Điểm tên loạt cao tốc chuẩn bị thông xe và khởi công

Thế Anh Thứ sáu, ngày 23/12/2022 11:12 AM (GMT+7)
Lãnh đạo Ban QLDA Thăng Long cho biết, hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phải thông xe kỹ thuật năm 2022 là cao tốc Mai Sơn - QL45 và cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Bình luận 0

Hàng loạt cao tốc sắp thông xe

Ban QLDA Thăng Long vừa báo cáo về kết quả giải ngân năm 2022 là đơn vị đứng đầu của ngành về công tác giải ngân vốn cho các dự án giao thông.

Trong năm 2022, kế hoạch vốn Ban QLDA Thăng Long được giao là hơn 8.278 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 21/12, khối lượng giải ngân của Ban đã giải ngân được hơn 6.700 tỷ đồng, đạt 81,6% kế hoạch vốn năm 2022.

"Dự kiến đến hết ngày 31/12, kết quả giải ngân của Ban đạt hơn 7.700 tỷ đồng (không bao gồm dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), đạt 93,3% kế hoạch vốn được giao", ông Hồ Ngọc Loan, Phó Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết.

Điểm tên loạt cao tốc thông xe và sắp khởi công - Ảnh 1.

Trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Thế Anh

Theo ông Loan, dự kiến đến hết ngày 31/1/2023, kết quả giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đạt hơn 12.600 tỷ đồng (đã bao gồm dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), đạt 97,6% kế hoạch vốn đã giao. Trong năm 2022, đơn vị tiếp tục thực hiện công tác quản lý đối với 6 dự án và 2 hạng mục sử dụng vốn dư trong giai đoạn thực hiện.

Thông tin về tiến độ các dự án cao tốc Bắc - Nam, ông Loan cho hay, hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phải thông xe kỹ thuật năm 2022 là cao tốc Mai Sơn - QL45 và cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Ban QLDA Thăng Long đã quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn khắc phục các khó khăn, tập trung nguồn lực tài chính, tăng cường trang thiết bị, nhân lực, tăng ca, tăng kíp phấn đấu hoàn thành Dự án theo đúng kế hoạch.

"Đến nay, 2 dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng, dự kiến thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12 và hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 30/4/2023 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT", ông Loan khẳng định.

Ngoài ra, hai dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 gồm cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi và cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng, đang tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu xây lắp, tư vấn giám sát,.... Cả hai dự án thành phần dự kiến khởi công vào ngày 1/1/2023.

Điểm tên loạt cao tốc thông xe và sắp khởi công - Ảnh 2.

Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: Thế Anh

Tìm ra vướng mắc, hạn chế

Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Ban QLDA Thăng Long đang khẩn trương chỉ đạo tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến, ngày 20/1/2023, báo cáo cuối kỳ sẽ được hoàn thiện trình Bộ GTVT.

Đánh giá về tiến độ các dự án nêu trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, năm 2022 là một năm cực kỳ khó khăn với ngành giao thông, nhất là lĩnh vực xây dựng cơ bản với nhiều áp lực từ tiến độ hoàn thành, triển khai, khởi công dự án, cộng thêm diễn biến thất thường về thời tiết, giá cả vật liệu,…

Xác định khối lượng công việc thời gian tới còn rất lớn, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Ban QLDA Thăng Long phải chú trọng quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến dự án.

"Nguyên tắc là làm đến đâu cũng phải rà lại từng bước, để tìm ra những vướng mắc, hạn chế tồn tại để có phương án giải quyết ngay", Thứ trưởng Thọ yêu cầu.

Thứ trưởng Thọ cho rằng: "Riêng đối với các dự án mới, đặc biệt là các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, quan điểm của Bộ GTVT là khởi công là phải làm ngay, không nghỉ Tết, không để đứt quãng công trường.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Ban QLDA Thăng Long phải nghiên cứu, hình thành một mô hình quản lý mới chuyên nghiệp, hiệu quả với lực lượng chính quy để tạo nên thương hiệu; Đồng thời, tận dụng công nghệ, nâng cao sự minh bạch, chính xác trong công tác quản lý.

Ngày 22/11, ông Nguyễn Văn Thắng, tân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cùng đoàn công tác của Bộ đã thị sát, kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đoạn qua hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai.

Sau khi thị sát trên thực địa, ông Nguyễn Văn Thắng nói rằng qua khảo sát, thực tế có phần khác báo cáo trên giấy trước đó. Đặc biệt tân Bộ trưởng tỏ ra khá sốt ruột với tiến độ thi công đang chậm trễ so với kế hoạch đề ra. Ông cũng lo ngại không kịp hoàn thành mục tiêu đề ra là thông xe kỹ thuật với cuối năm nay 2023 như dự kiến.

Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh: "Không cần hứa nữa, doanh nghiệp nào không đáp ứng được tiến độ, chất lượng thì đứng sang một bên và sau này đừng nghĩ đến các dự án do Bộ GTVT triển khai, kể cả tư vấn giám sát. Tôi thấy trong báo cáo ghi khác mà thực tế lại khác, như vậy là không ổn. Trách nhiệm này thuộc về Ban quản lý dự án và nếu tiến độ không đạt được thì nên viết sẵn đơn đi".

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, vấn đề chậm tiến độ do chủ quan của các nhà thầu, của Ban quản lý dự án là chính. Vì nếu dự án nào cũng chậm tiến độ thì không biết đến khi nào cả nước mới hoàn thành cao tốc, trường hợp nhà thầu nào không đảm bảo được thì cần phải loại bỏ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem