Đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ nông dân

Thứ sáu, ngày 04/11/2011 09:17 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Các quy định pháp luật hiện nay còn phân tán, chưa đủ để bảo vệ quyền lợi của nông dân” - đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nói với phóng viên về đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ nông dân.
Bình luận 0

Xin ông cho biết lý do ông đề xuất Quốc hội xây dựng Luật Bảo vệ nông dân trong chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa XIII?

- Nông dân là lực lượng chiếm đa số trong dân số nước ta, nhưng trong những năm đổi mới vừa qua, họ chưa được thụ hưởng nhiều thành quả so với người dân thành thị. Vấn đề bức xúc nhất của nông dân hiện nay là mất đất sản xuất.

img
Các hành vi tác động đến nông dân đều cần được điều chỉnh (ảnh minh hoạ).

Ở một số vùng quê hiện nay chỉ còn ông bà già, thanh niên thì “tha phương cầu thực” khắp nơi vì không có công ăn việc làm ở quê. Nhiều khu công nghiệp đưa đến cho nông dân sự ô nhiễm; những làng “ung thư” xuất hiện nhiều nơi.

Hiện tại, chủ trương của Đảng và Nhà nước hiện nay là thúc đẩy đầu tư xây dựng nông thôn mới. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ có sự đóng góp quyết định của những người nông dân ở sau lũy tre làng. Nhưng bây giờ người ta được thụ hưởng ít nhất, cuộc sống dễ bị xâm phạm. Đó là lý do cần có Luật Bảo vệ nông dân.

Việc ông đề xuất xây dựng luật này có thể hiểu là các quy định pháp luật hiện nay chưa đủ để bảo vệ quyền lợi của nông dân?

- Đã có những quy định chung có điều chỉnh hành vi của mọi người, trong đó có nông dân. Nhưng hiện nay, chưa có quy định pháp luật riêng để bảo vệ nông dân. Trong khi đó, ở Trung Quốc cũng đã có Luật Bảo vệ nông dân. Tất cả các hành vi tác động đến nông dân đều được điều chỉnh theo luật này. Người ta bảo vệ người nông dân và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm trái luật đến quyền lợi nông dân.

Còn ở ta, ví dụ là tình trạng nông dân mất đất dẫn đến mất việc làm, bị ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe thì Luật Đất đai chỉ giải quyết được phần bảo vệ giải tỏa đất đai chứ không thể bảo vệ được quyền lợi của nông dân gắn liền với việc quản lý sử dụng đất, chuyển đổi nghề nghiệp và bảo vệ môi trường sống của bà con. Nếu xây dựng luật, Hội ND cũng chỉ giải quyết về mặt tổ chức của Hội chứ khó giải quyết được vấn đề rộng lớn của nông dân.

Ông có e ngại khi nhiều ý kiến cho rằng, nếu luật này được xây dựng thì tất cả những thành phần khác trong xã hội cũng yêu cầu phải có luật để điều chỉnh?

- Việc xây dựng Luật Bảo vệ nông dân là hoàn toàn hợp lý. Luật Bảo vệ nông dân thực chất là luật giúp thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, củng cố an ninh lương thực, an ninh kinh tế và cả an ninh trật tự xã hội và môi trường của đất nước.

Hiện nay, công nhân cũng đã có Luật Công đoàn, vì thế nông dân là thành phần quan trọng của xã hội nên cũng cần xây dựng luật riêng để bảo vệ họ.

img Nông dân là thành phần quan trọng của xã hội nên cũng cần xây dựng luật riêng để bảo vệ họ. img

Đại biểu Đỗ Văn Đương

Từng nhiều năm làm trong ngành kiểm sát, ông thấy thực tế vướng mắc gì khi xử lý những vụ án liên quan đến nông dân mà không có luật này?

- Khi còn là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Ninh Bình, tôi cũng đã xử lý một số vụ việc liên quan đến nông dân. Có vụ việc nông dân mất đất sản xuất phải đi khai thác đá để kiếm sống và liên quan đến việc sử dụng vật liệu nổ trái phép. Tuy nhiên, tôi chỉ đề nghị xét xử những người cầm đầu tổ chức sản xuất, mua chất nổ trái phép, còn với bị cáo là nông dân thì chỉ áp dụng các biện pháp giáo dục.

Ở Hải Dương, có dự án thu hồi đất của nông dân với giá 9 triệu đồng/sào nhưng sau đó, doanh nghiệp mua đi, bán lại hàng chục triệu/m2 khiến cho nông dân khiếu kiện kéo dài. Tôi đã đề nghị khởi tố vụ án này ra tòa vì sai luật. Ngay cả trong những vụ việc như vậy, Luật Đất đai cũng không đủ để xử lý vấn đề giải tỏa đền bù vì vấn đề ở đây không chỉ là giá đất, mà còn là vấn đề phát triển nông nghiệp, con người, văn hóa ở nông thôn.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem