Địa phương ồ ạt xin xây sân bay, cần đề phòng tham nhũng đất đai

Thế Anh Thứ ba, ngày 13/09/2022 12:13 PM (GMT+7)
Chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống cho rằng, cần tránh trường hợp lợi dụng, lấy danh nghĩa làm sân bay để quy hoạch đất đai, sân bay chỉ là cái cớ để lạm dụng.
Bình luận 0

Nhiều địa phương đề xuất xây sân bay

Trong thời gian vừa qua, nhiều địa phương tiếp tục đề xuất đầu tư xây dựng sân bay tại địa phương vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đang được nhiều người quan tâm.

Điển hình là UBND tỉnh Tuyên Quang vừa đề xuất Thủ tướng Chính Phủ xem xét, chấp thuận bổ sung sân bay Na Hang tại tỉnh Tuyên Quang vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp đó là UBND tỉnh Sơn La đề xuất xây sân bay Mộc Châu...

Địa phương ồ ạt xin xây sân bay, cần đề phòng tham nhũng đất đai - Ảnh 1.

Sân bay Nội Bài những ngày cao điềm hè 2022. Ảnh: TA

Đánh giá về việc các địa phương đề xuất đầu tư xây dựng sân bay tại địa phương, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Đại học Bách khoa TP.HCM (chuyên gia hàng không) đánh giá: "Cần phải xây dựng quy hoạch mạng lưới sân bay trên cả nước một cách hợp lý, có cơ sở khoa học, có lý luận và quan trọng nhất phải đưa ra những định lượng rõ ràng về năng suất sân bay, nhu cầu thật hay ảo… chứ không thể cứ mơ hồ rồi đề xuất".

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, một địa phương được đầu tư xây dựng sân bay thì phải đáp ứng những tiêu chí nhất định, chứ nơi nào cũng báo cáo có nhu cầu cấp thiết xây sân bay để phát triển kinh tế, nhưng toàn là cảm tính.

"Nếu không tính toán kỹ có thể khiến sân bay đó nằm trên quy hoạch, chậm triển khai, đội vốn kéo theo đó là nhiều diện tích đất bị thu hồi rồi bỏ hoang hoá gây lãng phí nguồn lực...", PGS.TS Tống phân tích. 

"Địa phương nào cũng mạnh mẽ đề xuất, kêu gọi vốn PPP không cần ngân sách Nhà nước. Nhưng nếu quyết định vội vàng thì đây là một sai lầm về chính sách. Tránh trường hợp lợi dụng, lấy danh nghĩa làm sân bay để quy hoạch đất đai, sân bay chỉ là cái cớ để lạm dụng. Do vậy, cần đề phòng nạn tham nhũng đất đai nhân danh xây sân bay" - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nêu quan điểm.

Điển hình là Hà Nội đề xuất xây sân bay thứ 2 vùng Thủ đô, ông Tống cho rằng: "Với nhu cầu phát triển hàng của Thủ đô Hà Nội rất cần có thêm 1 sân bay quốc nội nữa để giảm tải cho sân bay Nội Bài trong tương lai".

"Việc quy hoạch sân bay thứ hai vùng Thủ đô Hà Nội cần được xem xét trong hệ thống sân bay miền Bắc bao gồm Bắc bộ và bắc Trung bộ với 4 sân bay quốc tế đang hoạt động là Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn và Vinh", ông Tống nêu ra vấn đề.

Về cư ly khoảng cách giữa các sân bay đang được nhiều người đánh giá là quá dày so với nhu cầu, theo ông Tống, theo tinh thần quy hoạch hệ thống sân bay toàn quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 mà Bộ GTVT đang chủ trì xây dựng thì miền Bắc sẽ có thêm sân bay quốc tế Thọ Xuân.

Xét về cự ly, với khoảng cách thì rất gần nhau giữa 5 sân bay quốc tế ở khu vực miền Bắc thì có thể khiến nhiều sân bay quốc tế hoạt động không hiệu quả, có rất ít khách quốc tế.

"Có thể sau một thời gian hoạt động thì một hay hai sân bay quốc tế vùng Bắc bộ và bắc Trung bộ phải chuyển thành sân bay quốc nội hoàn toàn", ông Tống dự báo.

Địa phương ồ ạt xin xây sân bay, cần đề phòng tham nhũng đất đai - Ảnh 2.

Các hãng hàng không hoạt động tại sân bay Nội Bài. Ảnh: P.C

Hà Nội cần có sân bay thứ 2

Đánh giá về khoảng cách xây dựng sân bay trong bán kính 100 km, ông Tống cho rằng: "với mục tiêu bảo đảm mức tiếp cận giao thông hàng không của 96% dân số trong bán kính 100 km đến sân bay, các tỉnh biên giới vùng Bắc bộ mà khoảng cách đường bộ đến sân bay Nội Bài trên 250 km và thời gian đi mất trên 5 giờ như các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang... cần phải có sân bay.

Với trường hợp như Bắc Kạn và Lạng Sơn cách Nội Bài khoảng 140 km và thời gian đi khoảng 2,5 giờ cũng cần có sân bay. Các sân bay này chủ yếu dành cho các máy bay như ATR 42, Fokker 50 với số lượng khách dưới 50 người để có nhiều chuyến bay hiệu quả kinh tế hơn loại máy bay lớn 70 – 100 chỗ.

Sân bay quốc tế Nội Bài đang đủ năng lực để khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội và các vùng lân cận. Đến năm 2050 dự báo sản lượng qua Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài là khoảng 100 triệu hành khách/năm, sau đó sân bay Nội Bài bị quá tải.

"Vì vậy, phải tính tới việc xây dựng sân bay thứ 2 cho vùng Thủ đô Hà Nội nhằm giảm tải cho sân bay Nội Bài sau năm 2050", ông Tống cho rằng xây sân bay thứ 2 vùng Thủ đô Hà Nội là cần thiết.

Cũng theo ông Tống, tại khu vực phía Nam nhu cầu vận tải hàng không là rất lớn mà sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải. Trong khi đó, sân bay Long Thành lại đang xây dựng tới năm 2025 mới có thể đưa được 1 đường băng vào khai thác. Do đó, việc nâng cấp chuyển đổi mục đích sân bay Biên Hoà thành sân bay lưỡng dụng khai thác các chuyến bay nội địa cũng là nhu cầu cấp thiết để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Cục Hàng không Việt Nam đã có báo cáo Bộ GTVT rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc và nghiên cứu chuyển một số sân bay quân sự thành sân bay lưỡng dụng.

Cục Hàng không Việt Nam thống nhất kiến nghị cập nhật nội dung quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030 "nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch, xây dựng cảng hàng không tại một số sân bay quân sự (Thành Sơn, Biên Hòa...) trong trường hợp đủ điều kiện" trong dự thảo quyết định phê duyệt quy hoạch.

Cục Hàng không Việt Nam đã tiếp thu các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và ý kiến tham gia của các địa phương về quy hoạch.

Cùng với đó, Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp với tư vấn rà soát thêm các vấn đề về dự báo, trong đó chú trọng tới các khu vực có tiềm năng phát triển lớn hiện nay và tương lai như khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh; khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam; khu vực Khánh Hòa.

Tại các khu vực có tiềm năng lớn này mặc dù số liệu dự báo theo các phương pháp khoa học đã được tiến hành song với ngành hàng không còn cần phải sử dụng thêm phương pháp chuyên gia để đánh giá tiềm năng phát triển của các khu vực này.

Cục Hàng không Việt Nam cũng báo cáo cục thể các nội dung nghiên cứu tiếp thu sửa đổi trong dự thảo quyết định phê duyệt quy hoạch.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem