Đề xuất cha mẹ tham gia BHXH, con được hưởng trợ cấp: Nhân văn nhưng không thể thực hiện!

Thùy Anh Thứ ba, ngày 08/06/2021 06:00 AM (GMT+7)
Đề xuất cha mẹ tham gia BHXH, con nhỏ được hưởng trợ cấp trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có thể được xem là một trong những điểm được quan tâm nhất. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng không thể áp dụng điều này vì sai nguyên tắc của bảo hiểm xã hội.
Bình luận 0

Đề xuất trợ cấp cho con có cha mẹ tham gia BHXH bắt buộc không phù hợp thực tiễn

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động cho rằng: "Vấn đề gì hợp lòng dân, lợi cho dân cũng tốt. Thế nhưng về khoản trợ cấp cho trẻ có bố mẹ tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) lại không phù hợp".

Lý do bà Hương đưa ra là, nguyên tắc thực hiện bảo hiểm xã hội là: Đóng - hưởng. Tức là có đóng thì có hưởng. Tất cả những chính sách được thiết kế đều phải dựa trên nguyên tắc này. Không thể lấy nguyên tắc trợ giúp xã hội để áp dụng cho nguyên tắc kinh tế.

"Vì thế việc đề xuất giải pháp trợ cấp cho con nhỏ dưới 6 tuổi có bố mẹ tham gia BHXH là không hợp lý. Lao động đóng thế nào thì được hưởng thế ấy, nhưng không thể bốc chính sách trợ cấp bỏ vào chính sách thụ hưởng. Trợ cấp xã hội là trợ cấp xã hội", bà Hương khẳng định.

Đề xuất cha mẹ tham gia BHXH con được trợ cấp là không khả thi

Dù giải pháp trợ cấp cho lao động tham gia BHXH có con nhỏ được xem là nhân văn nhưng chuyên gia cho rằng không khả thi. Ảnh: Công đoàn Bắc Ninh

Hơn nữa, theo đề xuất, chính sách trợ cấp chỉ được áp dụng cho nhóm người lao động có con nhỏ, mà lại phải tham gia BHXH bắt buộc. Điều này có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa những lao động có con lớn và lao động có con nhỏ, giữa nhóm lao động tham gia BHXH bắt buộc và lao động tham gia BHXH tự nguyện vốn đã được cho là nguyên nhân ngăn cản việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Bà Hương cho rằng: "Kể cả khi áp dụng chính sách trợ cấp cho lao động tham gia BHXH tự nguyện có con nhỏ thì chính sách này cũng không hợp lý và không tạo được độ bao phủ. Bởi đa phần người tham gia BHXH tự nguyện đều là người lớn tuổi (ngoài 40 tuổi). Lý do là bởi lúc còn trẻ người ta quá khó khăn, không có đủ điều kiện để tham gia BHXH. Lúc tham gia được con cũng đã lớn rồi. Vì thế hiệu quả tác động không lớn".

Giải pháp nào để mở rộng độ bao phủ BHXH mà vẫn giữ chân được người tham gia?

Trước câu hỏi lớn, bà Hương cho rằng thực tế có nhiều nhóm giải pháp. Ngoài những giải pháp hỗ trợ tiền đóng BHXH cho đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; thiết kế thêm chính sách hưởng cho nhóm tham gia BHXH tự nguyện; quy định thêm nhóm lao động phải đóng BHXH bắt buộc... thì có thể tính tới giải pháp cho lao động rút một phần lương hưu để lo cho cuộc sống trước mắt.

Nhiều lao động có con nhỏ gặp nhiều khó khăn, nhất trong đại dịch Covid -19, cần hỗ trợ. Ảnh: Công đoàn Bắc Ninh

Nhiều lao động có con nhỏ gặp khó khăn, nhất trong đại dịch Covid -19, cần hỗ trợ. Ảnh: Công đoàn Bắc Ninh

Bà Hương lấy ví dụ: "Có thể tính toán khoản lương hưu mà lao động có thể hưởng sau này, hoặc tính toán khoản tiền nếu lao động rút BHXH một lần. Sau đó, cho họ ứng hoặc rút trước 1 phần trong khoản trên, hoặc có thể cho lao động dùng khoản này như thẻ tín dụng có thể cầm, cắm vay nợ ngân hàng rồi trả chậm... Điều này có thể giúp lao động giải quyết những khó khăn trước mắt mà không phải rút BHXH 1 lần".

Bà Nguyễn Thị Lan Hương chuyên gia an sinh xã hội cho rằng không nên thực hiện trợ cấp cho trẻ em có bố mẹ tham gia BHXH. Ảnh: N.T

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - chuyên gia an sinh xã hội - cho rằng không nên thực hiện trợ cấp cho trẻ em có bố mẹ tham gia BHXH. Ảnh: N.T

Có thể nghĩ thêm nhiều giải pháp, nhưng phải thiết kế dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng và phải gắn với bản chất của BHXH. Không nhầm lẫn khái niệm bảo hiểm và trợ cấp.

Bà Hương cho rằng, nên thiết kế một sàn an sinh tối thiểu để lao động, ai cũng có thể tham gia. Ai tham gia cũng đều được hưởng quyền lợi như nhau. Chứ không thể có sự phân biệt như hiện giờ giữa người tham gia BHXH bắt buộc và người tham gia BHXH tự nguyện.

Ngày 2/6 vừa qua, Bộ LĐTBXH đã hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động về Dự thảo sửa đổi Luật BHXH.

Theo đó, dự thảo đề xuất bổ sung quy định về chế độ trợ cấp trẻ em là một trong các chế độ BHXH bắt buộc. Cụ thể: "Người tham gia BHXH bắt buộc mà có con dưới 6 tuổi thì được hưởng trợ cấp hằng tháng tính trên mỗi con cho đến khi con đủ 6 tuổi. Giải pháp này nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách, tăng thêm quyền lợi ngắn hạn, trước mắt là để giữ chân người lao động (nhất là lao động trong độ tuổi nuôi con nhỏ) ở lại hệ thống, hạn chế hưởng BHXH một lần".

Nếu thực hiện giải pháp này thì cần nâng tỷ lệ đóng BHXH. Điều này khó khả thi vì theo tính toán, nếu áp dụng mức trợ cấp từ 350.000 đồng/tháng vào năm 2018, sau đó hằng năm điều chỉnh tăng dần theo lạm phát cho tới khi mức hưởng là 560.000 đồng/tháng vào năm 2030 thì cần quy định tỷ lệ đóng góp cho chế độ này là 3% trong giai đoạn 2018 - 2030. Trường hợp quy định độ tuổi trẻ em được hưởng trợ cấp là từ 0 đến dưới 6 tuổi, tỷ lệ đóng góp cần thiết là 1%.

Dự kiến nếu thực hiện, ngân sách nhà nước sẽ phải chi thêm khoảng 7.074 tỷ đồng/năm cho khoản này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem