Đề xuất đưa mặt hàng thịt lợn vào danh mục "hàng bình ổn giá"

An Linh Thứ ba, ngày 23/05/2023 16:56 PM (GMT+7)
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Giá sửa đổi, Uỷ an tài chính - Tài chính Quốc hội đề xuất đưa thịt lợn vào một trong 10 mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá của Luật Giá sửa đổi.
Bình luận 0

Đề xuất đưa thịt lợn, sữa cho người cao tuổi vào danh mục hàngg bình ổn giá!

Chiều 23/5, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh đã trình bày báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý Dự án Luật Giá (sửa đổi).

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, mặt hàng thịt lợn có nhu cầu lớn, cơ bản, thiết yếu với người dân nếu gặp sự cố về dịch bệnh, cung ứng sẽ ảnh hưởng lớn đến người dân. Chính vì vậy, sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội "bổ sung thịt lợn vào danh mục các mặt hàng khác sẽ thực hiện bình ổn trong điều kiện khẩn cấp".

Về ý kiến của một số ĐBQH đề nghị bổ sung sữa dành cho người cao tuổi và thịt lợn (thịt heo) vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá để đảm bảo cơ sở triển khai trong các trường hợp cũng như đáp ứng yêu cầu thực tiễn, qua rà soát, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy các mặt hàng này đáp ứng tiêu chí hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá quy định tại Dự thảo Luật.

Đề xuất đưa mặt hàng "thịt lợn" vào danh mục "hàng bình ổn giá"! - Ảnh 1.

Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đề nghị đưa mặt hàng thịt lợn, sữa cho người cao tuổi vào danh mục hàng bình ổn giá (Ảnh: Q.H)

Đại diện Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho biết, sữa dành cho người cao tuổi là mặt hàng tương đồng với sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi, đều hướng đến các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Đối với mặt hàng thịt lợn (thịt heo), đại diện Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, thời gian trước đây có nhiều biến động và có tỉ trọng lớn trong tiêu dùng, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Hiện Luật Giá hiện hành quy định 11 hàng hóa, dịch vụ gồm: Xăng, dầu thành phẩm; điện; khí dầu mỏ hóa lỏng; phân đạm, phân NPK; thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật; vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; muối ăn; sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi; đường ăn bao gồm đường trắng và đường tinh luyện; thóc, gạo tẻ thường; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật. 

Theo báo cáo của Chủ nhiệm Uỷ ban TCNS, qua rà soát, đánh giá tình hình thực hiện trong thời gian qua và so với các tiêu chí tại Khoản 1 Điều 17 Dự thảo Luật: Hàng bình ổn là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân cho thấy một số mặt hàng không còn phù hợp.

Về quan điểm giá điện bổ sung vào danh mục hàng bình ổn giá, Uỷ ban Tài chính- Ngân sách cho rằng: Điện hiện thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (kể cả giá bán lẻ, bán buôn cũng như tại các khâu phát, truyền tải…). Việc định giá, điều chỉnh giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền định giá quyết định nên về cơ bản đã bao quát các mục tiêu về ổn định giá cả, tác động đến đời sống người dân, doanh nghiệp cũng như chính phương án kinh doanh của doanh nghiệp điện.

Chính vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho đưa mặt hàng này ra khỏi Danh mục bình ổn giá.

Liên quan đến quỹ bình ổn xăng dầu, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - NGân sách cho rằng, nhiều ý kiến tán thành duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu, một số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Có ý kiến đề nghị lấy ý kiến Nhân dân về sự cần thiết duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, trong điều kiện hiện nay nên duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu vì Quỹ bình ổn giá xăng dầu là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay việc bỏ Quỹ là chưa phù hợp vì khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, còn có sự điều hành của Nhà nước; khi quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở; khi chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài; khi lượng dự trữ xăng dầu còn mỏng. 

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thực tế thời gian qua cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì Quỹ bình ổn đã phát huy vai trò "điều hòa", góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động giá, từ đó giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem