Đến kinh đô điện ảnh Hollywood cũng ảm đạm vì đại dịch Covid-19

23/03/2020 17:26 GMT+7
Đại dịch Covid-19 đang giáng đòn mạnh mẽ vào ngành công nghiệp giải trí Mỹ, khi các bộ phim điện ảnh, phim truyền hình liên tiếp bị hoãn hoặc hủy chiếu, gây tổn thất hàng tỷ USD.
Đến kinh đô điện ảnh Hollywood cũng ảm đạm vì đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Studio của hãng phim Universal (Hollywood) đóng cửa vì dịch Covid-19

Hầu hết các đại gia ngành công nghiệp giải trí Mỹ như Comcast, Walt Disney Company, AT & T… trong những năm qua đang vươn bàn tay ra nhiều lĩnh vực giải trí tích hợp bao gòm sản xuất và phân phối phim, kênh phát thanh, nhà hát, chương trình hòa nhạc, thậm chí cả bảo tàng, công viên chủ đề...

Nhưng giờ đây, khi đại dịch Covid-19 tràn đến, những công viên giải trí Disney không còn là nơi hạnh phúc nhất thế giới, các nhà hát Broadway không còn rực rỡ ánh đèn, những sân khấu âm nhạc không còn sôi động tràn ngập âm thanh và thậm chí, cả các phim trường sản xuất phim cũng không hoạt động. Tất cả nằm trong nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19 của Chính phủ Mỹ.

Ngành giải trí hiếm khi được coi là bằng chứng phản ánh sự suy thoái kinh tế, nhưng không phải trong hoàn cảnh hiện tại, khi dịch Covid-19 bùng phát khiến mọi hoạt động công cộng, mọi buổi biểu diễn đông người phải hủy bỏ, gây thiệt hại kinh tế khổng lồ. Các cổ phiếu lĩnh vực giải trí và truyền thông đã giảm mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ trong hai tuần qua, khi dịch bệnh bùng phát mạnh tại Mỹ buộc Tổng thống Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. 

"Đại dịch Covid-19 sẽ tác động rộng lớn đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế thế giới, nhưng ngành giải trí sẽ đặc biệt khó khăn", nhà phân tích truyền thông Hal Vogel dự đoán trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí giải trí Variety.

Đến kinh đô điện ảnh Hollywood cũng ảm đạm vì đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Đại lộ danh vọng của Hollywood gần như bỏ hoang

Các hãng phim Hollywood, những người khổng lồ trong ngành giải trí thế giới, đã đóng cửa gần như tất cả các chương trình điện ảnh và truyền hình đang được sản xuất, bao gồm những dự án triệu đô như “Mission Impossible 7" của Tom Cruise, "Fast & Furious 9" của Vin Diesel và "Black Widow" của Scarlett Johansson. Hàng ngàn diễn viên và thành viên đoàn làm phim đã trở về nhà cho đến khi cơn bão Covid-19 tan đi và chính phủ Mỹ cho phép các hoạt động bình thường trở lại. Kinh đô điện ảnh Hollywood 

Nhà sản xuất phim Hollywood Jeff Most chia sẻ với Tân Hoa Xã: “Chúng tôi đang phải đối mặt với khoảng thời gian hỗn loạn. Những nghệ sĩ và lao động làm việc trong ngành giải trí đa số là những người làm việc tự do, kiếm tiền từ các buổi biểu diễn, sự kiện…; phụ thuộc vào công việc để trang trải chi phí sinh hoạt. Do đó, có thể thấy đây là một khoảng thời gian khó khăn với họ”.

AMC và Regal đã đóng cửa tất cả các rạp chiếu phim của hãng trên toàn quốc, trong khi Cineplex chủ động giảm số lượng vé được bán trên mỗi rạp để tạo khoảng cách giữa các hàng ghế, giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Những nhân viên nhà hát nhạc, rạp phim thường là người mới gia nhập lực lượng lao động ngành. Hàng ngàn người trong số họ đang đứng trước nguy cơ mất việc cho đến khi các rạp chiếu, nhà hát mở cửa trở lại. 

Các liên hoan phim hàng đầu như LHP South by Southwest (SXSW) tại Austin, Texas và LHP Tribeca Film Festival ở New York cũng bị hủy bỏ khiến ngành công nghiệm phim ảnh rơi vào tình trạng hỗn loạn đầy căng thẳng.

Một số dự án phim bom tấn sắp công chiếu bao gồm Mulan của Disney với sự tham gia của nữ diễn viên Trung Quốc Lưu Diệc Phi, bom tấn kinh dị A Quiet Place của Paramount, No Time to Die của MGM cũng buộc phải lùi thời gian ra mắt đến cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021, khi nhu cầu phòng vé phục hồi trở lại. 

Arthur Sarkissian, một chuyên gia trong lĩnh vực phát hành phim cho hay việc lùi thời gian như vậy có thể gây ra những hệ quả to lớn . “Giả sử một hãng phim có 4 bộ phim được lên lịch ra mắt trong tháng 4, tháng 5 và tháng 6, rồi đột nhiên tất cả những kế hoạch bị phá hỏng. Họ phải xem xét lùi thời hạn chiếu ra xa hơn, và có nguy cơ phải cạnh tranh với những bộ phim bom tấn thu hút hơn nhiều.”

Để thỏa mãn nhu cầu giải trí cho công chúng khi người dân được khuyên cách ly tại nhà, một số hãng phim và nhà phân phối nhỏ đã phát hành phim trực tiếp trên các kênh phát trực tuyến theo yêu cầu hàng ngày, song song với công chiếu phim tại một số rạp vẫn mở cửa. NBCUniversal đang thực hiện kế hoạch tương tự với bộ phim “Trolls World Tour”.

Các tựa phim hấp dẫn như "Emma," "The Hunt" và "The Invisible Man", mặc dù vẫn đang được công chiếu ở rạp nhưng cũng mở chiếu thông qua các kênh phát trực tuyến để tiếp cận những người xem không muốn ra rạp khi dịch bệnh bùng phát. Dù vậy nhìn chung, triển vọng ngành công nghiệp giải trí Mỹ trong ngắn hạn là ảm đạm. 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục