Dệt may bất ngờ khan hiếm đơn hàng, khó đạt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD
Doanh nghiệp dệt may khan hiếm đơn hàng, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may nửa đầu năm 2019 tăng trưởng chậm.
Theo số liệu về tình hình xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may nửa đầu năm ước đạt 17,97 tỷ USD, tăng 8,61% so với cùng kỳ năm 2018 về thị trường xuất khẩu. Trong đó, hàng may mặc đạt 14.02 tỷ USD, tăng 8,61%. Mặt hàng vải đạt 1,02 tỷ USD, tăng 29,9%; các mặt hàng xơ, sợi đạt 2,01 tỷ USD, tăng 1,1%; vải địa kỹ thuật tăng 16,9%; phụ liệu dệt may giảm 0,29%.
Hiện, Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 7,22 tỷ USD, tăng 12,84% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 46,9%; tiếp đó là các nước CPTPP đạt 2,57 tỷ USD, tăng 11,13%, chiếm tỷ trọng 16,71%; EU đạt 2,05 tỷ USD, tăng 10,46%, chiếm tỷ trọng 13,36%; Hàn Quốc đạt 1,37 tỷ USD, tăng 5,59%, chiếm tỷ trọng 8,91%.
Theo ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp Việt Nam không được khả quan so với năm 2018; khan hiếm đơn hàng khá phổ biến. Lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, việc tiêu thụ sợi và phụ liệu gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê của Vitas, tình trạng khan hiếm đơn hàng cũng xảy ra đối với doanh nghiệp dệt may lớn như May 10, Nhà Bè, May Việt Tiến,... Các doanh nghiệp chỉ lo được đơn hàng đến quý III, chỉ có số ít doanh nghiệp lo được đơn hàng đến hết quý IV.
Ông Cẩm cho biết: “Năm nay, ban đầu tưởng thuận lợi đơn hàng nhưng thực ra lại khan hiếm. Đến thời điểm hiện tại, cũng có những doanh nghiệp lo được đơn hàng đến hết quý IV nhưng số đó không nhiều”.
Ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM nhận định, mức tăng 8,61% trong 6 tháng đầu năm 2019 là mức tăng trưởng chậm so với cùng kỳ năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng trưởng chậm là do các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn do lao động sụt giảm, chi phí tăng, trong khi đơn hàng vẫn có nhưng không nhiều như trước đây.
Không chỉ có các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, các quốc gia xuất khẩu dệt may như Ấn Độ, Indonesia... đều cũng rơi vào tình trạng tương tự khi các đơn hàng ngày càng khan hiếm, yêu cầu của khách hàng ngày càng cao, áp lực giảm giá trong khi các rào cản thương mại như thuế nhập khẩu, kiểm định chất lượng vẫn là một trở ngại lớn.
Để có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ đô la Mỹ cả năm 2019, ông Cẩm cho rằng, nửa cuối năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu phải đạt mức từ 11% trở lên và doanh nghiệp cần phải nỗ lực hơn nữa để có thể đạt được mục tiêu này.
Tại các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu dệt may với Việt, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dệt may nội địa được áp dụng nhằm thu hút đơn hàng như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu. Các chính sách giảm giá đồng nội tệ của Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Bà Hoàng Ngọc Ánh, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định khắt khe từ những nhãn hàng, người mua lớn; tuân thủ về yêu cầu chất lượng sản phẩm, cũng như bảo vệ quyền lợi của người lao động để ký thành công các đơn hàng.
Trong 6 tháng tới, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc phản ánh, đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện các văn bản pháp luật. Đồng thời, đóng góp ý kiến cho bản Dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam 2020-2030 của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, hiệp hội sẽ triển khai thêm nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hội thảo, tập huấn, đào tạo về chứng nhận xuất xứ, chương trình phát triển bền vững của ngành.