Dịch COVID-19 tối 16/5: Tiết lộ số tiền Tổng thống Trump đồng ý cấp trở lại cho WHO

Thứ bảy, ngày 16/05/2020 19:55 PM (GMT+7)
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ đồng ý cấp ngân sách trở lại cho Tổ chức Y tế thế giới sau hơn 1 tháng tuyên bố dừng trợ cấp.
Bình luận 0

Mời độc giả đón đọc bản tin tổng hợp về dịch bệnh COVID-19 vào lúc 10h và 20h hằng ngày, trên mục Tin tức trong ngày.

Fox New cho biết, Tổng thống Trump chuẩn bị gửi một lá thư nhưng chưa ký cho Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus trong đó có nội dung Mỹ sẽ “đồng ý cấp ngân sách cho WHO tương đương với những gì mà Trung Quốc đóng góp”.

Bức thư có đoạn viết: “Bất chấp những thiếu sót, tôi tin rằng WHO vẫn có vai trò quan trọng và tôi muốn thấy Tổ chức Y tế Thế giới thực hiện đúng vai trò của mình, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng COVID-19.

Đó là lý do vì sao tôi quyết định Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác và làm việc với WHO. Trung Quốc mang một khoản nợ to lớn với toàn thế giới và họ có thể bắt đầu bằng việc đóng góp công bằng hơn cho WHO. Nếu Trung Quốc tăng tài trợ cho WHO thì chúng tôi sẽ cân nhắc tăng thêm ngân sách”.

Trước đó, ngày 14/4, Tổng thống Trump đã ngừng tài trợ cho WHO sau khi cáo buộc Tổ chức Y tế Thế giới “thiên vị” Trung Quốc và đưa ra những “khuyến cáo sai lệch” về dịch COVID-19. Ông Trump còn tuyên bố sẽ điều tra WHO.

Theo Fox News, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho WHO với khoảng 400 triệu USD mỗi năm. Nếu chỉ đồng ý đóng góp tương đương với Trung Quốc thì ngân sách mới mà Mỹ tài trợ cho WHO chỉ bằng 1/10 trước đây.

Tính đến 20h tối 16/5, Việt Nam ghi nhận 318 ca nhiễm COVID-19, tức tăng 4 ca so với 12h trước. Tất cả những ca dương tính này đều là người từ nước ngoài về, được cách ly sau khi nhập cảnh và không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng.

Trong số 4 ca mới được công bố, 2 ca từ Liên bang Nga về nước, đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình; 1 ca về từ Philippines về, đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc (Đồng Tháp); 1 ca về từ Campuchia, đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đã có 260 ca được công bố khỏi bệnh; trong 58 bệnh nhân đang điều trị, 4 ca đã ca âm tính lần 1, 12 ca âm tính lần 2 trở lên và 42 ca dương tính.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai vừa có công văn yêu cầu các Giám đốc các sở, chủ tịch UBND các huyện và đơn vị liên quan kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong việc việc chậm trễ trong việc tham mưu, thực hiện chi tiền hỗ trợ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ cho các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu Chủ tịch UBND huyện, thành phố phải kiểm điểm trách nhiệm đến từng cá nhân, phòng, ban về việc chậm thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và báo cáo kết quả trước ngày 20/6.

Theo truyền thông Nga, các nghiên cứu tiền lâm sàng của thuốc Mefloquine - thuốc chống sốt rét có từ thập niên 70 cho thấy, loại thuốc này ức chế hoàn toàn tác dụng của virus Corona chủng mới sau 48 giờ.

Theo số liệu sơ bộ, các nghiên cứu về Mefloquine ở người cho thấy rằng, sau liệu trình 1 tuần điều trị, ở 70% bệnh nhân không tìm thấy virus Corona chủng mới.

Bà Veronika Skvortsova - người đứng đầu Cơ quan Y sinh Liên bang (FMBA) cho biết, loại thuốc này có tiềm năng phòng ngừa và điều trị. Bà cũng nói rằng Mefloquine có tác dụng phụ, nhưng chúng xảy ra trong 26% trường hợp và dễ dàng dung nạp.

Theo SCMP, Trung Quốc coi các vấn đề sức khỏe lâu dài của người hồi phục sau dịch bệnh COVID-19 là bệnh mãn tính, cho phép họ hưởng những ưu đãi chi phí điều trị theo chương trình bảo hiểm của chính phủ.

Các chứng bệnh về lâu dài có thể xuất hiện ở người hồi phục sau dịch COVID-19 được liệt kê cụ thể như suy yếu chức năng tim, phổi, gặp khó khăn khi đi lại vì tổn thương cơ bắp và vấn đề liên quan đến tâm lý.

Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) là cuộc họp của các nước thành viên trong WHO. Cuộc họp năm nay diễn ra trực tuyến vào ngày 18/5.

Mỹ là quốc gia tích cực nhất trong việc kêu gọi các đối tác và đồng minh cho phép Đài Loan tham dự cuộc họp dù hòn đảo không phải là thành viên chính thức. Kinh nghiệm chống dịch COVID-19 cũng như đại dịch SARS năm 2003 của Đài Loan được coi là rất có giá trị để các quốc gia thành viên WHO tham khảo.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin, Trung Quốc đã gửi tối hậu thư yêu cầu Đài Loan nếu muốn tham dự cuộc họp của WHO thì phải công nhận là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc.

Lãnh đạo y tế Đài Loan, Chen Shih-chung hôm 15/5, nói hòn đảo không thể chấp nhận điều kiện của Trung Quốc và không thể chấp nhận thứ không hề tồn tại.

Triệu Quang (Dân Việt)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem