Dịch COVID-19 sáng 14/5: Trung Quốc phong tỏa thành phố thứ 2 trong 4 ngày

Thứ năm, ngày 14/05/2020 09:55 AM (GMT+7)
Số ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tăng nhanh và diễn biến phức tạp, Trung Quốc đã phong tỏa thành phố thứ 2 trong một tỉnh chỉ sau 4 ngày.
Bình luận 0

Mời độc giả đón đọc bản tin tổng hợp về dịch bệnh COVID-19 vào lúc 10h và 20h hằng ngày, trên mục Tin tức trong ngày.

Theo Daily Mail, thành phố Cát Lâm (tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc), gần biên giới với Triều Tiên, đã đóng cửa từ ngày 13/5. Các phương tiện công cộng ngừng hoạt động.

Toàn bộ 4,5 triệu dân ở khu đô thị được yêu cầu ở nhà, chỉ ra đường khi thật cần thiết. Toàn bộ rạp chiếu phim, phòng tập gym, cửa hàng internet và các khu vực giải trí khép kín khác đều phải đóng cửa.

Người ở bên ngoài không được phép vào thành phố trong khi người bên trong chỉ được rời thành phố nếu có kết quả xét nghiệm âm tính trong 48 giờ và đã có quãng thời gian tự cách ly.

Đây là thành phố thứ hai ở Trung Quốc bị phong tỏa chỉ trong vòng 4 ngày. Trước đó, ngày 10/5, Trung Quốc phong tỏa thành phố Thư Lan (tỉnh Cát Lâm), với 630.000 người. Các ca nhiễm xuất phát từ một người phụ nữ 45 tuổi ở Thư Lan, là nhân viên giặt là. Người này dương tính với COVID-19 hôm 7/5 và không rõ vì sao lại nhiễm virus.

Hiện, thành phố Cát Lâm ghi nhận 7 ca và Thư Lan 14 ca nhiễm COVID-19. Tổng cộng số ca nhiễm lây lan trong cộng đồng đã lên tới 21.

Tính đến 10h sáng 14/5, Việt Nam ghi nhận 288 ca nhiễm COVID-19, tức đã trải qua 28 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Trong đó 252 ca đã được công bố khỏi bệnh, chưa có trường hợp nào tử vong.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số 36 bệnh nhân còn lại đang điều trị, 6 ca đã âm tính lần 1, 11 ca âm tính lần 2 trở lên, 19 ca dương tính.

Đúng 0h sáng 14/5, khu vực cách ly thôn Đông Cứu (Thường Tín, Hà Nội - nơi phát hiện ca bệnh 266), khu vực cách ly cuối cùng của Hà Nội được dỡ phong tỏa sau 28 ngày cách ly mà không có ca nhiễm COVID-19 mới. Người dân vui mừng, sung sướng vì đã được trở lại với cuộc sống nhộn nhịp thường ngày.

Bài viết trên báo The Straits Times (Singapore) hôm 12/5 nhận định, Việt Nam đang gặt hái những lợi ích chiến lược từ phản ứng nhanh nhạy đối với dịch COVID-19.

Theo các chuyên gia tư vấn kinh doanh, giới đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm tới Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh tăng sức ép buộc họ nhanh chóng chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Hoạt động xuất khẩu khẩu trang và các bộ dụng cụ xét nghiệm cũng đang giúp Việt Nam giảm bớt những tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế. Đáng chú ý, Việt Nam đã tự sản xuất các bộ dụng cụ xét nghiệm trong nước và chúng đang được sản xuất hàng loạt để xuất khẩu sang các nước như Iran, Phần Lan và Malaysia.

Song song đó, hoạt động sản xuất khẩu trang cũng đang được tăng cường, giúp bù đắp những thiệt hại cho ngành công nghiệp may mặc bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm nhu cầu ở phương Tây.

Hai thiếu nữ 17 và 18 tuổi tại thành phố Krasnoyarsk, Nga đã bị hiếp dâm, tấn công tình dục và cướp tài sản sau khi cố ý vi phạm quy định phong tỏa để ra ngoài chơi. Nghi phạm hiện đã bị bắt giữ nhưng hai cô gái vẫn phải nộp phạt vì không tuân thủ quy định ở nhà nhằm ngăn chặn COVID-19 lây lan.

Đến ngày 13/5, Nga đã ghi nhận tổng cộng 242.271 ca nhiễm COVID-19 với 2.212 trường hợp tử vong. Số người nhiễm virus tại Nga hiện cao thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Tây Ban Nha.

Trong khi cuộc khủng hoảng COVID-19 tại Mỹ và châu Âu được dư luận quan tâm và theo dõi chặt chẽ thì chẳng mấy ai để ý tới diễn biến dịch bệnh ở khu vực Mỹ Latinh – nơi chính phủ các nước hiện không thể kiểm đếm đầy đủ số người tử vong do virus.

Dịch bệnh ở khu vực Mỹ Latinh đang ngày càng trở nên tồi tệ khi các bệnh viện bị quá tải, hệ thống y tế yếu kém với nguồn lực ít ỏi hơn nhiều lần so với châu Âu hay Mỹ.

Mexico, Ecuador và Brazil là những nước đang chứng kiến số người tử vong do COVID-19 cao nhất khu vực. Đến ngày 13.5, Brazil ghi nhận tổng cộng 12.461 người tử vong do dịch bệnh, con số này tại Mexico là 3.926 và Ecuador là 2.327 trường hợp. Tuy nhiên, số người tử vong do virus tại các nước này đều bị các chuyên gia y tế đánh giá là không được kiểm đếm chính xác.

Giới chức y tế tại Ecuador, Peru và Brazil cho biết, họ không thể tìm thêm nguồn cung vật tư y tế khi bị các nước giàu như Mỹ và châu Âu tranh mua hết.

Thêm vào đó, quyết định tạm dừng viện trợ cho WHO của Tổng thống Trump cũng ảnh hưởng đến những nỗ lực của Tổ chức Y tế Thế giới cho những nước Mỹ Latinh trong cuộc chiến với COVID-19, đặc biệt là các quốc gia kém phát triển như Venezuela và Haiti.

Triệu Quang (Dân Việt)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem