Di dân lịch sử ở Huế: Nhiều hộ chưa di dời, Chủ tịch tỉnh chỉ đạo nóng

TRẦN HÒE Thứ ba, ngày 02/06/2020 13:04 PM (GMT+7)
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu tháo gỡ những vướng mắc để đảm bảo tiến độ “cuộc di dân lịch sử”.
Bình luận 0

Về "cuộc di dân lịch sử" ở Huế, ngày 2/6, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ dự án.  

Di dân lịch sử ở Huế: Nhiều hộ chưa di dời, Chủ tịch tỉnh chỉ đạo nóng   - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ trò chuyện với người dân thuộc diện di dời khỏi di tích Kinh thành Huế.

Tại cuộc họp về công tác giải phóng mặt bằng, di dời dân cư khu vực Kinh thành Huế diễn ra sáng 2/6, UBND TP.Huế cho biết, đến thời điểm hiện tại khu vực Thượng Thành đã có 211 hộ bàn giao mặt bằng, còn lại 78 hộ (61 hộ chính, 17  hộ phụ) chưa bàn giao. Các hộ chưa bàn giao mặt bằng do các nguyên nhân như chưa thuê được nhà ở tạm cư, mới nhận đất tái định cư bổ sung, đang đề nghị bổ sung tái định cư... Trong đó, có 6 hộ đang vướng mắc về chính sách liên quan đến nguồn gốc đất thừa kế, sử dụng vào mục đích thờ tự và các trường hợp hộ phụ có sinh sống nhưng không có hộ khẩu tại thửa đất thu hồi.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu UBND TP.Huế rà soát lại thật kỹ và phối hợp với các sở ngành tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ di dời dân. Ông Thọ chỉ đạo trong quá trình giải phóng mặt bằng phải đảm bảo quyền lợi chính đáng cho dân nhưng không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi.

Về các trường hợp không nằm trong khung chính sách do những vướng mắc, vượt thẩm quyền của tỉnh, ông Phan Ngọc Thọ yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động tham mưu cơ chế để tỉnh xin ý kiến của Bộ TNMT, Thủ tướng Chính phủ nhằm sớm trả lời cho dân.

Di dân lịch sử ở Huế: Nhiều hộ chưa di dời, Chủ tịch tỉnh chỉ đạo nóng   - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cùng những hộ dân nghèo thuộc "cuộc di dân lịch sử" thực hiện nghi thức khởi công xây dựng nhà mới.

"Làm sao phải thấu đáo, hết trách nhiệm với dân, đảm bảo quyền lợi cho người dân nhưng phải đảm bảo pháp luật. Nếu các hộ nào không chấp hành theo pháp luật thì sẽ cưỡng chế để đảm bảo tiến độ của dự án"- ông Thọ nhấn mạnh.

Theo ông Thọ, cùng với việc đảm bảo tiến độ di dời, giải phóng mặt bằng khu vực Thượng Thành, UBND TP.Huế phải thực hiện song song công tác thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư các khu vực khác để sau khi hoàn thành việc di dời khu vực Thượng Thành sẽ tiến hành ngay di dời các khu vực còn lại.

Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế là "cuộc di dân lịch sử" của tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự án được thực hiện nhằm di dời, giải phóng mặt bằng 4.201 hộ dân với tổng mức đầu tư 4.097 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng là 2.735 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư là 1.362 tỷ đồng.

Mục tiêu tổng quát của dự án nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam do tiền nhân để lại cho tương lai; di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực 1 di tích đến khu dân cư mới để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống; bảo vệ, đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan; phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 2019 - 2021) sẽ di dời 2.950 hộ dân ở các khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành hào và tuyến phòng lộ. Giai đoạn 2 (từ 2022 - 2025) sẽ di dời 1.263 hộ dân ở các di tích hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, khu Lục Bộ, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Trấn Bình Đài, hệ thống hồ 4 phường nội thành TP.Huế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem