ lý và đến nay qua nhiều năm vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

"Mới nhất là ngày 27/5 vừa qua, Phó Tổng cục trưởng Cục THADS đã làm việc với Đà Nẵng và kết luận, trước mắt không xem xét kiến nghị của Ngân hàng Xây dựng và Công ty Thiên Thanh. Đồng thời giao cho  Cục THADS Đà Nẵng có văn bản báo cáo với Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) và UBND TP.Đà Nẵng để đề nghị các cấp có thẩm quyền kiến nghị Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao xem xét kháng nghị theo trình tự Giám đốc thẩm. Vậy không biết khi nào sự việc mới kết thúc trong khi mong muốn của người dân Đà Nẵng giữ lại cho được sân Chi Lăng", đại biểu Tuấn Lợi nói.

Đề nghị Giám đốc thẩm vì không thể thi hành án sân Chi Lăng - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Tuấn Lợi đặt câu hỏi về việc thi hành án sân Chi Lăng. Ảnh: Đình Thiên

Ngoài ra, vị đại biểu này còn cho biết, qua tài liệu, hiện Công ty Thiên Thanh mới thực nộp vào ngân sách thành phố số tiền 1.200 tỷ đồng. Trong khi công ty này đang nợ Ngân hàng Xây dựng hơn 8.000 tỷ đồng và Ngân hàng Agribank chi nhánh Láng Hạ (Hà Nội) 317 tỷ đồng.

"Tổng khoản nợ các ngân hàng hơn 8.300 tỷ đồng được thế chấp bằng quyền sử dụng đất SVĐ Chi Lăng. Do vậy rất khó để Đà Nẵng lấy lại SVĐ khi thành phố chỉ trả lại số tiền Công ty Thiên Thanh đã nộp. Chỉ có cách là thành phố đàm phán với ngân hàng và công ty Thiên Thanh. Vậy phương án đã được thực hiện và có kết quả ra sao?", đại biểu Lợi chất vấn.

Trước các câu hỏi trên của đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng, Chủ tọa kỳ họp đã mời ông Trần Phước Thu - Cục trưởng Cục THADS Đà Nẵng trả lời.

Theo ông Trần Phước Thu, SVĐ Chi Lăng liên quan đến vụ án của Phạm Công Danh và Công ty Thiên Thanh do Cục THADS TP.HCM và Cục THADS tỉnh Quảng Ngãi ủy thác thu hồi hơn 4.100 tỷ đồng tiền gốc.

"Đây là vụ việc rất phức tạp khó khăn vì tình trạng pháp lý chưa rõ ràng, mặc dù bản án đã yêu cầu kê biên tài sản để thi hành bản án. Ngoài ra, khu đất SVĐ Chi Lăng đã được UBND TP.Đà Nẵng trước đây phân thành 14 lô. Trong đó UBND TP.Đà Nẵng đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh 10 lô, còn 4 lô chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa giải tỏa.

Ngoài ra, việc đền bù cho các hộ dân để bàn giao mặt bằng giao cho các công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh hiện vẫn chưa hoàn thành. Đồng thời, các thủ tục giao đất cho các công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh trước đây cũng không làm đúng với các quy định của pháp luật… Vì vậy, việc thi hành án không thực hiện được", ông Thu thông tin.

Đề nghị Giám đốc thẩm vì không thể thi hành án sân Chi Lăng - Ảnh 2.

Cục trưởng Cục THADS Đà Nẵng trả lời về việc thi hành án sân Chi Lăng. Ảnh: Đình Thiên

Cục trưởng Cục THADS cho biết thêm, liên quan SVĐ Chi Lăng hiện các cơ quan có thẩm quyền đã báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để nêu nguyện vọng của nhân dân Đà Nẵng là được giữ lại công trình này. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp phối hợp với các đơn vị liên quan để xem xét tháo gỡ vướng mắc.

"Vào các năm 2018 và 2019 có 2 đoàn của Ban Phòng chống tham nhũng Trung ương đi thực kiểm tra dự án này và thấy được sự khó khăn trong việc thi hành án. Nguyện vọng của Đà Nẵng đưa ra, về phía các ngân hàng không đồng ý.

Còn Tập đoàn Thiên Thanh muốn lấy tiền từ một vụ án khác để trả cho các ngân hàng và vẫn giữ nguyên khu đất SVĐ Chi Lăng không xé lẻ nữa nhưng phương án này cũng không thực hiện được. Vì vậy, hiện nay Cục THADS Đà Nẵng đã kiến nghị phương án Giám đốc thẩm. Hiện phía Viện KSND Tối cao đã có phản hồi nhưng phía TAND Tối cao chưa có thông tin hồi đáp", Cục trưởng Cục THADS Đà Nẵng nêu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem