Dịch Covid - 19: Càng sợ virus, giao đồ ăn tận nhà càng “ăn nên làm ra”

Song Minh Thứ sáu, ngày 20/03/2020 06:15 AM (GMT+7)
Tại thị trường Việt Nam, so với nhiều dịch vụ khác như nhà hàng, du lịch, khách sạn với hàng nhân viên đang thất nghiệp, nhóm dịch vụ giao thức ăn tận nhà như GrabFood, GoFood, Now… đang “ăn nên làm ra” trong mùa dịch Covid-19.
Bình luận 0

Cuối năm 2019, theo dự báo của Euromonitor, trong năm 2020, chỉ riêng dịch vụ giao nhận đồ ăn tại nhà ở thị trường Việt Nam sẽ có doanh thu chừng 40 triệu USD, với tốc độ tăng trưởng 11%. Nhưng đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay, khi Chính phủ, Bộ Y tế và các địa phương có dân đông như: TP.HCM, Hà Nội… liên tục đưa ra khuyến cáo: “Người dân nên tránh những nơi tụ tập đông người như siêu thị, nhà hàng…”, tạo thêm “cơ hội” cho dịch vụ này phát triển.

img

Ngập tràn dịch vụ giao đồ ăn tận nhà cho khách. Ảnh: Song Minh

Mỗi tháng kiếm trên chục triệu!

21 giờ, Kỳ, tài xế GrabFood giao một đơn hàng có giá trị chưa tới một trăm ngàn đồng tại một hẻm nhiều “xuyệt” trên đường 11 (P.11, Gò Vấp, TP.HCM). “Từ khi dịch Covid-19 bùng tới bây giờ, giao thức ăn tận nhà sống được lắm. Mỗi ngày có 4 đợt: sáng – trưa – chiều và… nửa đêm. Giao đơn hàng này xong là về ngủ”, Kỳ nói. Theo lời anh chàng GrabFood này, từ 7 sáng tới 21 giờ, giao gần 40 đơn hàng. “Anh cứ tính mỗi đơn hàng kiếm được 20.000đ, trừ xăng và ăn uống, còn lại chừng 600.000 đồng. Sướng nhất là giao hàng cho mấy đứa nhỏ, chỉ là mấy món ăn uống vặt, nhẹ nhàng, cũng chừng ấy tiền ship”, Kỳ chẳng ngại khi nói về công việc của mình. “Nếu có mấy đứa sinh viên đặt hàng, sẽ kiếm thêm mỗi ngày chừng vài trăm ngàn đồng. Tụi nó ăn hàng dễ sợ”, Kỳ “tám”, trước khi rồ ga, phá tan sự tĩnh lặng của con hẻm ở vùng ngoại ô...

img

1 ly nước có giá vài chục ngàn đồng cũng giao tận tay cho khách. Trong ảnh: tài xế GrabFood chuẩn bị giao hàng cho khách trên đường Pasteur (Q.3, TP.HCM). Ảnh: Song Minh

Nhân, tài xế của dịch vụ GoFood sẵn sàng chia sẻ công việc mà anh đang làm. Theo lời Nhân, trước đây, anh là công nhân cho một công ty may mặc ở Bình Dương. Công việc nặng nhưng với mức thu nhập (tính luôn tiền tăng ca) chừng 7 triệu đồng. “Trừ hết chi phí ăn ở, tháng nào giỏi lắm còn dư 1 triệu đồng, nhiều tháng phải mượn tiền mà sống. Thấy cực mà không có dư, em bỏ việc, xuống Sài Gòn chạy Grab, rồi chuyển sang GoViet.

Theo lời Nhân, để cạnh tranh với các “đối thủ” trong lĩnh vực giao thức ăn tận nhà nên GoViet áp dụng mức phí giao hàng là 14.000 đồng cho khoảng cách dưới 5km. “Vì mức phí thấp, khách đặt nhiều, tài xế giao hàng nhiều, vừa có nhiều cuốc, lại có thưởng. Tính ra, đâu cũng vào đó nên thu nhập của em cũng kha khá. Nhất là những ngày cuối tuần, khách đặt hàng nhiều nên thu nhập có phần cao hơn”, Nhân nói. Cũng theo tài xế này, hai tháng nay, tháng nào cũng kiếm được chừng 15 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. “Nhưng khổ lắm đó”, Nhân nói.

Công Danh, tài xế chạy cho Loship không có thu nhập cao bằng tài xế như GrabFood hay GoFood vì hiện nay nhà cung cấp dịch vụ này áp dụng hình thức miễn phí tiền ship cho khách. Mỗi đơn hàng, tùy theo khoảng cách mà hãng trả tiền ship cho tài xế. “Đơn hàng này có phí giao là 12.000 đồng. Khách được miễn nên hãng sẽ trả khoản tiền này cho tui”, Danh nói. Vì là dịch vụ mới nên lượng hàng của Loship còn ít, buộc nhà cung cấp phải có “phụ cấp” thêm cho tài xế bằng cách tặng thêm tiền thưởng theo số lượng đơn hàng trong ngày. Hỏi về thu nhập, Danh trả lời là “sống được”.

Lượng hàng tăng mạnh

Khi nỗi sợ của người dân với dòng virus 2019-nCoV tăng lên, cũng là lúc lượng đơn hàng thức ăn giao tận nhà tăng lên, nhất là tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội… Theo một khảo sát gần đây của GoViet vừa công bố vào đầu tháng 3/2020, lượng đơn hàng tại TP.HCM cao hơn Hà Nội 6 lần, còn giá trị đơn hàng cao hơn 10%.

img

Mỗi ngày kiếm chừng 300.000 đồng là niềm vui của nhiều người trong mùa dịch Covid-19. Trong ảnh: Tài xế Loship giao hàng cho khách tại P.1 (Tân Bình, TP.HCM). Ảnh: Song Minh

Cũng trong khảo sát trên, tại TP.HCM và Hà Nội, gần 30% số người được khảo sát cho biết, họ đặt đồ ăn trực tuyến 2-3 lần/ tuần, khoảng 6% người dùng đặt đồ ăn trực tuyến hơn 10 lần trong 1 tuần! M.Thư, sinh viên năm thứ nhất của ĐH Hoa Sen cho biết, trước đây, thường chỉ 2 lần/ tuần đặt giao đồ ăn tại nhà nhưng khi có khuyến cáo của UBND TP.HCM về việc hạn chế đến những nơi đông người, “lượng hàng giao tại nhà tăng lên đáng kể, trong tháng 3, chừng 5 lần/ tuần”.

“Nhưng quan trọng hơn với sinh viên là chi phí sinh hoạt tăng lên khá nhiều khi đặt món ăn giao tận nhà. Nhanh hết tiền lắm”, Thư chia sẻ. Nhân và Kỳ đều cho rằng, dù có gia tăng đơn hàng nhưng giao món ăn tại nhà vẫn còn thấp hơn so với công sở. “Hồi chưa có dịch Covid-19, có những ngày thứ 6 em giao 50 ly: chè, nước mía… cho một địa chỉ. Mấy “bả” ăn vặt dữ lắm. Vẫn là chừng đó tiền ship nhưng thấy mình mua nhiều hàng, được “bo” thêm, có khi 50.000 đồng. Coi như mỗi ly thêm 1.000 đồng”, Kỳ cười.

Chưa có con số thống kê chính xác về đơn hàng giao món ăn tận tay người tiêu dùng nhưng theo số liệu mà phóng viên Dân Việt có được: GrabFood với khoảng 300.000 đơn hàng/ ngày và chừng 200.000 đơn hàng/ ngày của GoFood, còn Now cũng “xem xem” với GrabFood. Nếu cộng với lượng hàng của Loship, Baemin và của chính các quán ăn… chắc cũng ngót nghét 1 triệu đơn hàng được giao tận nhà… mỗi ngày!

Hiện thời lượng hàng thức ăn giao tận nơi đang tăng. Càng sợ virus, càng ăn dữ, tạo điều kiện cho những người giao hàng sống tạm qua mùa dịch bệnh Covid-19.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem