Thứ sáu, 29/03/2024

Điểm sáng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp

11/12/2022 5:00 PM (GMT+7)

Với chiến lược hợp lý, chính sách thông thoáng, công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh..., Long An được đánh giá là điểm sáng về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Điểm sáng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp - Ảnh 1.

Cảng quốc tế Long An là đòn bẩy thu hút doanh nghiệp đến Long An đầu tư phát triển logistics.

Hiện nay, Long An là địa phương đứng thứ ba cả nước về quy mô phát triển các khu công nghiệp; đứng thứ 13 về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đứng thứ ba trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và dẫn đầu các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long về thu hút vốn trong nước.

Tập trung phát triển các khu công nghiệp

Theo báo cáo, quá trình phát triển công nghiệp đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực I, II và III ở Long An khá tích cực. Thu nhập bình quân của người dân đạt hơn 80 triệu đồng/người/năm, tăng 75 triệu đồng so với năm 1997.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An Huỳnh Văn Sơn cho biết, tỉnh đã quy hoạch 41 khu và gần 80 cụm công nghiệp, với diện tích hơn 15 nghìn héc-ta. Hiện tại, đã có 18 khu và 23 cụm công nghiệp đang hoạt động với hơn 1.560 doanh nghiệp đầu tư cùng hơn 1.760 dự án, trong đó có 849 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư hơn 5,6 tỷ USD, chiếm 56,83% tổng vốn đăng ký đầu tư; 913 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư gần 113.590 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 300 nghìn lao động. Các khu, cụm công nghiệp đã góp phần rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Năm 2022, mặc dù còn bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế thế giới nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Long An đạt 8,46%, cao hơn mức tăng bình quân cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh ước đạt 21.070 tỷ đồng, bằng 121,4% dự toán tỉnh giao, tăng 12,7% so cùng kỳ.

Long An đã thu hút được 79 dự án mới đầu tư vào các khu công nghiệp, tăng sáu dự án so cùng kỳ. Trong đó, có 36 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 294,8 triệu USD và 43 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 15.426 tỷ đồng; hơn 1.432 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 32% so cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký 19.384 tỷ đồng.

Trưởng Ban Quản lý các khu kinh tế Long An Nguyễn Thành Thanh cho biết, năm 2022, các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp của tỉnh đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 5.600 tỷ đồng; trong đó, các doanh nghiệp FDI đã tạo ra giá trị xuất khẩu hơn một tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước gần 3.000 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước là hơn 610 triệu USD, đóng góp ngân sách hơn 2.600 tỷ đồng.

Chính sách thông thoáng

Lợi thế của Long An là nằm ngay cửa ngõ kết nối, giao thương, hành lang phát triển kinh tế kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh-Đông Nam Bộ với khu vực đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống giao thông thủy bộ liên vùng nối liền miền Đông Nam Bộ với đồng bằng sông Cửu Long, có cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường), cảng quốc tế Long An (xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc). Cùng với đó, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, cơ chế quản lý một cửa tại chỗ, góp phần tạo nên điểm sáng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.

Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Sao Hỏa Toàn Quốc, Đoàn Hiếu đánh giá: Môi trường đầu tư của tỉnh rất tốt, các thủ tục pháp lý được hỗ trợ nhanh. Do đó, doanh nghiệp chọn khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2 và Xuyên Á (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) làm đại bản doanh vì chỉ cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30km, cơ sở hạ tầng khá tốt, kết nối được với đường cao tốc và quốc lộ 1, đường vành đai 4, thuận lợi cho ngành nghề kinh doanh logistics của đơn vị.

Mặt khác, các khu công nghiệp tại ba huyện (Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa) tiếp giáp Thành phố Hồ Chí Minh, cũng nằm ở vị trí rất tốt để phát triển logistics. Anh Phạm Duy Vân, cán bộ quản lý Nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer Việt Nam Long An chia sẻ: Với cơ chế chính sách thu hút đầu tư khá thông thoáng về thủ tục hành chính (tháng 6/2022, nhận được chủ trương đầu tư, đến tháng 9/2022 nhận được quyết định đầu tư), giao thông thuận tiện cho quá trình sản xuất, giao nhận hàng hóa và quá trình phục vụ các đối tác, Tập đoàn Messer của Đức đã quyết định đầu tư dự án thứ bảy tại Long An, có diện tích hơn 1,8ha, tổng vốn đầu tư 22,9 triệu USD.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Prodezi Long An, Huỳnh Thiên Quân cho biết, doanh nghiệp vừa được Thủ tướng Chính phủ cấp chủ trương đầu tư khu công nghiệp 400ha, tại xã Lương Hòa và xã Tân Hòa (huyện Bến Lức, tỉnh Long An), tổng vốn đầu tư hơn 4.604 tỷ đồng. Dự án mới khởi động nhưng đã có nhiều nhà đầu tư đến thuê đất phát triển sản xuất và kinh doanh.

Hiện tại, đơn vị đang làm các thủ tục để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cho nên chỉ mới ký biên bản thỏa thuận về mặt nguyên tắc với nhà đầu tư. Với đặc thù nằm gần khu dân cư và Thành phố Hồ Chí Minh, mục tiêu của khu công nghiệp chỉ tiếp nhận doanh nghiệp sản xuất xanh, sạch, không làm ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống cộng đồng dân cư, đóng góp vào sự phát triển bền vững của Long An.

Doanh nghiệp đã được chính quyền các cấp tạo điều kiện rất thuận lợi trong quá trình thực hiện dự án. Hiện tại, doanh nghiệp đang phối hợp với địa phương hoàn thành sớm các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho nhà đầu tư theo thỏa thuận.

Để thu hút các nhà đầu tư FDI đến Long An, trong năm 2022, Long An đã tổ chức ra mắt Câu lạc bộ K.OCHAM Long An và tọa đàm xúc tiến đầu tư, thương mại với doanh nghiệp Hàn Quốc; đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản và thành lập Chi hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Long An; tiếp các đoàn nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, xúc tiến thương mại như: Áo, Ấn Độ, Đức...; tổ chức nhiều đoàn xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm cho biết, để trở thành một trung tâm phát triển kinh tế sôi động, bền vững của vùng đồng bằng sông Cửu Long, Long An dựa trên nền tảng công nghiệp xanh, tự động hóa, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quá trình phát triển công nghiệp để xứng tầm là cửa ngõ kết nối miền Đông và miền Tây Nam Bộ.

Long An tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các khu công nghiệp, cảng biển, cửa khẩu khu vực biên giới để tăng tốc phát triển nhanh và bền vững; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường để nâng cao cuộc sống của nhân dân; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển.

"Long An luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tăng cường cải cách hành chính, chuyển đổi số để nâng cao sự hài lòng, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp; xem doanh nghiệp là nguồn lực, là động lực cho sự phát triển của tỉnh", đồng chí Nguyễn Minh Lâm nhấn mạnh. Về phía doanh nghiệp cần tuân thủ đúng quy định, bảo đảm tiến độ, sớm đưa dự án đi vào hoạt động, sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Những nỗ lực và quyết tâm thời gian qua của Long An đã tạo nền tảng vững chắc, hiện thực hóa mục tiêu đến cuối năm 2025 trở thành một trung tâm phát triển kinh tế sôi động, bền vững của vùng đồng bằng sông Cửu Long dựa trên nền tảng công nghiệp xanh, tự động hóa và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kết nối thông suốt, thuận tiện giữa vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm môi sinh, cải thiện an sinh, giữ vững trật tự an toàn xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh.

Theo Nhân dân

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Công ty chứng khoán cần cả kiếm và khiên

Công ty chứng khoán cần cả kiếm và khiên

Công ty chứng khoán (CTCK) bị sự cố hệ thống công nghệ thông tin thi thoảng vẫn xảy ra trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên, thường sớm được khắc phục trong phiên.

Chứng khoán tháng 4 và mùa họp đại hội đồng cổ đông

Chứng khoán tháng 4 và mùa họp đại hội đồng cổ đông

Rung lắc mạnh trong tháng 3 khi đón nhận các thông tin tốt xấu đan xen, diễn biến thị trường chứng khoán trong tháng 4 liệu sẽ ra sao?

Ít hãng bay nhưng lại cạnh tranh khốc liệt!

Ít hãng bay nhưng lại cạnh tranh khốc liệt!

Trong khi hành khách ngày càng phải trả chi phí cao hơn để đi máy bay, các hãng hàng không vẫn tiếp tục thua lỗ mà gần nhất là câu chuyện Pacific Airlines

“Ông trùm” gia vị tiết lộ bí quyết giúp Dh Foods có mặt ở hơn 10 quốc gia

“Ông trùm” gia vị tiết lộ bí quyết giúp Dh Foods có mặt ở hơn 10 quốc gia

Nhờ kiên trì tiêu chí sản phẩm sạch, không dùng nguyên liệu nhân tạo, Dh Foods không những đứng vững tại thị trường gia vị Việt Nam mà còn tiến sâu vào thị trường quốc tế.

Gói "đầu tư giáo dục" hay chiêu "lấy mỡ nó rán nó"?

Gói "đầu tư giáo dục" hay chiêu "lấy mỡ nó rán nó"?

Chiêu huy động vốn từ phụ huynh học sinh để chủ đầu tư một số trường tư thục lấy đó làm vốn kinh doanh – chiêu này không mới. Tuy nhiên, nó được khoác lên bằng những cái tên mỹ miều như "gói đầu tư giáo dục" hay "học phí 0 đồng".

Kiếm tiền thật từ thị trường carbon

Kiếm tiền thật từ thị trường carbon

Chuyện tín chỉ carbon và giao dịch carbon đem lại tiền tươi thóc thật là có thật: Ngân hàng Thế giới (WB) hôm nay 21/3 công bố đã chi trả 51,5 triệu USD cho Việt Nam.