Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: Muốn thành lập các chi hội nghề nghiệp trồng cà phê sạch

Nguyên Vỹ Thứ bảy, ngày 04/03/2023 19:16 PM (GMT+7)
Để tăng giá trị cho cà phê Việt, trong nước cần tạo được nhiều chuỗi liên kết, mỗi bên có một vai trò nhất định để cùng tạo ra giá trị chung, đừng đổ hết trách nhiệm cho nông dân.
Bình luận 0

Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?

Tại hội thảo "Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?" do Báo Người Lao Động phối hợp tổ chức tại TP.HCM chiều ngày 4/3, bà Cao Xuân Thu Vân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cho rằng lâu nay, có nhiều quan điểm đang đổ dồn hết trách nhiệm cho nông dân. Ví dụ như chậm thay đổi tư duy sản xuất, không giữ chữ tín trong kinh doanh... nhưng chuyện này chỉ đúng một phần, chứ không hoàn toàn như vậy.

Phó Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân cũng nói rằng hội thảo lần này thiếu tiếng nói của người nông dân trực tiếp trồng cà phê. 

Hội thảo "Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?" tại TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân phát biểu tại Hội thảo "Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?" tại TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

"Trong những chuyến công tác mới đây, tôi nghe nông dân bày tỏ nhiều điều lắm. Họ đặt ngược lại câu hỏi: Chúng tôi trồng theo quy trình hữu cơ thì ai bảo hộ?", Phó Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân kể.

Với cà phê, bà Vân cho rằng cần thiết phải liên kết sản xuất. Bà chia sẻ bản thân đã nhìn thấy có nhiều mô hình liên kết rất hay. Ở đó, hợp tác xã – nhà cung cấp giống – nhà cung cấp vật tư – nhà cấp vốn  – kỹ sư – nhà tiêu thụ cùng liên kết với nhau, để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm.

"Với cà phê, tôi cũng mong muốn tạo được nhiều chuỗi liên kết, mỗi bên có một vai trò nhất định, để cùng nhau tạo ra giá trị chung", Phó chủ tịch Hội Nông dân nói.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Thu Vân đề nghị Việt Nam cần chọn thương hiệu cà phê mang tính đại diện, thay vì từng vùng, từng tỉnh. Thứ nữa là các doanh nghiệp cần quan tâm đến thị trường trong nước. Nhiều người bàn chuyện cà phê sạch để xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ,… mà quên rằng người Việt Nam cũng cần uống cà phê sạch.

Bà Cao Xuân Thu Vân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam mong muốn tạo được nhiều chuỗi liên kết trong ngành cà phê. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Cao Xuân Thu Vân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, mong muốn tạo được nhiều chuỗi liên kết trong ngành cà phê. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Vân mong muốn Hội Nông dân Việt Nam được làm bạn với các ngành hàng, cùng thành lập các chi hội nghề nghiệp, cùng tổ chức lại sản xuất sạch.

"Mong doanh nghiệp chấp nhận đầu tư dài hơi, đồng hành cũng nông dân trong việc xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn cao", Phó Chủ tịch Vân chia sẻ.

Chung tay liên kết để tăng giá trị cho cà phê Việt

Ông Thái Như Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, cho biết, hiện tổng diện tích trồng cà phê của cả nước khoảng 710.000ha. Tuy nhiên, diện tích thu hoạch chỉ khoảng 650.000ha và chế biến sâu với tỉ lệ rất thấp.

Nông dân trồng cà phê ở Lâm Đồng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nông dân trồng cà phê ở Lâm Đồng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo ông Hiệp, ở nhiều quốc gia, cà phê đều được bảo hộ nhưng cà phê Robusta của Việt Nam lại hoàn toàn chưa có được bảo hộ. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần phải bảo hộ, tăng giá trị cho người sản xuất, nhất là 5 tỉnh Tây Nguyên là trọng điểm của loại cà phê này.

Nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên hiện chiếm số lượng đông đảo nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận công nghệ và vốn. Trong đó, chính sách tín dụng nông nghiệp là nút thắt rất lớn cần tháo gỡ.

Đồng thời, các doanh nghiệp phải phát huy vai trò đầu tàu hỗ trợ cho các HTX, cho người nông dân, nhất là bao tiêu sản phẩm.

"Tất cả phải cùng chung tay để liên kết trong chuỗi giá trị cà phê hoàn chỉnh, thì mới hy vọng giúp đỡ nông dân, tạo chỗ đứng cho thương hiệu của Việt Nam", ông Hiệp nhấn mạnh.

Ông Thái Như Hiệp cho biết, nông dân trồng cà phê gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận công nghệ và vốn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Thái Như Hiệp cho biết, nông dân trồng cà phê gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận công nghệ và vốn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo Bộ NNPTNT, cà phê luôn là cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam trong nhiều năm qua, hiện đứng thứ 2 cả nước về diện tích. Ngành cà phê đóng góp 3% GDP cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600.000 hộ nông dân.

Gần đây, dù kinh tế thế giới có nhiều thời điểm gặp khó khăn, dẫn đến sức mua sụt giảm, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cà phê ở mức đáng khích lệ.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê cao kỷ lục, đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2021. Tuy nhiên, kim ngạch tăng chủ yếu đến từ lợi thế về giá trong bối cảnh thế giới thiếu hụt nguồn cung cà phê.

Hội thảo Tăng giá trị cho cà phê Việt nằm trong chương trình Tôn vinh cà phê Việt lần thứ 1 năm 2023, nhằm chung tay nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế và kiến tạo vị thế quốc tế cho cà phê Việt.

Chương trình đồng thời làm nhịp cầu hỗ trợ kết nối giao thương cho các doanh nghiệp; truyền thông và tiếp thị sản phẩm, thương hiệu cà phê; đưa cà phê và văn hóa cà phê lên tầm cao mới, xứng đáng với vai trò, vị thế của loại thức uống phổ biến này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem