Để nông nghiệp tăng trưởng trở lại: Phải tăng tốc tín dụng

Nguyễn Phương Thứ ba, ngày 01/07/2014 08:01 AM (GMT+7)
Dù chúng ta khẳng định vai trò của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong nền kinh tế nói chung, nhưng lĩnh vực này đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều chuyên gia cho rằng phải tăng tốc tín dụng để nông nghiệp phát triển trở lại.  
Bình luận 0

Chính sách cho nông nghiệp còn "mơ hồ"

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2014 vừa diễn ra tại Hà Nội lần đầu tiên đã đưa nhóm công tác về nông nghiệp vào chương trình nghị sự. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: Điều này thể hiện rõ sự quyết tâm đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển, hội nhập với thế giới.

Ông David Whitehea - Trưởng nhóm công tác nông nghiệp VBF cũng cho biết, 4 lĩnh vực được quan tâm nhất để đưa nông nghiệp Việt Nam "cất cánh" là tiếp cận thị trường, công nghệ, quy chuẩn chất lượng và thực thi chính sách. Tuy nhiên thực tế, cả 4 lĩnh vực này của Việt Nam đều đang có những hạn chế nhất định.

Thực tế, theo các chuyên gia, nông nghiệp Việt Nam đang bị phân tán theo khu vực với các đặc tính khác nhau. Các chính sách của Chính phủ không phản ánh và giải quyết được thực sự các vấn đề chung và riêng của từng địa phương. Các hiệp hội ngành nghề không hiệu quả trong vai trò của mình là kết nối chặt chẽ các đơn vị, tổ chức hoạt động trong ngành. Hơn nữa, "rất nhiều các chính sách nông nghiệp còn mơ hồ, không có sự rõ ràng...” - ông David Whitehead cho biết.

Gỡ "nút thắt" bằng tín dụng

Các chuyên gia cho rằng, gỡ nút thắt cho nông nghiệp hiện nay trước hết phải bằng các chính sách tín dụng. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, khu vực nông nghiệp, nông thôn có cầu vốn rất lớn, nhưng nhiều năm nay luôn trong tình trạng thiếu vốn đầu tư do có nhiều yếu thế, rủi ro, vì vậy khu vực này vẫn đang phụ thuộc nhiều vào tín dụng “đen”.

Nhiều ngân hàng cũng thừa nhận, tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu cấp cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, các hợp tác xã lớn, còn tín dụng dành cho nông dân khá ít.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn đổi mới, phát triển theo chiều sâu với quy mô lớn hơn để hội nhập kinh tế quốc tế. Điều đó đặt ra yêu cầu về ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm. Vậy tại sao chúng ta không “đổ” tín dụng vào đây?

   Ông Nguyễn Viết Mạnh cho  biết: Sẽ cho doanh nghiệp vay để mua giống, vật tư nông nghiệp rồi tạm ứng cho nông dân sản xuất. Việc cho vay tập trung vào liên kết theo hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông dân, từ đó kiểm soát chặt chẽ dòng tiền trong chuỗi liên kết.  

Vụ trưởng Tín dụng Ngân hàng Nhà nước - ông Nguyễn Viết Mạnh cho biết, chương trình thí điểm cho vay hỗ trợ của ngành ngân hàng trong mô hình liên kết này hướng vào 2 nội dung:

Giảm chi phí đầu vào cho sản phẩm sản xuất liên kết, thông qua việc cho vay lãi suất phù hợp (thấp hơn thị trường); tháo gỡ vướng mắc về tài sản bảo đảm theo hướng sẽ cho vay tín chấp, nếu nông dân và doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết có cơ sở pháp lý và ngân hàng kiểm soát được dòng tiền tham gia quá trình liên kết.

Đây cũng là cơ sở để các ngân hàng xem xét cho doanh nghiệp vay tín chấp. Chương trình cũng có những hỗ trợ nhất định đối với các doanh nghiệp được lựa chọn thí điểm, cả về nguồn vốn, lãi suất và thời hạn vay, tài sản bảo đảm.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem