Dịch tả lợn châu Phi tàn phá vùng ĐBSCL, người dân lao đao
Lo ngại thời điểm giao mùa
Tính đến hết ngày 28/5, chưa đầy 4 tháng sau khi ổ bệnh đầu tiên được phát hiện (ngày 1/2) tại tỉnh Hưng Yên, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tại khu vực ĐBSCL, hiện có đến 7 địa phương đã phát hiện dịch tả lợn châu Phi.
Với đặc thù vùng sông nước, hệ thống sông ngòi chằng chịt, khu vực ĐBSCL có nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi rất cao. Đến nay tổng số lợn chết và phải tiêu hủy ở 7 địa phương này đã lên tới khoảng 2.000 con, với tổng trọng lượng hơn 100 tấn.
Trong khi đó, ghi nhận tại một số địa phương trong khu vực vào ngày 28/5, giá heo hơi đang có chiều hướng giảm. Tại các tỉnh như Bến Tre, Vĩnh Long giá heo hơi đang dao động từ 28.000 - 32.000 đồng/kg; Đồng Nai ở mức 32.000 - 35.000 đồng/kg. Còn tại Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu..., giá lợn hơi được thu mua trong khoảng 34.000 - 36.000 đồng/kg.
Theo nhận định của ngành nông nghiệp các tỉnh khu vực ĐBSCL, hiện đang ở thời điểm giao mùa từ nắng sang mưa, các địa phương trong địa bàn có hệ thống kênh rạch dày đặc, giao thông đường thủy - bộ đan xen, rất khó kiểm soát và có nguy cơ lây lan dịch cao.
Các tỉnh trong khu vực ĐBSCL đang tích cực thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, ứng phó dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: NQ.
Trao đổi với chúng tôi, bà Ngô Kim Ánh (huyện Đầm Dơi, Cà Mau), cho biết: “Thời điểm giao mùa thông thường đàn lợn sẽ yếu hơn so với những lúc khác. Lúc này, hộ chăn nuôi cần vệ sinh chuồng trại thật kỹ để lợn tránh mắc các bệnh thường gặp. Ở thời điểm dịch tả lợn Châu Phi hoành hành, hầu như người chăn nuôi nào cũng rất lo chứ không riêng gì tôi. Sợ nhất là người tiêu dùng tẩy chay thịt lợn rồi ảnh hưởng đến người chăn nuôi”.
“Tổng đàn lợn của địa phương (tính đến tháng 4) là gần 40.000 con, trong đó có khoảng 50% số lợn được nuôi ở quy mô gia trại và trang trại, còn lại là ở quy mô nông hộ nhỏ lẻ, vì thế công tác phòng, chống dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, ở thời điểm giao mùa, lợn có sức đề kháng yếu nên rất dễ nhiễm bệnh” - ông Vũ Bá Quan - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Kế Sách cho biết.
Ông Nguyễn Thành Huy - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, thông tin: “Toàn tỉnh chỉ có 10 trang trại, còn lại là nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đối với dịch tả lợn châu Phi, hiện chưa có vacine nên chủ yếu phải thực hiện các giải pháp an toàn sinh học là chính. Trong khi ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì thực hiện an toàn sinh học rất khó”.
Còn tại huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang - địa phương đã xuất hiện ổ dịch đầu tiên, đang có dấu hiệu lây lan nhanh và diễn biến phức tạp. Hiện người chăn nuôi vô cùng lo lắng vì đàn lợn của gia đình đối diện nguy cơ bị dịch bệnh tấn công bất cứ lúc nào.
Ngành chức năng tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh của gia đình bà Pha ở huyện Tân Hiệp, Kiên Giang. Ảnh: NQ.
Ngày 24/5, ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được phát hiện tại hộ gia đình bà Nguyễn Sol Pha (ngụ ấp Tân Hòa A, xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp). Gia đình không có đất canh tác nên vợ chồng bà Pha sống nhờ nghề làm thuê và chăn nuôi lợn. Bà Pha chia sẻ: “Lợn bệnh, chích thuốc nhiều ngày mà vẫn sốt, bỏ ăn và kiệt sức dần. Lợn bị bệnh phải tiêu hủy xem như mất cả cơ nghiệp, may được hỗ trợ nên gia đình cũng bớt lo phần nào. Gia đình chỉ sợ thời gian tới không đủ vốn để chăn nuôi lại”.
Chỉ trong 3 ngày từ 24-26/5, huyện Tân Hiệp ghi nhận 5 điểm xuất hiện dịch, số lượng lợn tiêu hủy 112 con của 5 hộ dân với trọng lượng hơn 6 tấn. Theo ngành chức năng tỉnh Kiên Giang, nguyên nhân xảy ra dịch là do lây lan từ việc cho lợn ăn thức ăn thừa chưa qua nấu chín kỹ, không thực hiện công tác ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập chuồng trại.
Cấp bách ứng phó dịch bệnh
Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Kim Loan - Trưởng phòng NNPTNT huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) cho hay: “Sau khi phát hiện có dịch, cơ quan chức năng đã lập tức khoanh vùng tiêu độc, khử trùng khu vực các hộ chăn nuôi để phòng, chống dịch bệnh lây lan rộng; đồng thời tiến hành chôn xác lợn chết theo quy định và triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa”.
“Biện pháp cấp bách trước mắt để ứng phó với dịch tả lợn châu Phi là các ngành, các cấp tuyên truyền người dân không sử dụng thức ăn thừa để chăn nuôi, không sử dụng nước sông để cho lợn ăn, uống. Đồng thời, tiến hành sát trùng kỹ càng, kể cả giày dép khi ra vào khu vực chuồng trại chăn nuôi lợn; không để chó, chuột vào chuồng lợn nhằm tránh mang mầm bệnh từ nơi này đến nơi khác” - ông Nguyễn Văn Hoàng - Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang thông tin.
Còn tại tỉnh Bạc Liêu, mặc dù đến thời điểm này trên địa bàn chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, nhưng các điểm giết mổ gia súc đều được quản lý chặt chẽ; sản phẩm thịt bán ra thị trường bắt buộc phải có đóng dấu của cơ quan thú y.
Từ khi bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc, lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành kế hoạch ứng phó, đặt ra 3 phương án: chưa phát hiện dịch bệnh, dịch bệnh áp sát địa bàn tỉnh, dịch bệnh xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, tỉnh đang triển khai phương án 2; riêng huyện Hồng Dân đang tập trung triển khai, áp dụng phương án 3.
Huyện Hồng Dân - địa bàn được xem là có nguy cơ cao bị xâm nhiễm dịch bệnh - đã thành lập 6 đội kiểm tra lợn lưu động nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những phương tiện vận chuyển lợn ngang qua địa bàn mà không chứng minh được nguồn gốc, lợn có biểu hiện bệnh.
Lo ngại trước tình trạng dịch đang lây lan nhanh chóng, tỉnh Cà Mau cũng đã cho lập các chốt ở các cửa ngõ, kiểm soát chặt chẽ, không cho vận chuyển lợn bên ngoài vào. Toàn tỉnh đã lập 32 trạm, chốt kiểm soát phương tiện vận chuyển lợn hơi, sản phẩm từ thịt lợn nhập tỉnh.
Theo ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh quyết tâm hành động trong việc ứng phó, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào địa phương, và xem đây là việc làm cấp bách. Khi có tình huống, phải kịp thời phát hiện, khoanh vùng, làm đúng quy trình dập dịch, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Theo ghi nhận của phóng viên, Sóc Trăng là tỉnh vừa phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại huyện Mỹ Xuyên nên chính quyền tỉnh này đang tăng cường kiểm soát các điểm chốt chặn kiểm dịch động vật để bảo vệ đàn lợn của tỉnh.
Tỉnh Kiện Giang tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp ứng phó cấp bách với dịch tả lợn châu Phi vào chiều 27/5. Ảnh: NQ.
Theo ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng, đến cuối tháng 5, tỉnh có tổng đàn hơn 237.000 con lợn, trong đó có 84 trang trại. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 30 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, với công suất 280 con lợn/ngày. Theo đó, với nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh, lợn từ địa phương khác được nhập về địa bàn giết mổ là tất yếu.
Bên cạnh đó, Sóc Trăng cũng là nơi “quá cảnh” việc vận chuyển lợn đến các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau bằng các tuyến đường trọng điểm là Quốc lộ 1A, Quản lộ Phụng Hiệp, Quốc lộ Nam Sông Hậu,... Đây đều là các tuyến đường trọng điểm nên UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp cùng các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng cũng khuyến cáo người nuôi tuyệt đối không nhập con giống không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch, kiểm soát tốt nguồn thức ăn, phương tiện vận chuyển ra vào trại…