Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm cho Thành phố Buôn Ma Thuột "đừng nghĩ cao siêu"

Thành An Thứ bảy, ngày 24/09/2022 15:29 PM (GMT+7)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, lần đầu tiên xin Quốc hội cơ chế đặc thù cho một thành phố (Buôn Ma Thuột) trực thuộc tỉnh (Đắk Lắk) nhưng chính sách ở dự thảo nêu "hẻo quá", "đừng nghĩ cao siêu quá mà phải thiết thực, cụ thể".
Bình luận 0

Tiếp theo chương trình làm việc, ngày 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Buôn Ma Thuột ( tỉnh Đắk Lắk).

Cân nhắc việc miễn thuế cho chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại Buôn Ma Thuột 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là lần đầu xây dựng cơ chế đặc thù cho đơn vị hành chính cấp huyện, nên Chính phủ xây dựng dự thảo nghị quyết cơ chế đặc thù cho tỉnh Đắk Lắk như đã áp dụng tại một số địa phương khác.

Tuy nhiên các chính sách đặc thù cho tỉnh Đắk Lắk chỉ thực hiện trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột trong thời gian 5 năm.

Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm cho Thành phố Buôn Ma Thuột "đừng nghĩ cao siêu" - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình. Ảnh: Phạm Thắng.

Theo dự thảo, Chính phủ đề xuất cho Đắk Lắk được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các nguồn tài chính khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp.

Mức này thấp hơn ngưỡng 60% hiện nhiều địa phương được áp dụng. Tổng mức vay và bội chi ngân sách của tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định.

Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số của TP.Buôn Ma Thuột khi xây dựng định mức, dự toán chi thường xuyên ngân sách năm 2023.

Về ưu đãi thuế, doanh nghiệp đầu tư tại TP.Buôn Ma Thuột sẽ được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm một nửa số thu thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp 9 năm tiếp theo...

Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm cho Thành phố Buôn Ma Thuột "đừng nghĩ cao siêu" - Ảnh 2.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng.

Đáng chú ý, dự kiến đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại TP.Buôn Ma Thuột trong thời gian thực hiện nghị quyết được miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ công việc phát sinh tại đây.

Thống nhất mức độ ưu đãi là hợp lý, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường đề nghị cần cân nhắc thêm tính thực tiễn của chính sách này.

Bởi với sự phát triển của khoa học, công nghệ, các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt hiện có thể làm việc từ xa và không nhất thiết phụ thuộc vào nơi cư trú.

Việc ưu đãi thuế thu nhập cá nhân theo nơi cư trú không thu hút được nhân tài một cách lâu dài mà lại gây bất bình đẳng và mất số thu...

Thành phố thuộc tỉnh nhưng chính sách đề xuất "chưa đột phá", "hẻo quá"

Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng những chính sách đặc thù thí điểm cho TP Buôn Ma Thuột "chưa đột phá, còn rập khuôn, lối mòn và chưa có tính lan tỏa vùng miền".

Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm cho Thành phố Buôn Ma Thuột "đừng nghĩ cao siêu" - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có ý kiến tại phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng.

Có ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình huệ bày tỏ thống nhất với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra khi "lần đầu tiên xin Quốc hội cơ chế đặc thù cho một thành phố trực thuộc tỉnh", nhưng ông Huệ cũng băn khoăn chính sách ở dự thảo nêu "hẻo quá", bởi Buôn Ma Thuột là thành phố lớn nhất của Tây Nguyên, đô thị miền núi có dân số đông nhất...

Đừng nghĩ cao siêu quá mà phải thiết thực, cụ thể

Gợi ý một vài nội dung để nghiên cứu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Buôn Ma Thuột là thủ phủ cà phê của Tây Nguyên nhưng chế biến sâu còn hạn chế, phần lớn xuất thô hoặc chế biến sơ bộ rồi xuất khẩu...

"Nên chăng thí điểm chính sách gì đó cho phát triển chuỗi cà phê ở TP.Buôn Ma Thuột? Từ chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, tổ chức lễ hội, vấn đề tái canh? Một đề án thí điểm của Quốc hội ưu đãi cao nhất cho Buôn Ma Thuột về lĩnh vực này?", ông Huệ gợi mở và cho rằng, về nông sản chủ lực thì Việt Nam có thể tham gia tích cực vào chuỗi giá trị của toàn cầu, thậm chí có thể chủ động tạo ra chuỗi giá trị mới, mang tính dẫn dắt.

Nhấn mạnh văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đặc sắc ở Buôn Ma Thuột, là di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận, Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải nghĩ được ưu đãi, đề xuất ưu tiên cái gì để duy trì và phát triển mạnh di sản này. "Đừng nghĩ cao siêu quá mà phải thiết thực, cụ thể", ông Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đồng tình với nhận xét rằng chính sách ưu đãi cho TP.Buôn Ma Thuột còn ít. Theo đó, ông sẽ cùng các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất chính sách ưu đãi để tăng thu hút đầu tư vào Buôn Ma Thuột, trong đó có chính sách ưu đãi phát triển chuỗi giá trị cà phê.

Cuối phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, nhất trí thông qua việc trình Quốc hội dự thảo nghị quyết tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem