Đến gói mì tôm cũng tăng giá mà giá thịt lợn vẫn thấp, mỗi tạ lợn hơi nông dân lỗ 300.000 - 400.000 đồng

Khánh Nguyên (ghi) Thứ tư, ngày 16/03/2022 09:59 AM (GMT+7)
Tác động của việc tăng giá xăng dầu đã đẩy giá nhiều loại hàng hóa thiết yếu tăng phi mã. Nhưng có một nghịch lý là giá thịt lợn lại giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi đã tăng đến lần thứ 10.
Bình luận 0

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, với việc giá thịt lợn lại có xu hướng giảm trong bối cảnh giá nhiều loại hàng hóa thiết yếu, giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt sẽ khiến hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gặp khó.

Đến gói mì tôm cũng tăng giá mà giá thịt lợn vẫn thấp, mỗi tạ lợn hơi nông dân lỗ 300.000 - 400.000 đồng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, với việc giá thịt lợn lại có xu hướng giảm trong bối cảnh giá nhiều loại hàng hóa thiết yếu, giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt sẽ khiến hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gặp khó.

Khảo sát giá nhiều mặt hàng thiết yếu những ngày qua cho thấy, giá của hầu hết các mặt hàng đều tăng, thậm chí gói mì tôm cũng tăng thêm vài nghìn đồng. Nhưng ngược xu thế tăng giá của nhiều loại hàng hóa thiết yếu, giá thịt lợn lại giảm. Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?

- Theo khảo sát của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, mấy ngày trở lại đây, giá lợn hơi trên thị trường đang giảm, nhất là đối với những con có trọng lượng lớn, từ khoảng 130kg trở lên.

Đơn cử như tại Đồng Nai, giá lợn hơi đối với những con có trọng lượng lớn trên 130kg/con có giá thấp nhất, chỉ 49.000 - 50.000 đồng/kg; loại 120kg có giá 50.000 - 53.000 đồng/kg; loại dưới 120.000 đồng/kg có giá 53.000 - 54.000 đồng/kg.

Trong khi đó, sức mua tại các chợ tiêu thụ rất chậm.

Mức giá này so với thời điểm các tỉnh miền Nam phải thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 đã tăng đáng kể nhưng vẫn còn thấp so với chi phí người dân bỏ ra trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng đều tăng, cước phí vận chuyển, thức ăn chăn nuôi cũng đã thiết lập mặt bằng giá mới.

Nguyên nhân khiến giá lợn hơi không thể tăng cao hơn là do nhu cầu tiêu dùng vẫn thấp, trong khi một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn giảm giá lợn hơi và đưa ra mức chiết khấu tốt cho các thương lái, đơn vị duy trì mua đều hằng ngày.

Đến gói mì tôm cũng tăng giá mà giá thịt lợn vẫn thấp, mỗi tạ lợn hơi nông dân lỗ 300.000 - 400.000 đồng - Ảnh 2.

Trong khi giá nhiều mặt hàng tăng, kể cả gói mì tôm cũng tăng vài nghin thì giá lợn hơi ở nhiều siêu thị lại giảm, gây khó khăn cho người chăn nuôi bởi giá thức ăn chăn nuôi đang tăng phi mã. Ảnh: N.Chương.

Do ảnh hưởng của giá xăng dầu, cước phí vận chuyển tăng, cộng với tác động của chiến sự Nga - Ukraine khiến giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục được các doanh nghiệp điều chỉnh lần thứ 10 kể từ cuối năm 2020 đến nay. Ông đánh giá như thế nào về lần tăng giá này với các hộ chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nông hộ nhất là khi giá thịt lợn lại không tăng?

- Với mức điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi lần này của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, người chăn nuôi đã khó càng thêm khó. Với giá lợn hơi như hiện tại, tôi ước tính nông dân thua lỗ 300.000 - 400.000 đồng/tạ lợn hơi.

Nếu mức giá thức ăn chăn nuôi vẫn tiếp tục tăng cao như hiện nay, trong khi giá thịt lợn vẫn ở mức thấp sẽ không thể khuyến khích các nông hộ, trang trại tái đàn. 

Trong bối cảnh nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu như hiện nay, lại thêm giá xăng dầu, cước vận chuyển tăng như hiện nay thì giá thức ăn chăn nuôi khó có thể giảm ngay.

Thống kê cho thấy, giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tháng 2/2022 đạt 199,4 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu 2 tháng đầu năm 2022 đạt 551,2 triệu USD. 

Trong tháng 1 năm 2022, Việt Nam nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu chủ yếu từ các thị trường: Achentina, Brazil, Mỹ,... 

Ông nhận định như thế nào về tình hình giá thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới?

- Chắc chắn chưa thể giảm được ngay, thậm chí còn có thể tăng thêm bởi nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Nga, Ukraine chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, trong khi giá xăng dầu, cước phí vận chuyển tăng khiến chi phí giá thành đội lên đáng kể.

Trước những khó khăn của người chăn nuôi như hiện nay, Hiệp hội có kiến nghị gì để hỗ trợ bà con tháo gỡ khó khăn không, thưa ông?

- Việc tăng giá xăng dầu, cước phí vận chuyển, giá các mặt hàng tăng phi mã giờ đã là vấn đề toàn cầu, không chỉ ở Việt Nam, có thể nói đó là tác động chung.

Với những người chăn nuôi, chúng tôi chỉ mong giá lợn hơi đảm bảo bình ổn, để bà con có động lực quay vòng tái sản xuất.

Thực tế, chăn nuôi nông hộ, trang trại vẫn rất quan trọng, nhưng nếu không có chính sách hỗ trợ nông hộ kịp thời, thì số hộ chăn nuôi sẽ giảm.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem