Đề xuất đánh thuế nặng biệt thự bỏ hoang: Chặn đầu cơ, găm giữ đất

Trần Kháng Thứ tư, ngày 09/06/2021 09:06 AM (GMT+7)
Trước đề xuất của TP.Hà Nội về việc đánh thuế nặng đối với biệt thự bỏ hoang, không đưa vào sử dụng, các chuyên gia xây dựng, bất động sản đã có những ý kiến đóng góp.
Bình luận 0

TP.Hà Nội vừa đề xuất Bộ Tài chính phương án đánh thuế đối với biệt thự bỏ hoang, không đưa vào sử dụng. 

Đánh thuế 10% tổng giá trị biệt thự

Theo đề xuất, biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm biệt thự vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn đề xuất xử phạt hành chính chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt 10 - 20 triệu đồng/căn, đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua từ ngôi nhà thứ hai trở lên.

Đề xuất này được đưa ra khi tình trạng các khu đô thị "ma" xuất hiện ngày một nhiều, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, làm mất mỹ quan đô thị. 

Theo ghi nhận PV Dân Việt, dù có mức giá khiến các nhà đầu tư "bỏng tay", nhưng nhiều biệt thự, liền kề ở các khu đô thị sản phía Tây Hà Nội rơi vào cảnh bỏ hoang, để cỏ mọc.  

Đơn cử như, tại khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội), trái ngược với khu chung cư nhộn nhịp, nhiều căn biệt thự, nhà liền kề được xây dựng hơn 10 năm nay tại dự án này nhưng vẫn không một bóng người vào ở. Nhiều căn biệt thự rêu cỏ mọc um tùm, phía bên trong đầy các loại rác, thậm chí có cả kim tiêm.

Đề xuất đánh thuế nặng biệt thự bỏ hoang - Ảnh 2.

Hàng loạt biệt thự, liền kề Khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) bỏ hoang, để cỏ mọc. (Ảnh: Trần Kháng).

Tương tự như khu đô thị Nam An Khánh, hàng loạt căn biệt thự, nhà liền kề tại khu đô thị Ledico (ở Trạm Trôi, huyện Hoài Đức), khu đô thị Vân Canh (huyện Hoài Đức), khu đô thị Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) đang bị bỏ hoang. Giá bán các căn biệt thự, liền kề bỏ không tại khu đô thị này từ 10 tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại dự án Khu nhà ở cao cấp Ngôi nhà mới (thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai) có 326 căn biệt thự, được xây dựng từ năm 2011. 

Theo thống kê của Phòng Quản lý đô thị huyện Quốc Oai, dự án Khu nhà ở cao cấp Ngôi nhà mới đến nay mới có hơn 60 căn nhà được đưa vào sử dụng, còn hơn 260 căn xây dựng dở dang trong đó, hơn 40 căn đến tháng 4/2021 mới bắt đầu được khởi công.

Chặn đầu cơ, lãng phí tài nguyên đất

Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến chuyên gia nhận định, việc đánh thuế đối với nhà đất bỏ hoang là cần thiết.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bày tỏ, việc tăng thuế nhà đất là giải pháp hữu hiệu để hạn chế đầu cơ. Nhiều nước trên thế giới đang áp dụng việc đánh thuế nhà đất rất cao, nhà đất càng không được sử dụng càng bị đánh thuế mạnh. Như vậy không ai dám đầu cơ, người có nhà buộc phải đến ở hay cho thuê.

"Ở ta cũng nên tăng thuế nhà đất vì với nền kinh tế thị trường không thể dùng các biện pháp hành chính đơn thuần. Cần đánh thuế nhà đất ở mức 1%/năm. Thuế nhà đất như hiện nay chỉ ở mức 0,15% giá trị sẽ không thể chống được đầu cơ", GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Đề xuất đánh thuế nặng biệt thự bỏ hoang - Ảnh 3.

Dãy nhà liền kề tại Khu đô thị Vân Canh (Hoài Đức) đang bỏ hoang nhiều năm nay. (Ảnh: Trần Kháng).

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản  Việt Nam cũng cho rằng, biệt thự bỏ hoang là sự lãng phí cả về sử dụng đất, công trình và mất mỹ quan đô thị. 

Tại Hà Nội, không ít dự án không có người sử dụng, chứ không chỉ một vài căn. "Biệt thự bỏ hoang chỉ là một phần, lãng phí nhất chính là đất bỏ hoang, bị găm giữ. Vì vậy, theo ông nên đánh thuế cao để tránh lãng phí tài nguyên đất", ông Đính nói.

Trong buổi làm việc với Bộ Xây dựng mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu cần có chính sách điều tiết thị trường bất động sản bằng quản lý nhà nước, bằng cơ chế thuế, tránh tình trạng dòng vốn chỉ chảy vào chung cư cao cấp, biệt thự, mua để đấy không sử dụng...

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên phương án đánh thuế đối với nhà bỏ hoang được đề xuất. Năm 2011, Bộ Tài chính đã từng đề xuất 3 phương án tính thuế đối với biệt thự bỏ hoang. Phương án 1, quy định nếu sau khi xác định biệt thự nào bỏ hoang, không sử dụng thì thu theo một tỷ lệ nhất định. Ví dụ, sau 3 tháng thu 5% trên tổng giá trị biệt thự, sau 6 tháng thu 10%...

Phương án 2, ngày 1/1.2012, khi luật Sử dụng đất phi nông nghiệp bắt đầu có hiệu lực thì có thể căn cứ vào quy định đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo đúng quy định áp dụng mức thuế suất 0,15% tổng giá trị (diện tích đất tính thuế x giá trị 1 m2 đất).

Phương án 3 là căn cứ vào quy định xử lý vi phạm luật Đất đai, người nào lấn chiếm đất đai, không sử dụng đất hoặc sử dụng không đúng mục đích sẽ bị xử phạt hành chính. Ví dụ, nếu không đưa vào sử dụng trong 6 tháng thì bị phạt 20 - 30 triệu đồng, 6 tháng sau không dùng thì phạt tiếp đến khi hoàn thiện đưa vào sử dụng, cho thuê, cho mượn thì thôi.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem