Để nông sản Việt tiếp cận được 516 triệu dân EU

P.V Thứ năm, ngày 06/12/2018 17:33 PM (GMT+7)
Việc EU dành cơ chế ưu tiên nhập khẩu từ Việt Nam các sản phẩm gạo, mía đường, giúp các sản phẩm này không bị tính thuế và không có hạn ngạch, cùng Hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam. Tuy vậy, nông sản Việt sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Bình luận 0

img

Toàn cảnh Diễn đàn Thương mại Việt Nam-EU

Sáng 6.12, Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) đã tổ chức "Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU: Thương mại nông sản - Đối tác phát triển bền vững" nhằm chia sẻ các xu hướng thị trường tại các nước nhập khẩu nông sản chính của Việt Nam cũng như kinh nghiệm phát triển nông nghiệp thông minh - một trong những chiến lược của EU.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh: Liên minh châu Âu (EU) là khu vực kinh tế thịnh vượng với GDP chiếm khoảng 23% GDP danh nghĩa thế giới, thu nhập bình quan đầu người lên tới 40.890 USD/người/năm.

Với 28 nước thành viên, tổng dân số EU đạt khoảng 516 triệu dân. EU trở thành khu vực có nhu cầu nhập khẩu rất nhiều hàng hóa từ khắp các nước trên thế giới; trong đó mặt hàng nông sản có tiềm năng tiêu thụ vô cùng lớn tại khu vực này.

Tính đến hết quý II.2018, Việt Nam đã có hơn 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, có mặt tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, một số sản phẩm xuất khẩu trên 1 tỷ USD như: cà phê, gạo, điều, rau quả,…

Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm 2018 đạt 15,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2017 và Việt Nam đứng trong top 5 các quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới.

Chính vì vậy, Diễn đàn với sự trao đổi song phương giữa đại diện cơ quan quản lý và doanh nghiệp để từ đó có thể tìm được tiếng nói chung trong việc hợp tác phát triển kinh tế Việt Nam và EU.

Theo ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chia sẻ: Mặc dù thời gian qua Việt Nam đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực trong xuất khẩu hàng nông sản ở những thị trường lớn nhưng đi liền đó là rất nhiều thách thức và khó khăn.

Bên cạnh những rào cản về cạnh tranh từ quá trình hội nhập, các doanh nghiệp còn phải đối diện với những thách thức nội tại như năng lực chế biến chuyên sâu, chưa phát triển mạnh về thương hiệu.

Vì vậy, xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam dù nhiều về số lượng nhưng giá trị kim ngạch chưa tương xứng, lợi nhuận xuất khẩu phải chia sẻ qua nhiều khâu trung gian.

Nhận định từ các chuyên gia thương mại cho thấy, rào cản đầu tiên dẫn đến xuất khẩu nông sản sang thị trường EU gặp trở ngại là do thiếu tính liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.

Theo khảo sát, hiện có khoảng 70% nguyên liệu nông sản được thu mua từ nông dân, còn chỉ một tỷ lệ nhỏ là từ doanh nghiệp tự đầu tư hoặc mua từ các trang trại của nhà nước.

Tuy nhiên, các vùng nguyên liệu nông sản lại xa nhà máy chế biến, chi phí vận chuyển lớn, nguyên liệu không đảm bảo các yêu cầu chất lượng nên không thể chế biến xuất khẩu. Cũng bởi đặc điểm sản xuất nhỏ và tự phát, lại thiếu tính liên kết dẫn đến chất lượng nông sản của Việt Nam còn thấp.

Hơn nữa, người nông dân cũng chưa được hướng dẫn kỹ về các biện pháp xử lý trong trồng trọt và chăn nuôi. Khu vực trồng rau quả rải rác, phân tán, khó xử lý kỹ thuật... thu hoạch chưa đồng loạt, sản phẩm không đồng đều, gây khó khăn cho việc chế biến, xuất khẩu sang thị trường vô cùng khó tính như EU.

Đáng lưu ý, vẫn còn hiện tượng sử dụng các hóa chất không rõ nguồn gốc trong chế biến, bảo quản rau quả tươi. Không những thế, công nghệ sau thu hoạch của Việt Nam còn hạn chế, còn ít tiến bộ kỹ thuật về lĩnh vực này được chuyển giao đến nông dân.

Ngoài ra, việc thu hái và sơ chế bảo quản vẫn tiến hành thủ công, công nghệ bảo quản và phương tiện vận chuyển còn thiếu, dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lên tới 25 - 30%.

Đại diện Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho hay, Việt Nam đặc biệt có lợi thế về sản xuất và xuất khẩu nông sản nhiệt đới sang khu vực thị trường EU, do đây là khu vực không có điều kiện sản xuất những mặt hàng nông sản nhiệt đới.

Đặc biệt, khi Hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam bởi thuế hàng nông sản giảm sâu, tiếp cận 0-5% trong vòng 7 - 10 năm…

Tuy nhiên, EU là thị trường rất đề cao giá trị ẩm thực, chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm và có quy định rất cao, chặt chẽ về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu, nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng nông sản.

Bà Miriam Garcia Ferrer, Truởng ban kinh tế và thương mại Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho biết Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn rất nhiều so với nhập khẩu từ châu Âu. Do vậy, với sự ra đời của EVFTA và hàng rào thuế quan được hạ xuống, cơ hội mang lại cho cả hai nước là rất lớn.

Nói về các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, bà Miriam Garcia Ferrer nhận định “EU có lịch sử nhập khẩu nông sản rất lâu và với số lượng lớn từ các quốc gia như Australia, Nhật Bản… Vì vậy EU phải đặt ra một quy chuẩn chung. Quy định phải được xác định bởi các quốc gia thành viên và Ủy ban Châu Âu. Do đó, chúng tôi không có cơ chế đặc thù cho bất cứ quốc gia nào xuất khẩu nông sản sang EU, và không có chuyện một quốc gia được đặc cách xuất khẩu những sản phẩm dưới tiêu chuẩn”.

Ông Alexandre Bouchot, Tham tán Nông nghiệp của Pháp, đề xuất cần phân cấp thực hiện trong quản trị chính sách lương thực. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và thực phẩm nông nghiệp cũng như quan tâm đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem