dd/mm/yyyy

Điện Biên: Đảm bảo an toàn giao thông mùa mưa lũ

Nhằm đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, ngành Giao thông - Vận tải tỉnh Điện Biên đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó. Kịp thời khắc phục sự cố trên các tuyến giao thông, nhất là các tuyến đường huyết mạch nhằm bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt trong mùa mưa lũ.

Tỉnh Điện Biên có 8.337km đường giao thông các loại (bao gồm 6 tuyến quốc lộ và 8 tuyến tỉnh lộ). Ðến nay 100% xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến được trung tâm. Trong đó có 121 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được các mùa trong năm, còn 8 xã đường ô tô chỉ đi được trong mùa khô.

Điện Biên: Đảm bảo an toàn giao thông mùa mưa lũ    - Ảnh 1.

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Huy Hoàng, đảm bảo giao thông trên tuyến đường Tà Lèng - Mường Phăng.

 Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, ngay trước mùa mưa, Sở Giao thông - Vận tải Điện Biên đã xây dựng các phương án cụ thể, chi tiết, chuẩn bị tốt mọi điều kiện để xử lý khi có sự cố về hạ tầng giao thông. Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra, rà soát từng tuyến đường và công tác chuẩn bị vật tư dự phòng, thiết bị khắc phục sự cố, phương án phân luồng, đảm bảo giao thông khi có tình huống xấu xảy ra. Các đơn vị thành viên thực hiện bảo trì đường bộ, đơn vị sản xuất, chuẩn bị vật liệu đá, rọ thép, vật tư dự phòng lụt bão… đã tiến hành rà soát, đăng ký về số lượng vật tư, xe máy các loại. Từ đó, tổng hợp, lên phương án điều động xử lý, khắc phục kịp thời hậu quả do mưa, lũ và tổ chức điều động khi có yêu cầu của cấp trên.

Điện Biên: Đảm bảo an toàn giao thông mùa mưa lũ    - Ảnh 2.

Công nhân Công ty cổ phần Đường bộ II khắc phục điểm sạt sụt tại Km9+500 trên quốc lộ 4H.

 Bên cạnh đó, Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Điện Biên đã tiến hành rà soát các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, ngập lụt và thường xuyên bị hư hỏng, ách tắc giao thông trong mùa mưa bão để có phương án sửa chữa, xử lý khi thiên tai xảy ra. Qua rà soát các tuyến quốc lộ có khoảng 30 điểm có nguy mất an toàn giao thông khi mưa lũ xảy ra. Trong đó, quốc lộ 12 có 9 điểm, quốc lộ 4H có 13 điểm, quốc lộ 279C có 3 điểm và quốc lộ 6 có 5 điểm. Trên các tuyến tỉnh lộ có khoảng 24 điểm xung yếu cao chủ yếu trên các tuyến: Tỉnh lộ 140 (Huổi Lóng - Tủa Chùa), tỉnh lộ 143 (Noong Bua - Pú Nhi - Na Son), tỉnh lộ 145B (Km45 - Nà Hỳ) mỗi tuyến 3 điểm, tỉnh lộ 144B (quốc lộ 12 - Hừa Ngài - Nậm Nèn) có 5 điểm và tỉnh lộ 150 (Chà Tở - Chà Cang) có 10 điểm.

Theo ông Trần Thanh Kiên, Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Điện Biên, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được xác định là  nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ, chủ động thường trực trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ. Đảm bảo an toàn giao thông, không để ách tắc giao thông kéo dài nhiều giờ. Tăng cường kiểm tra, rà soát các vị trí xung yếu, điểm dễ gây mất an toàn giao thông làm cơ sở chuẩn bị lực lượng, bố trí phương tiện, máy móc thiết bị, vật tư theo phương châm 4 tại chỗ.

Cũng theo ông Kiên, sau khi đã xác định các vị trí xung yếu, Sở đã yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng đường bộ, như: Công ty Cổ phần Ðường bộ II Ðiện Biên; Công ty Cổ phần Ðường bộ 226… chuẩn bị máy móc, trực đảm bảo giao thông 24/24 giờ để ứng cứu kịp thời. Cụ thể, đối với các đơn vị quản lý đường bộ, tập trung tăng cường phát quang, nạo vét rãnh, thông cống, đắp phụ lề đường, rải êm thuận mặt đường, lắp dựng hệ thống cọc tiêu, biển báo, bảo vệ tốt hành lang an toàn giao thông đường bộ và kết cấu hạ tầng giao thông. Đặc biệt, tại các vị trí xung yếu chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, máy móc, thiết bị tái các vị trí nhà cung hạt trên tuyến đường được giao quảng lý.

Điện Biên: Đảm bảo an toàn giao thông mùa mưa lũ    - Ảnh 4.

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Huy Hoàng Đảm bảo giao thông trên tuyến quốc lộ 12.

 Đối với Ban Bảo trì đường bộ, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án được phê duyệt, không để vật liệu xây dựng, đất đá cản trở giao thông. Khơi thông cống rãnh trước và trong mùa mưa và chuẩn bị vật tư để xử lý mặt đường bị lún sụt. Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu xây dựng phương án, bố trí nhân lực, máy móc, thiết bị, đăng ký rõ số người, số lượng máy móc, vị trí tập kết, số điện thoại của người thường trực mưa lũ tại công trường.

Điện Biên: Đảm bảo an toàn giao thông mùa mưa lũ    - Ảnh 5.

Đợt mưa lũ vừa qua đã làm một số đoạn trên quốc lộ 4H bị sạt sụt và nhanh chóng được khắc phục đảm bảo giao thông. Trong ảnh: Điểm sạt sụt tại Km26+550 trên quốc lộ 4H.

 Với các phương án trên, từ đầu năm đến nay, mặc dù đã xảy ra nhiều mưa lũ gây sạt lở nghiêm trọng, tuy nhiên đều nhanh chóng được khắc phục, đảm bảo giao thông thông suốt. Điển hình, đợt mưa lũ diễn ra từ ngày 15 đến ngày  21/8 trên địa bàn tỉnh vừa qua đã làm một số tuyến quốc lộ bị ảnh hưởng nặng như: Quốc lộ 4H (nhánh 4H2), quốc lộ 279, quốc lộ 6 và quốc lộ 12… đã làm 437 điểm ta luy dương trên các tuyến quốc lộ bị sạt sụt với khối lượng 30.924m3; ta luy âm sạt sụt 10 điểm với khối lượng 150m3; làm hư hỏng mặt đường 650m2; đất lấp tắc cống, rãnh dọc 2.552m3… Ước tính thiệt hại hơn 12 tỷ đồng. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Sở Giao thông - Vận tải Điện Biên đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ tiến hành hót sụt, khơi thông cống rãnh bị lấp tắc, ngoài ra tại một số vị trí sạt lở lớn đã chỉ đạo cắm biển cảnh báo, rào chắn. Đồng thời, chuẩn bị dự trữ 615 rọ thép khắc phục hậu quả, đảm bảo giao thông thông suốt, không để ách tác nhiều giờ xảy ra.

Với các kế hoạch, phương án cụ thể của ngành Giao thông – Vận tải Điện Biên, cùng sự vào cuộc tích cực từ các đơn vị, hy vọng rằng trong mùa mưa bão năm nay, giao thông các tuyến đường trên địa bàn tỉnh sẽ được đảm bảo thông suốt, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và của do mưa lũ gây ra.

Vimh Duy