Tìm lối ra cho nông sản mùa dịch Covid 19 (bài 1): Đổi mới tư duy, sáng tạo tiêu thụ nông sản

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 25/05/2021 16:24 PM (GMT+7)
Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã khiến việc tiêu thụ nông sản, nhất là những loại trái cây đang vào vụ thu hoạch rộ gặp nhiều khó khăn. Nhưng trong bối cảnh chung này, nhiều địa phương vẫn có những cách làm sáng tạo, đưa nông sản xuất ngoại.
Bình luận 0

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã khiến việc tiêu thụ nông sản, nhất là những loại trái cây đang vào vụ thu hoạch rộ gặp nhiều khó khăn. Nhưng trong bối cảnh chung này, nhiều địa phương vẫn có những cách làm sáng tạo, tìm cách vượt khó, đưa nông sản sản địa phương xuất ngoại. 

Covid-19 có thể gây khó nhưng sẽ không thể cản đường nếu như mỗi địa phương chủ động, sáng tạo tìm được con đường tiêu thụ nông sản.

Bài 1: Xoài khổng lồ được mùa, mất giá 

Những hộ dân trồng xoài Úc ở Khánh Hòa, trồng mận ở Sơn La... đang đứng ngồi không yên khi giá xoài, mận năm nay giảm sâu, thậm chí ở nhiều nơi, nông dân để mặc xoài chín rụng ngoài vườn mà không thu hái.

Tiêu thụ khó khăn, xoài rớt giá

Đổi mới tư duy, sáng tạo tiêu thụ nông sản (bài 1): Xoài được mùa, mất giá trậm trọng - Ảnh 1.

Nông dân Khánh Hòa thu hoạch xoài. Ảnh: I.T

Xuất khẩu rau quả, đặc biệt là các mặt hàng trái cây đang có sự phục hồi tốt.

Theo đó, 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả đạt 1,35 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt, quý I vừa qua, xuất khẩu xoài của Việt Nam thu về 125,2 triệu USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo khảo sát, những ngày này, giá xoài tại chợ đồng loạt giảm mạnh. Ví như: Xoài hạt lép An Giang giá giảm còn 9.000-15.000 đồng/kg tuỳ loại, xoài tứ quý nhiều nơi rao bán giá 15.000 đồng/kg, xoài Đài Loan loại VIP cũng chỉ 7.000 đồng/kg, xoài Úc được quảng cáo là hàng xuất khẩu giá cũng giảm còn 15.000 đồng/kg... Không chỉ vậy, quả xoài còn đang đổ bộ các chợ với số lượng cực lớn.

Trên "chợ mạng" thay vì bán theo cân như trước kia, xoài giờ được bán theo set vài cân hoặc bán theo thùng. 

Các đầu mối bán buôn cho biết, hiện xoài Việt giá rẻ như rau, bán lẻ từng cân thì tiền ship (giao hàng) đắt hơn tiền xoài. Thế nên, họ chuyển qua bán theo set vài cân hoặc bán theo thùng cho tiện.

Đặt nguyên một thùng xoài Đài Loan 15kg với giá chỉ 95.000 đồng, chị Đoàn Thị Thanh Hải (ở phố Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội), nói: "Một thùng mà chỉ 95.000 đồng thì tính ra giá khoảng 6.700 đồng/kg". 

Theo chị Hải, trước kia chị thường phải mua xoài Đài Loan hạt lép với giá 35.000-45.000 đồng/kg tuỳ thời điểm, chưa bao giờ mua được giá rẻ như lần này. Cách đây 4 ngày, chị cũng đặt mua xoài Úc quả to, vỏ đỏ, bên trong chín vàng ăn ngọt thơm giá chỉ 15.000 đồng/kg.

Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Thu Thuỷ - đầu mối bán trái cây online lớn tại Cầu Giấy (Hà Nội) thừa nhận, dịp này hầu hết các loại xoài giá đều giảm mạnh. Có loại giảm còn một nửa, có loại giá giờ chỉ còn 1/3 so với trước kia. Chính vì giá rẻ chưa từng có nên dịp này, lượng khách mua xoài tăng đột biến.

Nhiều nhà vườn ở An Giang, Long An cho hay, xoài đang vào vụ thu hoạch nhưng lại gặp khó trong xuất khẩu nên giá lao dốc. 

Một hộ nông dân trồng xoài tại Châu Đốc (An Giang), than thở, nếu trước đây xoài cát Hòa Lộc được thu mua với giá 40.000 đồng/kg thì hiện nay chỉ bán khoảng 20.000 đồng/kg, xoài Thái còn 15.000 đồng/kg, riêng giống xoài Đài Loan bán tại vườn giá chỉ 3.000 đồng/kg.

Sơn La lo mận, xoài khó tiêu thụ

Không chỉ Khánh Hòa, nông dân tỉnh Sơn La cũng đang lo sốt vó khi mận, xoài đang vào vụ thu hoạch. Theo khảo sát, giá mận hậu ở Sơn La khoảng 1.000-3.000 đồng/kg, xuống quá thấp, nguy cơ người dân thua lỗ nặng.

Ông Nguyễn Thành Công – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, Sơn La có khoảng 78.650ha diện tích trồng cây ăn quả với sản lượng 430.000 - 450.000 tấn; trong đó có 8.600ha mận đã vào vụ thu hoạch, hiện đã tiêu thụ được 15.000 tấn, còn khoảng 40.000 tấn đang chờ được tiêu thụ; ngoài ra Sơn La còn có 19.000ha xoài, sản lượng 65.000 tấn và khoảng 54.000 tấn chuối đang vào vụ thu hoạch.

"Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xác định các mặt hàng nông sản có thể bị thị trường nhập khẩu gây khó khăn, chi phí logistics tăng, áp lực về giá, Sơn La đã chủ động xây dựng 3 kịch bản với từng tình hình để có kế hoạch chỉ đạo cụ thể. Quyết tâm chính trị của Sơn La là kết nối với thị trường và doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản cho nông dân, đàm phán để mở rộng thị trường" - ông Công nhấn mạnh.

Ông Công cũng kiến nghị Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương thành lập tổ công tác để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các tỉnh trong vấn đề tiêu thụ nông sản. 

"Tôi được biết tỉnh Bắc Giang đã lên kế hoạch đón các thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải thiều sau khi đã đáp ứng đủ các điều kiện phòng chống dịch Covid-29, nhân dịp này, các thương nhân Trung Quốc có thể lên Sơn La để khảo sát thị trường" - ông Công kiến nghị.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem