Dịch Covid-19 làm khó hành trình đưa vải thiều sang Nhật Bản

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 09/05/2020 14:02 PM (GMT+7)
Cuối năm 2019, một tin vui đến với quả vải thiều Việt Nam khi Nhật Bản chính thức cho phép vải thiều được xuất khẩu sang thị trường này. Ngay sau đó, chính quyền, ngành chức năng và người dân đã nỗ lực triển khai các biện pháp canh tác đáp ứng đúng yêu cầu của phía đối tác.
Bình luận 0

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang khiến hành trình đưa vải thiều sang Nhật Bản thêm chút khó khăn.

Nỗ lực sau 5 năm đàm phán

Sau 5 năm nỗ lực đàm phán, quả vải thiều của Việt Nam đã chính thức được phép xuất khẩu sang Nhật Bản. Theo đó, cuối năm 2019, Bộ Nông, lâm, ngư nghiệp của Nhật Bản (MAFF) đã gửi thư cho Cục Bảo vệ thực vật (BVTV-Bộ NNPTNT) thông báo chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản kèm theo quy định về kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với vải thiều Việt Nam.

Covid-19 cản đường vải thiều sang Nhật Bản - Ảnh 1.

Nông dân Bắc Giang chăm sóc vải thiều. Ảnh: KNBG

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, Cục đang nỗ lực trao đổi với đại diện MAFF và làm việc với Tham tán thương mại Nhật Bản tại Việt Nam để tìm ra giải pháp khả thi nhất đưa vải thiều sang Nhật Bản thuận lợi.

Để đạt được kết quả này, Cục BVTV đã phối hợp với các địa phương thực hiện nhiều biện pháp nghiêm ngặt để đảm bảo diệt trừ triệt để các đối tượng kiểm dịch thực vật của Nhật Bản có khả năng đi theo quả vải thiều của Việt Nam.

Các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản bao gồm: Quả vải thiều phải được trồng tại các vườn được Cục BVTV kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản.

Lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide tại các cơ sở được Cục BVTV và MAFF công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong thời gian 2 giờ dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản. Các lô quả vải thiều xuất khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục BVTV cấp.

Vốn có nhiều năm kinh nghiệm sản xuất vải để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, nông dân Bắc Giang cũng rất tự tin khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thị trường Nhật Bản.

Theo ông Dương Văn Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 19 mã số vùng trồng vải thiều được cấp để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, với diện tích 103ha thuộc các xã: Hồng Giang, Nam Dương, Tân Sơn, Quý Sơn, Giáp Sơn, Hộ Đáp của huyện Lục Ngạn và xã Phúc Hòa của huyện Tân Yên.

"Công tác chuẩn bị xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản đã được hoàn thành" - ông Thái nói.

Ông Cao Văn Hoàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết thêm, mới đây, cơ quan kiểm dịch thực vật Nhật Bản cấp thêm mã số vùng trồng cho 27ha vải thiều của huyện để xuất khẩu sang thị trường này. Như vậy, đến thời điểm này, huyện Lục Ngạn đã có 77ha vải thiều được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Nhật Bản. Trước đó, tại Lục Ngạn cũng có 218ha vải thiều được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Lo Covid-19 cản đường

Khi mọi điều kiện để đưa vải thiều sang Nhật Bản đã được ngành chức năng, địa phương và nông dân chuẩn bị hoàn tất, hiện diện tích vải thiều chín sớm được cấp mã số vùng trồng sang Nhật Bản đang sắp được thu hoạch. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang khiến các chuyên gia Nhật Bản gặp khó khăn trong việc kiểm tra hệ thống xử lý vải thiều xuất khẩu.

Cụ thể, trong văn bản gửi Sở Công Thương Hải Dương và Sở Công Thương Bắc Giang mới đây, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương nhận được Công hàm số 02/shouan/333 ngày 20/4/2020 của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) thông báo không thể cử chuyên gia của Cục BVTV Nhật Bản sang Việt Nam để kiểm tra, công nhận hệ thống xử lý khử trùng quả vải tươi xuất khẩu của Việt Nam do tác động của dịch Covid-19.

"Do vậy, việc xuất khẩu quả vải tươi của Việt Nam lần đầu tiên sang thị trường Nhật Bản sẽ không thể triển khai trong vụ thu hoạch vải năm 2020" - công hàm của MAFF nêu rõ.

Để khắc phục những khó khăn này, lãnh đạo Bộ Công Thương đã có công văn đề nghị Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản làm việc với Bộ Nông Nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản để thuyết phục phía Nhật xem xét các giải pháp khác thay cho việc phải cử chuyên gia sang Việt Nam kiểm tra cơ sở khử trùng như tạm thời ủy quyền cho các tổ chức giám định độc lập tại Việt Nam thực hiện việc này trong thời gian trước mắt hoặc phối hợp với Bộ NNPTNT Việt Nam thực hiện các biện pháp kiểm tra từ xa.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã có công thư gửi Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đề nghị thúc đẩy MAFF xem xét các biện pháp đặc biệt, sáng tạo trong bối cảnh dịch Covid-19 để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu quả vải tươi vào Nhật Bản phù hợp với tinh thần Tuyên bố chung Nhật Bản – ASEAN về Sáng kiến phục hồi kinh tế ứng phó với dịch Covid-19.

Bộ Công Thương đề nghị các sở nắm bắt thông tin và phổ biến kịp thời cho các đơn vị, doanh nghiệp liên quan.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương liên quan của cả hai nước để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu quả vải tươi của Việt Nam sang Nhật Bản.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem