Đích thân Bộ trưởng Bộ NNPTNT “chào hàng” doanh nghiệp

Anh Thơ Thứ hai, ngày 30/07/2018 16:21 PM (GMT+7)
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư và lĩnh vực nông nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ NNPTNT tổ chức ngày 30.7 tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Bình luận 0

Thông điệp của Bộ trưởng

Theo Bộ trưởng Cường, dù đạt được nhiều thành tựu nhưng ngành nông nghiệp vẫn đang đứng trước 3 thách thức lớn: một là nông nghiệp Việt Nam vẫn dựa trên nền tảng quy mô hộ nhỏ lẻ, cho đến giờ phút này chúng ta có 8,6 triệu hộ nông dân với gần 70 triệu miếng ruộng nhỏ.

Thứ hai, chúng ta đang đứng trước thách thức biến đổi khí hậu mà Việt Nam là một trong 5 nước chịu tổn thương lớn nhất. Thách thức thứ ba là hội nhập, dù nông sản của chúng ta đã đến được 180 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng mặt trái là áp lực cực lớn khi một số FTA thực hiện thì thị trường bị đe dọa nếu chúng ta không tổ chức sản xuất tốt.

img

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hội nghị về nông nghiệp nhưng nhận được sự quan tâm của Thủ tướng và hai Phó Thủ tướng. Ảnh: VGP.

Trước tình hình đó, chúng ta phải cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng tập trung, hàng hóa, chuỗi giá trị, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập sâu rộng.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT muốn chuyển tải thông điệp: Thứ nhất, tư lệnh ngành rất cảm ơn doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam hết sức giỏi giang đã cùng bà con nông dân, cùng với tổ chức của bà con nông dân là hợp tác xã thực hiện rất tốt chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, chương trình hành động của Chính phủ.

Bộ trưởng Cường phân tích thêm về tiềm năng, lợi thế để các doanh nghiệp Việt Nam yên tâm đầu tư vào nông nghiệp. Thị trường hiện nay có 2 khu vực: thứ nhất, thị trường gần 100 triệu dân Việt Nam, một thị trường khổng lồ; thứ hai thị trường thế giới với 7,5 tỷ dân, hiện nay giá trị nông sản toàn cầu vào khoảng 2.000 tỷ USD/năm, với sự tăng trưởng 4-5%. Việt Nam đã tham gia chuỗi nông sản toàn cầu và đứng thứ 16, như vậy chúng ta có 2 thị trường rất lớn.

Về không gian phát triển, dù chúng ta đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, nhưng về tổng thể vẫn đủ dư địa để chúng ta phát triển: Một là tạo hóa cho chúng ta Đồng bằng sông Cửu Long 4 triệu ha, một dư địa rất lớn về tổng quan để sản xuất 3 mặt hàng cho thế giới và Việt Nam là thủy sản, lúa gạo và trái cây.

Chúng ta có 5 triệu ha cao nguyên Tây Nguyên đủ sức phát triển rừng bền vững, kèm theo đó là thế mạnh về cây công nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả và cây rau đặc thù của Việt Nam mà thế giới rất cần. Kèm theo đó, nước ta trải dài 15 vĩ độ, 3/4 là núi và cao nguyên, do đó chúng ta sở hữu nhiều giống đặc sản.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 490 về phát triển các nông, đặc sản Việt Nam, số liệu thống kê ban đầu là 3.000, phấn đấu đến năm 2020 chúng ta xây dựng được 2.400 nông sản đặc sản của Việt Nam. Đây là một thế rất mạnh để doanh nghiệp lựa chọn, tập trung đầu tư.

Thế mạnh thứ hai chúng ta vô cùng tự hào về đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân rất giỏi, dù con số chỉ là 7.600 doanh nghiệp sản xuất trực tiếp nhưng ngành nông nghiệp chúng tôi nhìn nhận vô cùng tích cực vì 2 năm vừa qua chúng ta tăng từ 3.600 DN lên con số hơn 7.000.

"Chúng ta rất tự hào các doanh nghiệp Việt Nam trong một thời gian rất ngắn đã trưởng thành, thậm chí trưởng thành vượt bậc kể cả trình độ quản trị, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề. Đây là một niềm tin, một kho báu để chúng ta nhân rộng điển hình, cùng với bà con nông dân, HTX để làm lên câu chuyện nông sản giai đoạn tới", Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Sự hoàn thiện của thể chế

Một điểm nữa cần phân tích thêm là sự hoàn thiện về thể chế, chính sách của hệ thống chính trị. Theo ông Cường, chúng ta thấy nút thắt, tồn tại của cả hệ thống, nhưng mặt tích cực chúng ta phải nhìn nhận.

img

Ngành nông nghiệp đang được quan tâm. Ảnh: TTXVN.

 Trong 3 năm gần đây, riêng Quốc hội đã thông qua cho ngành nông nghiệp 3 bộ luật, kỳ họp tháng 10 này thông qua 2 bộ luật nữa. Hiện nay, ngành nông nghiệp có 7 bộ luật nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn đã thông qua 5 bộ luật cho thấy sự chỉ đạo chung để hoàn thiện thiết chế, luật pháp làm công cụ cho chúng ta hội nhập. Đây là một bước tiến.

Thứ hai, trong 2 năm vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành không dưới 10 nghị định như Nghị định 57 ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp, Nghị định 58 về bảo hiểm, Nghị định 98 về liên kết chuỗi... Chưa bao giờ với thời gian ngắn lại ra đời được nhiều văn bản, chính sách như vậy

Hội nghị hôm nay cũng là một tiềm lực, không bao giờ có một hội nghị mà Thủ tướng Chính phủ, 2 Phó Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, rất nhiều Chủ tịch, rất nhiều doanh nhân, hộ gia đình và HTX tham gia. Đây đúng là một phong trào quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn để chúng ta tạo đà, phát triển giai đoạn mới.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cam kết trước Thủ tướng, các Phó Thủ tướng sẽ đồng hành cùng các địa phương, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và bà con nông dân để triển khai thực hiện tốt nhất các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước làm sao đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta phát triển lên tầm cao mới trong giai đoạn tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem