Dịch Covid-19 sáng 6/4: Nhập viện vì nhiễm Covid-19, Thủ tướng Anh vẫn điều hành Chính phủ từ xa

Triệu Quang Thứ hai, ngày 06/04/2020 09:55 AM (GMT+7)
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã phải nhập viện sau 10 ngày nhiễm Covid-19 vì có các triệu chứng kéo dài.
Bình luận 0

Mời độc giả đón đọc bản tin tổng hợp về dịch bệnh Covid-19 vào lúc 10h và 20h hằng ngày, trên mục Tin tức trong ngày.


Thủ tướng Anh Boris Johnson (55 tuổi) hôm 5/4 đã phải nhập viện để các bác sĩ kiểm tra thêm sau 10 ngày nhiễm Covid-19 mà các triệu chứng không thuyên giảm.

Chuyên gia y tế của CNN, Kent Sepkowitz nói, ông Boris Johnson có thể nhập viện để chụp CT vùng ngực và làm các xét nghiệm máu. Xét nghiệm nồng độ oxy trong máu có thể chỉ ra rằng “Thủ tướng Anh hồi phục chậm hay là đang rơi vào tình trạng nguy hiểm”.

Thủ tướng Anh Boris Johnson dương tính với Covid-19 hôm 27/3. Trong những ngày cách ly, ông Johnson điều hành Chính phủ từ xa và vẫn sẽ tiếp tục làm điều này dù nhập viện.

Tính đến 9h30 sáng 6/4, Việt Nam ghi nhận 241 ca nhiễm Covid-19 (không tăng ca nào so với 12h trước), trong đó, 91 người đã khỏi bệnh, chưa có trường hợp nào tử vong.

Bộ Y tế thông tin, trong số 150 bệnh nhân đang điều trị, số ca âm tính lần 1 là 29, âm tính lần 2 là 23 người. Các trường hợp nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) đang tiến triển tốt lên, không phải dùng tim phổi nhân tạo và thở máy.

PGS.T Lê Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, các nhà khoa học của Viện đã nhận thấy sự biến đổi khác biệt về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Cụ thể, virus này đã tách ra thành 2 nhóm khác hẳn nhau. Đó là nhóm virus từ những người trở về từ Trung Quốc trong giai đoạn đầu. Nhóm thứ 2 là virus trong những bệnh nhân nhập cảnh từ châu Âu thời gian qua. Tuy nhiên, đến nay nghiên cứu vẫn chưa chỉ ra được virus nhóm nào lây nhiễm nhiều hơn, mạnh hơn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người yếu thế trong xã hội, những người có thu nhập thấp, mất việc. Do đó, Nhà nước, với các nguồn lực khác nhau, phải tìm mọi cách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống tối thiểu, không để “đói cơm lạt muối” cũng như dưỡng sức cho người lao động để tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tính đến 9h sáng 6/4, số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ là 336.673 (đứng số 1 thế giới) và 9.616 người tử vong (đứng thứ 3 thế giới). Trong số những người tử vong, 1.344 được ghi nhận trong ngày 4/4, đánh dấu ngày có số người tử vong lớn nhất ở Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho đến nay không ban hành mệnh lệnh toàn quốc yêu cầu người dân ở nhà, mà nói rằng tùy vào các bang quyết định.

Hiệp hội bảo vệ động vật hoang dã (WCS) ngày 5/4 thông báo, con hổ tên Nadia trong vườn Bronx ở thành phố New York đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Trước đó, nó có triệu chứng ho khan và chán ăn. Ngoài ra, 6 con hổ và sư tử khác của trong vườn thú Bronx cũng có các triệu chứng nhiễm bệnh, nhưng chưa được xét nghiệm.

Theo Reuters, tổng số ca tử vong ở Italia lên tới 15.887, tương đương một phần tư số ca trên toàn cầu. Tuy nhiên, ngày 5/4, nước này chỉ ghi nhận 525 ca tử vong, mức tăng thấp nhất trong ngày kể từ ngày 19/3.

Silvio Brusaferro, người đứng đầu Istituto Superiore di Sanità - viện sức khỏe hàng đầu của Italia, cho biết tình hình lây nhiễm ở Italia đã đạt “đỉnh” và bắt đầu giảm.

Hơn 15.000 nhân viên y tế tại Tây Ban Nha đã dương tính với Covid-19, chiếm khoảng 14% tổng số người nhiễm virus tại nước này. Tây Ban Nha trở thành quốc gia có số nhân viên y tế nhiễm Covid-19 nhiều nhất thế giới.

Trong khi nhiều nước châu Âu đều áp dụng các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội hay thậm chí là phong tỏa khu vực, quốc gia thì Thụy Điển lại muốn dựa vào ý thức cộng đồng. Nhiều địa điểm công cộng, hàng quán và trường học tại nước này vẫn được phép mở cửa.

Tuy nhiên, các dữ liệu được tổng hợp cho thấy  tỷ lệ người nhiễm và tử vong vì Covid-19 đang ngày càng tăng nhanh tại Thụy Điển. Tính đến 9h sáng 6/4, số ca tử vong là 401 trường hợp.

Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven mới đây cảnh báo rằng, hàng nghìn người tại nước này có thể tử vong vì Covid-19. Chính quyền của ông Lofven đang cố gắng vận động Quốc hội đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt hơn trong cuộc chiến với Covid-19.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem