Thiếu cát làm đường cao tốc ở ĐBSCL: Đề xuất khai thác cát cồn (Bài 3)

Huỳnh Xây Thứ ba, ngày 07/02/2023 08:16 AM (GMT+7)
Tiến sĩ Dương Văn Ni - chuyên gia nghiên cứu Đại học Cần Thơ đề xuất khai thác cát cồn làm đường cao tốc ở ĐBSCL. Theo tiến sĩ, cát cồn là vật liệu cung cấp tốt nhất trong điều kiện cấp bách.
Bình luận 0

Có thể khai thác cát cồn làm đường cao tốc

Cũng như Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL, Tiến sĩ Dương Văn Ni - chuyên gia nghiên cứu Đại học Cần Thơ cho rằng, báo chí cần tuyên truyền cho các nhà quản lý là đừng khai thác cát biển vì đây là "đôi chân" của đồng bằng.

Thiếu cát làm đường cao tốc ở ĐBSCL: Đề xuất khai thác cát cồn (Bài 3) - Ảnh 1.

Tiến sĩ Dương Văn Ni - chuyên gia nghiên cứu Đại học Cần Thơ đề xuất khai thác cát cồn làm đường cao tốc ở ĐBSCL. Ảnh: Huỳnh Xây

"Chúng ta chặt đôi chân rồi thì sau này cơ thể chúng ta phải bò, bởi không có chân mà đi. Nếu chặt đôi chân rồi thì dù có khỏe mạnh thì cũng là cơ thể tàn tật" - ông Ni nhấn mạnh.

Ông Ni cũng nhận định, hiện nay, không còn cát về ĐBSCL nữa. Do vậy, việc khai thác cát dưới sông không nên tiếp tục thực hiện. Bởi khi khai thác cát sẽ làm đáy sông lớn sâu xuống và nó sẽ làm cho các con sông nhỏ chung quanh xuống sâu theo và gây sạt lở, rất khó để khắc phục và tốn khá nhiều chi phí.

Vì vậy, ông Ni đề xuất khai thác cát cồn để làm đường cao tốc vùng ĐBSCL. Theo ông Ni, cát cồn là vật liệu cung cấp tốt nhất cho các đường cao tốc trong điều kiện cấp bách.

Ông Ni phân tích, trong văn hóa ở miền Tây, người dân dùng 2 từ rất phân biệt là cồn và cù lao. Về mặt địa chất, cồn là do cát bồi lên từ từ ở một khu vực nào đó trên sông, đến một lúc nào đó nhô lên khỏi mặt nước, còn cù lao là đất liền nhưng bị dòng nước chảy một thời gian làm tách phần đất liền ra giữa sông. Do đó, đất cù lao giống như đất của đất liền, còn đất cồn là hoàn toàn khác.

Để có thể sử dụng cát cồn làm đường cao tốc vùng ĐBSCL, theo ông Ni, phía Viện Khoa học thủy lợi có thể dùng thiết bị máy móc khảo sát. Đây là nguồn dự trữ cát rất nhiều, tích tụ qua rất nhiều năm, có thể khai thác giúp cho sự phát triển kinh tế của đồng bằng.

Về quá trình hình thành các cồn, ông Ni nói: "Khi chúng ta nhìn dòng sông như một sinh vật sống thì lúc này cát là một năng lượng. Khi cát ăn nhiều dinh dưỡng (cát về từ thượng nguồn sông Mê Kông qua các mùa lũ lớn - PV) thì sẽ tích tụ ở đâu đó và nó chính là các cồn cát trên các con sông hiện nay".

Và hiện nay, khi dòng sông không có cát về sẽ "đói ăn". Điều này dễ chứng minh khi ở ĐBSCL có nhiều cồn đang xảy ra tình trạng sạt lở và chuyện này đã được cảnh báo hơn 10 năm trước.

Thiếu cát làm đường cao tốc ở ĐBSCL: Đề xuất khai thác cát cồn (Bài 3) - Ảnh 2.

Vụ sạt lở bờ sông Cổ Chiên (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) xảy ra vào tháng 12/2022 gây thiệt hại 35 tỷ đồng. Ảnh: Huỳnh Xây

Ông Ni lưu ý, nếu sử dụng cát cồn làm đường cao tốc vùng ĐBSCL thì phải có chính sách di dời những hộ dân sống trên đó. Về phía cơ quan truyền thông phải cho người dân hiểu về ý nghĩa của chính sách cũng như cho người dân hiểu rằng, việc xây dựng nhà ở trên các cồn và ở gần mé sông là vô vùng nguy hiểm.

Nhiều quốc gia đã loại bỏ việc khai thác cát biển

Theo tính toán của Bộ GTVT, tổng nhu cầu cát đối với các dự án đường cao tốc trong khu vực ĐBSCL triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 47,81 triệu m3. Riêng dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khoảng 18,5 triệu m3.

Để giải quyết vấn đề về cát, Bộ TN&MT cùng với Bộ GTVT đã đi kiểm tra và làm việc với các địa phương vùng ĐBSCL. Qua đó, đề nghị các địa phương rà soát, nâng công suất các mỏ cát đã cấp phép khai thác và rà soát các khu vực chưa cấp phép để bổ sung nguồn cát.

Song song đó, để giải quyết vấn đề cát đắp nền cho dự án cao tốc ở ĐBSCL, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ TN&MT nghiên cứu triển khai thi công thử nghiệm cát biển sử dụng cho dự án đường cao tốc và các dự án hạ tầng giao thông khác khu vực ĐBSCL. Dự kiến sẽ có kết quả đánh giá vào cuối năm 2023. Vì vậy, trước mắt trong năm 2023 và 2024 nguồn vật liệu san lấp cho các dự án cao tốc chủ yếu vẫn là cát sông.

Liên quan đến việc nghiên cứu thử nghiệm cát biển làm đường cao tốc ở ĐBSCL, tại buổi tọa đàm với chủ đề "Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL và giải pháp nào cho tình trạng khan hiếm cát dưới góc nhìn chuyên gia và truyền thông" được tổ chức mới đây tại TP.Cần Thơ, ông Hà Huy Anh đến từ Dự án quản lý cát bền vững thuộc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) thông tin, theo báo cáo của Bộ TNMT, ở vùng biển Sóc Trăng có 1 tỉ m3 cát biển.

Tuy nhiên, theo ông Duy Anh, tham khảo từ các nghiên cứu quốc tế thì chúng ta cần cẩn trọng khi khai thác cát biển, đặc biệt là vùng gần bờ biển. Nếu khai thác cát biển sẽ tạo điều kiện cho sóng lớn đánh vào bờ biển rất nguy hiểm bởi bờ biển đang rất yếu (lượng cát đổ ra các cửa biển để bổ sung và bảo vệ cho các bờ biển bồi rất hạn chế và giảm theo thời gian).

Ngoài ra, ông Duy Anh còn cho hay, một bản đồ năm 2019 cho thấy, khoảng 68% bờ biển đã và đang đối mặt với nguy cơ xói mòn từ tỉnh Tiền Giang kéo dài đến Cà Mau. Thời gian qua, nhiều nước đã loại bỏ việc khai thác cát biển.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem