Đề xuất chi hơn 760 tỷ đồng làm đường vào nhà máy xử lý rác ở TP.HCM

Vũ Quyền Thứ tư, ngày 12/04/2023 07:31 AM (GMT+7)
Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM đề xuất kinh phí hơn 760 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng, làm đường vào nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi.
Bình luận 0

Theo Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, vị trí đề xuất xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng do Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) đề xuất, chưa thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và không có tuyến đường để kết nối từ ranh dự án với hạ tầng khu vực.

Do đó, cần phải triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng với quy mô khoảng 16,36ha, trong đó diện tích xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng khoảng 10,4ha, diện tích bồi thường để xây dựng đường khoảng 5,96ha.

Đề xuất hàng trăm tỷ làm đường vào nhà máy xử lý rác ở TP.HCM - Ảnh 1.

Mỗi ngày người dân TP.HCM thải ra khoảng 10.000 tấn rác sinh hoạt, nhưng số rác này xử lý bằng các chôn lấp là chủ yếu. Ảnh: Trần Đáng.

Dự toán kinh phí cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư và xây dựng đường vào nhà máy tổng cộng khoảng hơn 760 tỷ đồng. Trong đó, hơn 440 tỷ đồng dùng để bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 16,36ha, còn lại hơn 322 tỷ xây dựng đường.

Tuyến đường này dài hơn 2,2km, đường trục chính rộng 24m, đường nội bộ rộng 17m.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, sớm có mặt bằng và đảm bảo hạ tầng kết nối giao thông để nhà đầu tư thuận tiện triển khai thi công xây dựng, Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM kiến nghị UBND thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, chấp thuận đưa hạng mục bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng đường vào nhà máy vào dự án PPP.

Cụ thể, dự án thành phần 1 gồm bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư và làm đường vào nhà máy với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 760 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức đầu tư công, nguồn vốn từ ngân sách thành phố.

Dự án thành phần 2 gồm xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 4.821 tỷ đồng (theo hồ sơ của REE cung cấp) thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng – thuê dịch vụ – chuyển giao (BLT).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem