Dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp lao đao, chứng khoán vẫn 'thăng hoa', vì sao?

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 20/08/2021 09:57 AM (GMT+7)
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng hơn 500 doanh nghiệp (DN) niêm yết vẫn báo lãi 10-20%. Đây là cơ sở để nhà đầu tư kỳ vọng sau dịch tốc độ tăng trưởng vẫn được duy trì. Tuy nhiên, cũng theo một số chuyên gia thì sức “nóng” của chứng khoán giai đoạn này là do “nhà đầu tư không có kênh đầu tư nào khác".
Bình luận 0

Sau những nhịp điều chỉnh mạnh vào tháng 7, chỉ số VN-Index đã hồi phục trong tháng 8, với thanh khoản được cải thiện đáng kể, nhiều phiên vượt xa mốc 20.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong khoảng 1 tuần trở lại đây, nhiều phiên giao dịch đạt trên 25.000 tỷ đồng. Vì sao nhiều DN đang "lao đao" trong đại dịch mà chứng khoán vẫn "thăng hoa" ?

Doanh nghiệp lao đao vì dịch Covid-19 nhưng chứng khoán vẫn “thăng hoa”, vì sao? - Ảnh 1.

Nhà đầu tư vẫn đổ tiền vào chứng khoán trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (Ảnh: SSI)

Dòng tiền vẫn "chảy" mạnh vào chứng khoán, vì sao?

Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam - đánh giá: Tình hình dịch bệnh đang tiếp tục nghiêm trọng và chưa có gì khả quan hơn; tuy nhiên TTCK lại đang có một lối đi riêng.

"Bản thân cá nhân tôi cũng không kỳ vọng thị trường sẽ "ngon lành" như hiện nay. Bởi vì tình hình đang rất căng, ca F0 phát hiện càng nhiều, tình trạng y tế cũng quá tải… Song, dù tình hình không mấy khả quan, nhưng bây giờ, với nhà đầu tư là không biết dựa vào đâu để kiếm tiền" - ông Phương nói.

Theo chuyên gia này, với lĩnh vực bất động sản (BĐS), nếu muốn mua bán ở thời điểm này nhà đầu tư cũng không đi giao dịch được. Hầu như các tỉnh thành đều thực hiện giãn cách. Trong đó, TP.HCM và Hà Nội là hai địa phương có nhiều nhà đầu tư, cũng thường xuyên đi đầu tư ra các tỉnh, thành khác.

Nhưng hiện nay, cả hai địa phương này đều giãn cách nghiêm; nên nhà đầu tư, thậm chí chẳng đi đặt cọc đất đai được huống chi là giao dịch. Cho nên, có thể hiểu giao dịch BĐS trong giai đoạn này tạm thời "đóng băng".

Doanh nghiệp lao đao vì dịch Covid-19 nhưng chứng khoán vẫn “thăng hoa”, vì sao? - Ảnh 2.

Ông Trương Hiền Phương, giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam (Ảnh: NVCC)

Theo ông Phương, các hoạt động sản xuất kinh doanh, hiện chỉ còn một vài ngành sản xuất kinh doanh thiết yếu là bám trụ lại, hầu như không có nhiều cơ hội làm ăn, còn phía chủ DN thì có nguồn vốn sẵn có, thêm vào đó là lãi suất đang rẻ, cho nên với những nguồn vốn vay mà họ có thể tiếp cận được.

 Kể cả nhà đầu tư cá nhân bằng cách này hay cách khác "lách" bằng cách vay tín dụng, vay tiêu dùng, vay sửa chữa nhà… thì dòng tiền rẻ này sẽ đổ vào TTCK để ít nhất tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn trong giai đoạn khó khăn này.

Cũng theo chuyên gia này, TTCK vẫn đang giữ nhịp rất tốt trong những phiên giao dịch vừa qua, nếu có điều chỉnh thì cũng chỉ là những nhịp điều chỉnh trong phiên. Nghĩa là những cổ phiếu nào tăng nóng thì sẽ có những phiên rung lắc liên tục trong phiên. Đặc biệt, gần 1 tuần này giá trị giao dịch trên cả 3 sàn lúc nào cũng trên 25 nghìn tỷ đồng, riêng TP.HCM lúc nào cũng trên 20 nghìn tỷ, cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư và dòng tiền đổ vào thị trường đang khá ổn định và nhiều, cho nên TTCK vẫn sẽ ổn định trong ngắn hạn.

"Vì thế, TTCK theo tôi đánh giá hiện đang ở mức ổn định chứ không phải là tăng trưởng mạnh, nhưng đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư cũng như hút dòng tiền trên thị trường", ông Phương đúc kết.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cũng khẳng định, hiện dòng tiền đổ vào chứng khoán đang chiếm tỉ trọng rất lớn. Mặc dù dư nợ tín dụng trong lĩnh vực chứng khoán theo thống kê thì không cao, nhưng con số này không phản ánh đúng thực tế. Bởi, nhiều người vay tiền với mục đích sản xuất hoặc tiêu dùng nhưng lại dùng tiền đó để đầu tư chứng khoán.

Động lực tăng trưởng chính của thị trường chứng khoán thời gian tới đến từ 3 yếu tố: Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ bình thường trở lại trong năm 2022. Thứ hai, tốc độ tiêm vaccine được đẩy nhanh sẽ giúp cầu tiêu dùng nội địa hồi phục. Thứ ba, chính sách tiền tệ - tài khóa sẽ tiếp tục duy trì hỗ trợ trong năm 2022… - theo SSI Research.

"Doanh nghiệp tiền nhiều, mở rộng sản xuất kinh doanh thì không có nhân sự, hàng hóa bán không được, khách cần mua mà không đem bán được vì di chuyển khó khăn. Tiền mang gửi ngân hàng không hiệu quả, lương phải trả công nhân. 

Doanh nghiệp áp lực trước cổ đông thì phải phát triển và đem tiền đi đầu tư. Tuy nhiên, rót vào bất động sản thì không được, bởi dòng tiền không thể là dòng tiền "chết" một vài năm được, chỉ là dòng tiền nằm đó chờ cơ hội, nên chuyển đầu tư chứng khoán là thích hợp nhất. Có thể nói, TTCK hiện có cơ hội tốt hơn những cơ hội khác, dù đang trong trạng thái khó khăn nhưng khó khăn ít hơn kênh khác", ông Hiếu bình luận.

Doanh nghiệp lao đao vì dịch Covid-19 nhưng chứng khoán vẫn “thăng hoa”, vì sao? - Ảnh 4.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế- tài chính (Ảnh: Facebook nhân vật)

Tuy nhiên, đánh giá về kênh đầu tư này, TS.Nguyễn Trí Hiếu cũng cho hay theo lẽ thường, TTCK phải là chiếc "hàn thử biểu" đo sức khỏe nền kinh tế. Nhưng nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh mà chứng khoán vẫn tăng trưởng như hiện nay thì không phải là tốt.

"Nếu chứng khoán tăng điểm đến 1.400 - 1.500 điểm là tiềm ẩn nguy cơ bong bóng, nhà đầu tư cần cẩn trọng", ông Hiếu nói.

Triển vọng vaccine và đầu tư công sẽ thúc đẩy đà tăng của TTCK cuối năm

Đánh giá về triển vọng của TTCK những tháng cuối năm, theo ông Trương Hiền Phương, trong dài hạn, từ đây đến cuối năm TTCK sẽ còn phát triển hơn nữa.

Lý do của dự báo này, theo giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, dù tình hình đang có khăn nhưng chúng ta có niềm tin và có cơ sở để tin rằng, với việc chích vaccine liên tục, nhanh và nhiều như hiện nay thì dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát trong thời gian tới. Khi đó, giao thương sẽ phát triển trở lại, các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư… hoạt động trở lại nhiều hơn sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, sẽ mang tới niềm tin cho nhà đầu tư.

Kế đến, đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là kết quả kinh doanh quý 4 lúc nào cũng cao hơn 3 quý còn lại. Đặc biệt năm nay kết quả kinh doanh quý 1 và quý 2 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khá nghiêm trọng, thì kết quả kinh doanh quý 3, quý 4 sẽ khá hơn do yếu tố dịch bệnh có thể được kiểm soát. Đây cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư tài chính tin tưởng, mạnh dạn đầu tư nhiều hơn.

"Từ cuối quý 3 đến cuối quý 4, nền kinh tế sẽ phục hồi dần và TTCK sẽ tăng trưởng tốt hơn và nhà đầu tư chứng khoán sẽ giải ngân mạnh hơn vào thị trường. Khi đó, khả năng tăng điểm của TTCK là rất lớn", ông Phương kết luận.

Đồng quan điểm, trong báo cáo chiến lược đầu tư 6 tháng cuối năm 2021 vừa công bố mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) duy trì quan điểm tích cực về triển vọng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung hạn. VN-Index được dự báo đạt mức 1.450 điểm vào cuối năm 2021 và 1.600 điểm cuối năm 2022, đều được điều chỉnh nâng lên so với dự báo trước đó.

Xa hơn, theo SSI Research dự báo, khác với các quốc gia trên thế giới, đối với Việt Nam rủi ro lạm phát chưa đáng lo ngại trong cả năm 2021, tạo không gian cho chính sách tiền tệ có thể tiếp tục duy trì nới lỏng.

Cụ thể, theo SSI Research, chính sách tài khóa có nhiều thuận lợi khi thu ngân sách đạt 58% kế hoạch và có thặng dư ngân sách khá lớn. Giải ngân vốn đầu tư công được kỳ vọng đạt 31% kế hoạch năm trong quý III/2021, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, tạo ra sự hỗ trợ cần thiết cho tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, xuất khẩu bước vào cao điểm trong nửa cuối 2021, giúp cải thiện dần cán cân thương mại.

Tuy nhiên, rủi ro về diễn biến của dịch bệnh Covid-19 nếu không được kiểm soát tốt có thể tác động phần nào tới hoạt động xuất nhập khẩu cũng như giải ngân đầu tư công do các quy tắc hạn chế đi lại và đảm bảo an toàn phòng chống dịch, điều này có thể ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng chung, vì thế có thể sẽ ảnh hưởng mạnh lên TTCK cuối năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem