Đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng: "Có xoa dịu nổi... cơn khát?"

Minh Nguyệt Thứ hai, ngày 17/10/2022 09:38 AM (GMT+7)
Theo đề xuất, tiền lương cơ sở sẽ được tăng lên 1,8 triệu đồng thay vì 1,49 triệu đồng. Thông tin này được nhiều công chức, viên chức quan tâm.
Bình luận 0

Công chức, viên chức phấn khởi trước đề xuất tăng lương

Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương được 2 năm, Nguyễn Thị Diệp (Thanh Hóa) trúng tuyển trong kỳ thi công chức cấp bộ và được nhận vào làm việc ở vị trí chuyên viên. Công việc ngỡ như là niềm mơ ước của nhiều người, nhưng thực tế sau khi vào Diệp mới nhận ra không thú vị như cô tưởng.

"Lúc đầu em không đặt nặng vấn đề tiền lương, chỉ muốn thử sức ở một công việc tốt để được học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, với mức lương gần 4 triệu đồng em không thể đủ chi tiêu, lo cho cuộc sống sinh hoạt được", Diệp nói.

Khi nghe thông tin sắp được tăng lương, cô tỏ ra khá vui mừng. Nếu lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng thì tiền lương của em có thể được tăng thêm gần 1 triệu. Tuy không cao nhưng cũng thêm được chút ít để cải thiện cuộc sống. Cô dự tính, nếu lương vẫn không tăng, khả năng làm thêm 1-2 năm nữa sẽ xin nghỉ việc ra làm cho công ty nước ngoài. 

tăng lương

Đề xuất tăng lương công chức, viên chức lên 1,8 triệu đồng được cho là nỗ lực lớn của Đảng, Nhà nước. Ảnh: N.T

Sự lựa chọn của Diệp không phải là duy nhất bởi vì hiện nay có rất nhiều công chức, viên chức đang có ý định nghỉ việc vì tiền lương không đủ sống.

Mới đây, Bộ Nội vụ và một số đơn vị đã đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng. Nếu điều này được thông qua thì mức lương của người lao động sẽ được tăng lên đáng kể. Theo đó, mức lương thấp nhất cho công chức, viên chức có trình độ đại học vừa tốt nghiệp ra trường vào khoảng 4,2 triệu đồng/người/tháng, cao hơn khoảng 700 nghìn đồng so với mức lương hiện hành hiện nay.

Mức tăng lương vẫn còn thấp so với lương thị trường

Trao đổi với PV báo Dân việt, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động cho rằng mức tăng lương cơ sở mà các đơn vị đề xuất ở trên thực chất vẫn chưa đủ để xóa nhòa chênh lệch giữa lương khu vực công và khu vực tư, lương trong nhà nước và lương ngoài thị trường. Tuy vậy, nó cũng góp phần xoa dịu cơn khát về tiền lương của người lao động.

Bà Hương cho biết, điều tra mức sống dân cư lao động năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật có mức thu nhập 8,4 triệu đồng (trình độ Đại học) và 7,6 triệu đồng (cao đẳng). Nếu mỗi năm tăng lương bình quân 7%, thì năm 2022 này mức lương của lao động vừa tốt nghiệp đại học sẽ khoảng hơn 9 triệu đồng.

Trong khi đó, lương của một công chức vừa tốt nghiệp ra trường học đại học chỉ khoảng 3,5 triệu đồng. Mức lương này quá thấp so với mức lương thị trường đang trả hiện nay.

Nếu tăng lương cơ sở từ 1/7/2023 lên 1,8 triệu đồng thì tiền lương của công chức, viên chức có trình độ đại học vừa ra trường (hệ số 2,34) cũng sẽ tăng lên khoảng 4,2 triệu đồng, chưa bằng 50% mức lương thị trường đang có.

"Cần thực hiện cải cách tiền lương để đưa tiền lương về đúng giá trị thực, tạo động lực cho sự phát triển. Muốn cải cách thì cần có định nghĩa lại lao động lại khu vực công; thay đổi phương pháp tiếp cận lương; thay đổi cách tính lương, bỏ tính lương theo hệ số, tiền lương cơ sở, thay vào đó phải tính lương dựa trên vị trí việc làm và có tính tới đặc điểm yếu tố địa hình, vùng miền".

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động

Tuy nhiên, theo phân tích của bà Hương hiện nay mức bình quân hệ số tiền lương mà công chức, viên chức trong các đơn vị nhà nước đang hưởng là 3,6 triệu đồng (vì đa phần công chức, viên chức đã đi làm được cả chục năm). Nếu lấy hệ số lương 3,6 x 1,8 triệu đồng thì tiền lương trung bình của công chức đạt được là gần 6,5 triệu đồng. Mức này vẫn thấp hơn tiền lương ngoài thị trường gần 3 triệu đồng.

"Cần phải chia tiền lương theo vị trí việc làm có tính tới lương khuyến khích. Trong trường hợp lao động ở lâu năm thì có thể tính thêm lương vượt khung. Tiền lương này cũng cần được điều chỉnh theo giá CPI hàng năm đảm bảo không bị mất giá", bà Hương nói.

Cũng trao đổi với PV Báo Dân Việt chiều 16/10, ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, đáng lẽ chúng ta phải thực hiện cải cách tiền lương. Trong chủ trương của Nghị quyết 27/2018 cũng đã đặt ra mục tiêu trung ương, địa phương tạo nguồn cải cách tiền lương. Vấn đề này cũng được thực hiện, nhưng do dịch Covid-19 nên nguồn lực đã dồn để chống dịch. Vì thế, phải tập trung nguồn lực để chống dịch không thể cải cách tiền lương.

tăng lương

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng về lâu dài cần kiên định thực hiện mụa tiêu cải cách tiền lương. Ảnh: N.T

Bình luận về đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng đây là nỗ lực, cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước vì hiện nay chúng ta có tới 40.000 công chức, viên chức. Nếu tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng thì tiền lương cơ sở sẽ tăng thêm 20,8%. Tiền lương của công chức, viên chức, người lao động cũng được cải thiện đáng kể.

"Tuy vậy, chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu cải cách tiền lương để tiền lương đủ đáp ứng đời sống của công chức, viên chức", ông Lợi nói.

Theo ông Lợi đây chỉ là bước điều chỉnh tiền lương cơ sở, tiền lương khu vực công vẫn còn nhiều bất cập. Tiền lương của khu vực công vẫn thấp hơn lương tối thiểu 4 vùng ở khu vực tư. Bởi vậy, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục kiên định mục tiêu cải cách tiền lương vì "Đầu tư tiền lương là đầu tư cho con người và đầu tư cho phát triển".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem