Dịch Covid-19: Doanh nghiệp nào được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất?

QUỲNH QUỲNH Thứ tư, ngày 11/03/2020 07:10 AM (GMT+7)
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng số tiền dự kiến hơn 30 nghìn tỷ đồng.
Bình luận 0
Dịch Covid-19: 3 nhóm đối tượng được gia hạn nộp thuế  - Ảnh 1.

Tổng số tiền gia hạn dự kiến lên tới hơn 30 nghìn tỷ đồng.

Ba nhóm doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế

Theo Bộ Tài chính, do tác động của dịch Covid-19, có rất nhiều ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ; cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh bị thiệt hại lớn, gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, không có khả năng nộp thuế đúng hạn.

Trước tình hình đó, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Dự thảo được lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân trước khi trình Chính phủ ban hành. Tổng số tiền gia hạn dự kiến lên tới hơn 30 nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, trên cơ sở rà soát các quy định của pháp luật, trong trường hợp việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu NSNN đã được Quốc hội quyết định, thì thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Theo đó, Bộ Tài chính dự thảo nghị định để trình Chính phủ ban hành, dự kiến gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất áp dụng cho 3 nhóm đối tượng cụ thể.

Nhóm đối tượng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế: nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt, sản xuất trang phục, sản xuất giày dép, sản xuất sản phẩm từ cao su, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản xuất, lắp ráp ô tô (trừ sản xuất, lắp ráp ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống).

Nhóm đối tượng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế: vận tải đường sắt, vận tải đường bộ, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải; dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch.

Nhóm đối tượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Bộ Tài chính cho biết, để không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước năm 2020, Bộ Tài chính đề nghị thời gian gia hạn là 5 tháng đối với số thuế GTGT phải nộp của tháng 3,4,5 và 6 năm nay kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế này theo quy định hiện hành.

Gia hạn nộp thuế trong vòng 5 tháng

Bộ Tài chính cho biết, để không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước năm 2020, Bộ Tài chính đề nghị thời gian gia hạn là 5 tháng.

Đối với đối tượng nộp theo tháng, Chính phủ sẽ gia hạn thời hạn 5 tháng số thuế giá trị gia tăng (VAT) phát sinh phải nộp của các tháng 3,4,5 và 6 năm nay. Với đối tượng nộp theo quý, Chính phủ gia hạn 5 tháng số thuế VAT phát sinh phải nộp của Quý I và Quý II/2020.

Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm tăng số thuế VAT phải nộp và hồ sơ khai bổ sung gửi đến cơ quan thuế trước thời hạn nộp thuế được gia hạn thì số thuế được gia hạn bao gồm cả số thuế phải nộp tăng thêm do khai bổ sung.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc gia hạn thuế 5 tháng nói trên thì số thu ngân sách của các tháng đó giảm khoảng khoảng 22.600 tỷ đồng (trong đó, số thuế VAT giãn của doanh nghiệp theo ngành kinh tế là 11.700 tỷ đồng; Số thuế VAT giãn của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là 10.900 tỷ đồng). Tuy nhiên, số thu ngân sách của năm 2020 không giảm do doanh nghiệp phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 31/12/2020.

Đối với các đối tượng là cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình kinh doanh, Chính phủ quyết định gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2020. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình kinh doanh thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn trước ngày 15/12/2020.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, trên cơ sở số thuế phát sinh phải nộp năm 2019 của nhóm được gia hạn là khoảng 3.000 tỷ đồng nhưng số thu ngân sách của năm 2020 không giảm do hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện nộp trước ngày 15/12/2020.

Dịch Covid-19: 3 nhóm đối tượng được gia hạn nộp thuế  - Ảnh 2.

Bộ Tài chính đề nghị thời gian gia hạn là 5 tháng cho các đối tượng đã kể trên

Đối với tiền thuê đất, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ cho phép gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất cũng trong thời gian 5 tháng kể từ ngày phải nộp. Thời gian gia hạn là 5 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp tiền thuê đất.

Cụ thể, gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2020 của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang được nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm và sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh thuộc các ngành kinh tế nêu phía trên.

Theo tính toán, dự kiến số tiền thuê đất được gia hạn khoảng 4.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu ngân sách nhà nước năm 2020 không giảm do doanh nghiệp hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện nộp trước ngày 31/10/2020.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh đa ngành kinh tế, Bộ Tài chính đề xuất các đối tượng này được gia hạn toàn bộ số thuế VAT phải nộp; Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình được gia hạn toàn bộ thuế VAT, thuế TNCN. Riêng tiền thuê đất gia hạn được xác định theo từng quyết định, hợp đồng có mục đích sử dụng đất vào sản xuất, kinh doanh các ngành kinh tế nêu phía trên.

Trước đó, trao đổi với Dân Việt, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam, thì việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất là cần thiết. Trước mắt, nguồn thu ngân sách sẽ bị sụt giảm, nhưng về lâu dài ngoài việc hỗ trợ nền kinh tế nước nhà, đây lại là một cơ hội để Chính phủ điều chỉnh chi tiêu ngân sách làm sao cho tiết kiệm. 

Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, trong trường hợp Chính phủ miễn thuế, giảm thuế, giãn thuế, hoặc hoãn thuế thì đều ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách trong từng thời gian. Ví dụ như nếu hoãn thuế hay dãn thuế cho doanh nghiệp trong một thời gian rồi mới thu sẽ làm hụt thu cho kế hoạch đã tính toán cho từng quý, cho cả năm. Tương tự, nếu miễn giảm thuế chắc chắc sẽ làm hụt nguồn thu ngân sách. Nhưng điều đó là cần thiết trong bối cảnh hiện tại, khi phần lớn nền kinh tế đang bị kiệt quệ bởi dịch Covid-19.

"Đây cũng là cách để nuôi dưỡng lại nguồn thu, lúc người nộp thuế khó khăn thì những đơn vị thu thuế phải hỗ trợ lại, khi họ vượt qua được mới có cơ hội đóng thuế tiếp, nếu để họ chết bây giờ thì mất nguồn thu ngân sách cho nhà nước, không phải chỉ trước mắt mà có thể về lâu dài. Bởi vì một khi đã đóng cửa, ngừng hoạt động thì việc hồi phục lại là rất khó", bà Chi Lan cho hay.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cũng cho rằng trong lúc tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì việc hỗ trợ doanh nghiệp có thể tồn tại được là rất quan trọng. Nếu để họ kiệt quệ về tài chính trong lúc này, cuối cùng Chính phủ cũng mất nguồn thu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem