Điện Biên: Dân khát khô, công trình nước sạch bỏ hoang

Lê San Thứ bảy, ngày 14/06/2014 22:20 PM (GMT+7)
Để nâng cao đời sống cho đồng bào vùng cao, từ nhiều năm qua, Nhà nước đã đầu tư để xây dựng hệ thống thủy lợi, hệ thống cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, nhiều nơi, niềm vui ngắn chẳng tày gang...
Bình luận 0

Có bể nhưng không có nước

Bản Nậm Kè 1, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé (Biện Biên) có 66 hộ, với 375 khẩu. Từ năm 2006, từ nguồn vốn Chương trình 134 và 135, bản Nậm Kè 1 được đầu tư xây dựng 8 bể nước để phục vụ sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cả 8 bể đều không thể sử dụng.

Ông Lò Văn Vanh - Phó Chủ tịch xã Nậm Kè cho biết: “Hiện nay, người dân đều sử dụng nước từ khe, dẫn ống chảy trực tiếp vào nhà. Mùa mưa còn có nước để sử dụng nhưng mùa khô nước sinh hoạt trở nên khan hiếm do nguồn nước khe không còn. Dân bản phải đi xuống suối cách bản mấy cây số để lấy nước về sử dụng”.

Ông Lò Văn Hùng - Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Nhé phân trần: “Lúc khảo sát công trình đến khi xây dựng công trình, lượng nước lấy từ các khe còn dồi dào, 8 bể nước hoạt động rất hiệu quả. Nhưng theo thời gian, với việc chặt phá rừng vô tội vạ, lũ quét làm hư hỏng đường ống dẫn nước nên 8 bể đều bỏ khô”.

Rời Nậm Kè, chúng tôi lên bản Nậm Củm, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè, Lai Châu. Bản có 26 hộ người dân tộc Mảng sinh sống. Cùng với tình trạng thiếu lương thực, người dân bản Nậm Củm còn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Trưởng bản Nạm Củm - Lò Y Van cho biết: Năm 2006, từ Chương trình 135, bản đã được xây dựng công trình nước sinh hoạt với 3 bể chứa. Nhưng trận lũ quét năm 2013 đã làm hư hỏng hoàn toàn đường ống. Từ đó đến nay, người dân phải dùng nước suối.

Chưa một lần sử dụng

Công trình thuỷ lợi bản Tả Ko Ky, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé với tổng mức đầu tư được duyệt hơn 5,395 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư theo Quyết định 120/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các nguồn vốn. Công trình thủy lợi Tả Ko Ky có tổng mức đầu thủy lợi hoàn thành sẽ chuyển đổi diện tích lúa canh tác 1 vụ thành canh tác 2 vụ và mở rộng thêm diện tích. Tổng bãi tưới thuộc dự án gần 11ha.

Tuy nhiên theo ông Pờ Dần Sinh - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Sín Thầu, từ lúc được bàn giao vào tháng 9.2012 đến nay, công trình chưa một lần đưa nước về đến ruộng.

“Đang là mùa khô nhưng tại đập đầu mối công trình thuỷ lợi, nước vẫn tràn qua cửa hầm lấy nước. Ở cửa lấy nước cũng không hề có cát hay rơm rác bịt chắn. Nước nhiều như thế tại sao không có nước về đến ruộng?” - ông Sinh thắc mắc.

"Cái chính là do ý thức sử dụng của người dân. Thiếu tiền mua rượu, mua thuốc phiện, họ làm vậy thôi. Xã vào tuyên truyền, vận động, họ đều đồng tình, nhưng khi tổ tuyên truyền rút về thì đâu lại vào đó”.
Bà Bùi Thị Lập - Phó Chủ tịch UBND xã Bum Nưa

UBND xã Sín Thầu đã nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện Mường Nhé về công trình thủy lợi Tả Ko Ky. Huyện Mường Nhé cũng đã thành lập các đoàn đi kiểm tra, đánh giá công trình, nhưng cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có gì thay đổi.

Trong khi đó người dân bản Tả Ko Ky vẫn mong chờ nguồn nước vì không chỉ phục vụ cho nước tưới tiêu mà còn dùng cho sinh hoạt hàng ngày.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem